Có “chảy máu chất xám” tại Bệnh viện Bạch Mai?

Thứ Năm, 15/04/2021, 09:54
Liệu hiện tượng nhiều cán bộ, bác sỹ nghỉ việc có liên quan đến việc cải tổ Bệnh viện Bạch Mai của tân giám đốc, làm nguồn chất xám bị “chảy máu” hay không?

Dư luận những ngày qua xôn xao về việc hàng loạt bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Bạch Mai là bệnh viện hạng đặc biệt lớn nhất cả nước, việc hàng loạt cán bộ, bác sĩ của một bệnh viện danh tiếng nghỉ việc đã làm dấy lên nhiều băn khoăn, nhất là trong bối cảnh năm 2020 bệnh viện trải qua nhiều biến cố, nguyên Giám đốc, Phó Giám đốc và một số lãnh đạo cấp phòng bị bắt để điều tra trong vụ án mua bán trang thiết bị y tế. Liệu hiện tượng nhiều cán bộ, bác sỹ nghỉ việc có liên quan đến việc cải tổ bệnh viện của tân giám đốc, làm nguồn chất xám bị “chảy máu” hay không?

Vì sao hơn 200 người xin đi?

Là bệnh viện hạng đặc biệt, nơi tập trung nhiều đội ngũ giáo sư, bác sĩ giỏi nhất cả nước, song những ngày gần đây, nhiều thông tin trên mạng xã hội lan truyền cán bộ, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đồng loạt nghỉ hoặc chuyển việc. Trả lời vấn đề này, GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: Không phải cán bộ, bác sĩ bệnh viện đồng loạt nghỉ việc mà thực chất có 221 cán bộ nhân viên, y bác sĩ xin nghỉ, chuyển việc trong năm 2020, phần lớn là nhân sự giản đơn, số ít là bác sĩ, điều dưỡng. 

Bác sỹ thăm khám bệnh nhân.

Chia sẻ cụ thể về vấn đề này, TS. BS Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trong 221 cán bộ chuyển công tác từ năm 2020 cho đến nay, có 112 lao động giản đơn, còn lại là dược sĩ, điều dưỡng và chỉ có 28 bác sĩ. Nhưng bù lại tuyển lao động mới 506 người, đều là nhân lực chất lượng cao như bác sĩ nội trú, giáo sư, tiến sĩ đầu ngành.

Vì sao nhiều cán bộ, bác sĩ, nhân viên của bệnh viện nghỉ việc trong thời gian qua? Theo TS.BS Đoàn Thu Trà, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai: Công đoàn ngành Y tế cũng đặt câu hỏi này và đây cũng là câu hỏi được đặt ra trong đại hội cán bộ, công nhân viên chức (CBCNVC) bệnh viện. Nguyên nhân do bệnh viện kiện toàn tổ chức và nhân sự, tái cơ cấu tự chủ toàn phần nên đã thu nhỏ lại, có những đơn vị kiện toàn lại, khi sáp nhập có một số vị trí thực sự không cần thiết, giải thể, riêng khối dịch vụ đã có hơn 100 người nghỉ việc. Cụ thể, bệnh viện "đóng cửa" các hoạt động dịch vụ như tang lễ, trông giữ xe, bán báo, dịch vụ ăn uống (cắt giảm 61 nhân viên), thu gọn hệ thống nhà thuốc từ 10 giảm xuống còn 5 nhà thuốc (cắt giảm 51 nhân viên).

Một trong những nguyên nhân nữa là do tình hình dịch COVID-19 tác động lớn đến bệnh viện, vì vậy số bệnh nhân nội trú từ 5-5,6 nghìn người giảm còn hơn 1 nghìn; còn bệnh nhân ngoại trú đang 6-7 nghìn xuống 1-2 nghìn bệnh nhân, luôn dưới tải… Bên cạnh đó, giường tự nguyện cũng giảm, và hoạt động xã hội hóa được thanh tra và đưa về giá bảo hiểm y tế... Vì vậy, nguồn thu năm 2020 giảm 2 nghìn tỷ đồng (chiếm 30% so với 2019). Điều này cũng đã tác động đời sống cán bộ, viên chức bệnh viện.

Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, lương của CBCNVC  không giảm và không có chuyện bệnh viện nợ lương. Tuy nhiên, bệnh viện giảm thu nhập tăng thêm tùy vào khoa phòng, vào công việc và tùy vào vị trí việc làm. Trước đây, bệnh viện khoán cho các khoa phòng, có khoa tổng thu nhập trung bình 49 triệu/người/tháng, nhưng có phòng ban chỉ hơn 10 - 20 triệu đồng/người/tháng, điều này là không công bằng. Từ khi bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện đã bỏ quy định này mà cào bằng ở cả khối có thu và không có thu, nhưng có mức khuyến khích thêm. Vì vậy, tổng thu nhập của CBCNVC giảm so với năm chưa có COVID-19. Mặc dù trong năm 2020, bệnh viện cũng đã hỗ trợ cán bộ, nhân viên khoảng 140 tỷ đồng, tuy nhiên thu nhập của cán bộ vẫn giảm nhiều so với trước. 

Nguyên nhân nữa là cùng thời gian này do ảnh hưởng của các hoạt động thanh kiểm tra, thậm chí nhiều cán bộ bệnh viện vào vòng lao lý, đã ảnh hưởng tới tâm lý cán bộ, nhân viên từ lãnh đạo đến bác sĩ. Ngoài ra, nhiều cán bộ được đơn vị ngoài mời chào với mức thu nhập cao nên việc dịch chuyển cán bộ y tế là tất yếu, bệnh viện không thể giữ được.

Người bệnh có bị thiệt thòi?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không riêng Bệnh viện Bạch Mai, mà nhiều bệnh viện công lập đã xảy ra hiện tượng bác sĩ giỏi đã bỏ bệnh viện công để chuyển sang bệnh viện tư. Năm 2018, Đồng Nai có 97 bác sĩ nghỉ việc. Hai tháng đầu năm 2019, con số này là 19người. Nhóm bác sĩ nghỉ việc nhiều nhất thường ở độ tuổi trẻ, có 2 đến 5 năm kinh nghiệm. Trước đó, từ năm 2015 đến cuối tháng 3/2018, tỉnh Cà Mau có tới hơn 100 cán bộ, bác sĩ công tác tại các bệnh viện công lập nghỉ, bỏ việc… Năm 2017, nhiều bác sĩ ở Đà Nẵng ồ ạt chuyển sang làm việc cho các bệnh viện tư trong khi viện công quá tải do bệnh nhân ngày càng tăng.

Từ năm 2020 đến nay, có 221 bác sĩ, cán bộ, nhân viên Bệnh viện Bạch Mai xin nghỉ hoặc chuyển công tác.

Theo một cán bộ quản lý trong ngành Y, một số bác sĩ sau khi có tên tuổi ở một số bệnh viện lớn đã chuyển sang bệnh viện tư do mức lương hấp dẫn. Hiện tượng “chảy máu chất xám” ở bệnh viện công do 2 nguyên nhân là thu nhập và môi trường làm việc. Có người không chịu được áp lực ở bệnh viện công nên xin đi, có người vì tiền lương thấp mà xin đến nơi cao hơn. Có một số ý kiến cho rằng, họ bỏ bệnh viện công sang bệnh viện tư là muốn thay đổi môi trường làm việc và muốn khẳng định mình.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có bác sĩ ở bệnh viện công, lương 20 triệu/tháng, nhưng bệnh viện tư sẵn sàng trả 7.000 USD/tháng. Hoặc có người trình độ thạc sĩ, sang bệnh viện tư được trả mức lương hơn 100 triệu/tháng. “Mức lương cao hơn nên dễ thu hút người tài hơn. Song không phải sang bệnh viện tư là không có áp lực, để hưởng mức thu nhập đó, bác sĩ cũng phải cống hiến rất nhiều”, một chuyên gia cho biết.

Trở lại vấn đề ở Bệnh viện Bạch Mai, nhiều ý kiến cho rằng, do chính sách “siết chặt” của tân giám đốc, người có trình độ cao, bác sĩ giỏi “chảy máu” ra bệnh viện tư, gây thiệt thòi cho người bệnh khi không phải người bệnh nào cũng có tiền để vào bệnh viện tư khám chữa bệnh. Chủ tịch Công đoàn bệnh viện Đoàn Thu Trà cho biết: 28 bác sĩ xin đi có một PGS là Trưởng Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn; một TS là Trưởng khoa Dược; một TS là Phó Giám đốc Trung tâm Gan Mật Tụy, còn lại là Ths, BS. 

“Hằng năm chúng tôi cũng có người xin nghỉ vì lý do gia đình, vì lương. Lương bác sĩ ở bệnh viện trung bình khoảng 20-25 triệu/tháng, còn sang bệnh viện tư trả lương hơn 100 triệu/tháng, ngay cả Trung tâm của tôi cũng có một số bạn xin đi. 28 bác sĩ chuyển đi trong năm vừa qua thì chúng tôi lại nhận về 506 người, trong đó tỷ lệ GS, PGS,TS cũng nhiều hơn (có 5GS, PGS, hơn 10 TS, còn lại là cao học, thạc sĩ nội trú…), kinh nghiệm, trình độ giỏi hơn. Như vậy, đây không phải là “chảy máu chất xám””, BS Trà cho biết.

Về nguyên nhân có phải do siết chặt quy trình của bệnh viện hay không, BS Đỗ Văn Thành cho biết, trong 1 năm tự chủ tài chính toàn diện, lãnh đạo bệnh viện quyết liệt chấn chỉnh về tinh thần, thái độ, chăm sóc người bệnh của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế. Công tác kỷ luật cũng được thực hiện nghiêm khắc. Với "quan điểm phòng hơn chữa", nên bệnh viện yêu cầu đơn vị, lãnh đạo khoa phòng cũng phải chịu trách nhiệm liên đới khi cán bộ, nhân viên sai phạm. Đây cũng là áp lực cho nhân viên... Điều này lý giải cho việc ngoài trường hợp chấm dứt hợp đồng như đã nêu, một số ra đi vì áp lực công việc cao hơn mà thu nhập lại giảm.

Trần Hằng
.
.
.