Chuyện khó ngờ về Trưởng đoàn Tư vấn giám sát “siêu dự án” chống ngập

Thứ Ba, 09/10/2018, 08:51
Trưởng đoàn Tư vấn là người duy nhất có tư cách đại diện cho liên danh Tư vấn giám sát hợp đồng đã âm thầm về Mỹ gần ba tháng trước và chưa một lần trở lại, song vẫn ký tên, đóng dấu hàng loạt văn bản, giấy tờ quan trọng như là đang có mặt tại Việt Nam. Chuyện thật như đùa đang diễn ra tại “siêu” dự án chống ngập 10.000 tỷ.


Dùng văn bản giả mạo để “tố”

Tìm hiểu về thông tin mà đại diện Liên danh tư vấn giám sát hợp đồng (TVGSHĐ) cho rằng một số chuyên gia tư vấn trong liên danh này bị “các đối tượng xã hội” gây áp lực, đe dọa, chúng tôi gặp ông Th., một thành viên trong Đoàn tư vấn thì được ông khẳng định rằng mình cũng “mới nghe thông tin này qua báo chí” và bản thân ông không hề bị đe dọa gây áp lực. “Chắc có sự nhầm lẫn nào đó bên Công ty Meinhardt chứ theo như tôi biết, ông L. Fernando Requena đang ở Mỹ. Không có Tư vấn trưởng, mấy tháng nay Đoàn tư vấn gần như không làm việc, không xích mích, va chạm với ai”, ông Th tiết lộ thêm.  

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh (Trung tâm chống ngập) xác nhận nhiều tháng nay dù trung tâm có thư mời nhưng ông L.Fernando Requena, Trưởng đoàn TVGS không hề đến làm việc để tháo gỡ vướng mắc của dự án. “Nếu Trưởng đoàn Tư vấn ra nước ngoài, liên danh TVGSHĐ phải có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm chống ngập”, ông Dũng khẳng định.

Máy móc, vật tư thiết bị phục vụ dự án đã bắt đầu xuống cấp sau nửa năm phơi mưa, nắng.

Theo thông tin chính thức từ cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, ông L.Fernando Requena đã rời Việt Nam, xuất cảnh sang Mỹ từ ngày 14-7-2018. Từ đó đến nay, dù ông này chưa quay trở lại Việt Nam nhưng trên Văn bản số HTFC-SCFC/LO-18-067 ngày 24-9-2018 của TVGSHĐ gửi Trung tâm chống ngập vẫn có chữ ký và con dấu của vị Trưởng đoàn Tư vấn này. Đó chính là văn bản từ chối họp với nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đang được cơ quan điều tra làm rõ.

Tại văn bản này, liên danh TVGSHĐ “tố” một số nhân viên Đoàn TVGSHĐ dự án bị đe dọa bởi các “đối tượng xã hội” vì lý do đang làm việc cho Liên danh TVGSHĐ gây xôn xao dư luận những ngày qua. Không dừng lại ở đó, trong khoảng thời gian ông L.Fernando Requena đang ở một nơi cách Việt Nam nửa vòng trái đất, Liên danh TVGSHĐ đã phát hành ít nhất 18 văn bản hành chính bằng tiếng Việt có chữ ký của ông này và được đóng dấu đỏ, trong đó hầu hết là các văn bản tối quan trọng, liên quan đến sự thành bại của “siêu dự án” chống ngập do triều cường.

Đơn cử như Văn bản HFTC-SCFC/LO-18-048 ngày 25-7-2018 của TVGSHĐ báo cáo về “Thiếu sót hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật về luật bảo vệ môi trường”; Văn bản HFTC-SCFC/LO-18-049 ngày 25-7-2018 của TVGSHĐ về “Báo cáo về các sai phạm trong quá trình đổ bùn thải nạo vét”; Văn bản HFTC-SCFC/LO-18-056 ngày 30-8-2018 về “Đề xuất thu hồi giá trị khối lượng bùn nạo vét đã được xác nhận giải ngân”; Văn bản HFTC-SCFC/LO-18-052 ngày 16-8-2018 “Báo cáo đánh giá khối lượng hoàn thành các gói thầu cung cấp và lắp đặt thiết bị cơ khí thủy công và gói thầu XD05 - Cống kiểm soát triều Mương Chuối”… Tuy trong hầu hết đều có nội dung không đúng với bản chất vụ việc, nhưng các văn bản nói trên của TVGSHĐ vẫn góp phần làm “siêu” dự án chống ngập... “chết chìm”.

Trao đổi với PV Báo CAND, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh cho rằng, Công ty Mrinhardt là đơn vị tư vấn pháp luật nhưng đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Nghị định số 09 và Nghị định số 110 của Chính phủ quy định chữ ký trong các văn bản hành chính phải là chữ ký thật. Các trường hợp sử dụng chữ ký sẵn, con dấu có sẵn chữ ký của người khác đều trái pháp luật.

Chuyên gia này đề nghị cơ quan điều tra cần nhanh chóng vào cuộc để làm rõ và ngăn chặn hành vi giả mạo chữ ký của ông L. Fernando Requena để phục vụ cho một mục đích nào đó, nhất là khi việc này liên quan đến một dự án có quy mô đầu tư lên đến gần 10.000 tỷ đồng, phục vụ lợi ích cho hàng triệu người dân TP Hồ Chí Minh.

Dấu hiệu “sính ngoại”

Ông L.Fernando Requena đồng thời cũng là Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Meinhardt được cả ba thành viên trong liên danh TVGSHĐ ủy quyền đại diện cho Liên danh tư vấn làm việc với Trung tâm chống ngập, chính quyền và các cơ quan chức năng của thành phố. Một trong những lý do liên danh này được chỉ định thầu trong điều kiện đặc biệt là tại Văn bản số 7755/BKHĐT-QLĐT gửi Văn phòng Chính phủ ngày 22-9-2016, Bộ KH&ĐT cho rằng: “Đơn vị tư vấn có yếu tố nước ngoài sẽ đảm bảo tính khách quan trong quá trình thực hiện dự án, minh bạch, đảm bảo quá trình quản lý vốn hiệu quả”.

Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra trái ngược với kỳ vọng này. Liên danh TVGSHĐ chỉ có Trưởng đoàn Tư vấn - ông L.Fernando Requena, là người nước ngoài, còn lại đều là đội ngũ kỹ sư, chuyên viên trong nước.

Tuy được đánh giá cao nhưng ông L.Fernando Requena trong thời gian làm việc tại Việt Nam đã tỏ ra là một nhà tư vấn thiếu chuyên nghiệp. Rõ nhất là việc ông L.Fernando Requena đã “hồn nhiên” thay mặt Liên danh TVGSHĐ ký hàng loạt văn bản gửi cơ quan chức năng trước khi chưa được các DN thành viên trong liên danh chính thức ủy quyền.

Khi “siêu” dự án chống ngập bị “sa lầy”, thay vì ở lại tư vấn cho nhà đầu tư và các bên liên quan tháo gỡ vướng mắc để dự án khởi động trở lại và sớm về đích, đáp ứng mong mỏi của hàng triệu người dân TP Hồ Chí Minh, ông này lại lặng lẽ rời khỏi Việt Nam mà không hề thông báo cho cơ quan có thẩm quyền. Và suốt gần ba tháng nay bên trời Tây, ông ta đã bỏ mặc cho cấp dưới sử dụng tên tuổi của mình để phát hành các văn bản gây “sốc” dư luận và làm dự án “chết chìm”. 

Điều khiến chúng tôi bất ngờ hơn hết là dù cách làm việc như vậy nhưng ngân sách TP Hồ Chí Minh vẫn phải trả thù lao hằng tháng khá cao cho chuyên gia tư vấn này. Cụ thể ông L.Fernando Requena nhận được hơn 363 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông L.Fernando Requena còn được hưởng khoản tiền công tác phí dành cho chuyên gia nước ngoài ở mức hơn 820 triệu đồng, bao gồm cả tiền vé máy bay

Tại buổi họp báo của UBND TP Hồ Chí Minh diễn ra ngày đầu tháng 10 vừa qua, Chánh Văn phòng UBND thành phố - ông Võ Văn Hoan đánh giá dự án chậm trễ ảnh hưởng đến chất lượng, giá trị công trình và phát sinh lãi suất. Đây là lỗi lớn của TP Hồ Chí Minh với người dân và Chính phủ. Do đó ngay trong tuần này, thành phố sẽ tổ chức cuộc họp làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cơ quan để đảm bảo đúng nhiệm vụ và hướng tới mục tiêu chung là sớm khởi động lại, hoàn thành dự án.

Tuy nhiên, với việc người duy nhất có quyền đại diện cho Liên danh TVGSHĐ theo ủy quyền là ông L.Fernando Requena đã rời Việt Nam, thì ai sẽ thay mặt liên danh nhà thầu để làm việc với UBND TP Hồ Chí Minh và các sở ban ngành chức năng? Đây là thắc mắc của dư luận mà chính quyền, ngành chức năng thành phố chưa nhận được trả lời.

Trong công văn hỏa tốc gửi UBND TP Hồ Chí Minh ngày 4-10, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ đạo UBND TP Hồ Chí Minh phải có trách nhiệm giải quyết vướng mắc của dự án do UBND thành phố là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư, phải chịu trách nhiệm toàn diện về việc đầu tư và hiệu quả của dự án.

Trước viễn cảnh “mịt mù” của dự án, hàng trăm kỹ sư, công nhân không có việc làm nửa năm qua, hàng nghìn tỷ đồng sắt thép nằm dưới nước đã bắt đầu hoen gỉ… nên trong một văn bản mới đây, Tập đoàn Trung Nam đã phải ngậm ngùi khẩn cầu UBND TP Hồ Chí Minh chỉ cho họ cách nào và phải làm gì để tái khởi động dự án vì dừng thi công càng lâu, thiệt hại càng nặng hơn.

Trao đổi với PV Báo CAND, nhiều người dân đang sinh sống tại các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường bày tỏ lo ngại khi mùa mưa lũ cuối năm đang vào thời kỳ cao điểm, triều cường diễn biến ngày càng phức tạp, không năm nào giống năm nào. Nhiều người dân ở những địa phương thường xuyên bị triều cường gây ảnh hưởng, đề nghị cơ quan Công an khẩn trương vào cuộc để điều tra, làm rõ những sai phạm để sớm khởi động lại dự án, hoàn thành dự án đưa vào khai thác để người dân thoát cảnh khổ sở do ngập lụt.

Bảo Sơn
.
.
.