Chấm dứt làm dự án nhà ở kiểu “nửa nạc, nửa mỡ”

Thứ Ba, 13/07/2021, 08:57
Khi người thuộc diện tái định cư và diện được mua nhà ở xã hội còn chưa được thụ hưởng không gian sống từ dự án thì hoạt động chào bán đất nền của dự án này diễn ra ồ ạt ngay tại dự án và trên các trang mạng xã hội từ nhiều năm nay…

Từ đề xuất của UBND tỉnh Đồng Nai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tỉnh Đồng Nai được chuyển mục đích sử dụng 76,5 ha đất trồng lúa để thực hiện Dự án khu dân cư xã Phước Tân và xã An Hòa, thuộc TP Biên Hòa.

Năm 2015, UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép quy hoạch, quyết định duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết tỉ lệ 1/500 với khu dân cư và tái định cư tại xã Phước Tân, diện tích hơn 47,79 ha; quy mô dân số từ 8.000-9.500 người và giao cho Công ty CP phát triển hạ tầng An Hưng Phát làm chủ đầu tư.

Khi giao dự án cho doanh nghiệp, tỉnh Đồng Nai cũng yêu cầu 3 tháng chủ đầu tư phải báo cáo tiến độ 1 lần, nhưng đến nay, nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội (NOXH) trong dự án vẫn chưa có; hạ tầng kỹ thuật của dự án vẫn dở dang, hàng chục ha đất bị bỏ hoang hóa gây lãng phí không nhỏ.

Chính vì vậy Dự án khu dân cư và tái định cư tại xã Phước Tân cũng là một trong những dự án được Thanh tra Chính phủ thanh tra về các nội dung liên quan đến công tác quản lý đất đai tại tỉnh Đồng Nai.  

Dự án khu dân cư và tái định cư tại xã Phước Tân được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch gồm 248 nhà liền kế phục vụ tái định cư và 704 căn hộ chung cư là NOXH. Ngoài ra còn có 1.208 nhà liên kế, biệt thự và 983 căn hộ chung cư thương mại cũng như đất dành cho trường học, cây xanh, giao thông và hạ tầng kỹ thuật...

Dự án khu dân cư phải hy sinh diện tích đất lúa “khủng” như vậy nên trong văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc vào ngày 6/11/2015, Chủ tịch UBND TP Biên Hòa đã yêu cầu phải khẳng định rõ “Đây là dự án phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng…”.

Nhưng sau 7 năm triển khai, nhà liên kế phục vụ tái định cư và chung cư NOXH vẫn chưa thấy đâu; hạ tầng kỹ thuật như hệ thống giao thông, thoát nước… của dự án mới thực hiện được khoảng một nửa; hạ tầng công cộng, hạ tầng xã hội như trường học, công viên vẫn hầu như chưa có gì.

Đến thời điểm này, dự án vẫn chỉ là nơi hoang vắng, đất đai để cỏ dại mọc um tùm khi số lượng nhà cửa được xây cất mới chỉ có khoảng 40 căn. Trong khi đó, nhiều căn nhà đã được xây dựng tại đây đều treo biển là văn phòng của các công ty địa ốc nhằm môi giới, mua đi, bán lại đất nền từ chính dự án.

Việc thu hồi đất cũng xảy ra bất cập đã khiến hơn trăm hộ dân ở đây bức xúc ký đơn tập thể khiếu nại. Còn theo UBND xã Phước Tân, việc thu hồi đất được thực hiện với 181 hộ dân và 1 tổ chức là UBND xã Phước Tân. Trong số 130 hộ thường trú tại địa phương đã 51 hộ sống từ trước năm 1975 sau đó tách hộ cho con cái và 79 hộ mua đất sinh sống ổn định tại đây sau năm 1975.

Làm dự án phát triển nhà ở mới ngay trên khu dân cư cũ, lâu đời nên ấp Đồng của xã Phước Tân đã bị “thổi bay” hoàn toàn, kéo theo hàng trăm hộ dân phải hy sinh lợi ích và chịu cảnh xáo trộn cuộc sống.

Đã vậy, khi người dân thuộc diện tái định cư hoặc được mua chung cư là NOXH còn chưa được hưởng lợi, thì với “mác” công ích, dự án này còn được cho phép thu hồi gần 2,5 ha đất công là đất kênh rạch, suối và đất giao thông để giao cho chủ đầu tư mà không phải thông qua việc đấu giá. Hiện một phần không nhỏ diện tích đất công này đã được san lấp chuyển thành nền đất thương mại đem bán.

Đến nay chủ đầu tư đã hoàn thành được khoảng 700 nền đất và đã bán phần lớn số lượng đất nền kinh doanh này. Trong khi đó, số nền đất được sử dụng vào mục đích tái định cư khá ít.

Khi người thuộc diện tái định cư và diện được mua NOXH còn chưa được thụ hưởng không gian sống từ dự án khu đô thị hiện đại thì hoạt động chào bán đất nền của dự án này diễn ra ồ ạt ngay tại dự án và trên các trang mạng xã hội từ nhiều năm nay…

Đây không phải dự án phát triển nhà ở duy nhất của Đồng Nai được làm theo kiểu “nửa nạc, nửa mỡ” như vậy. Do đó, tỉnh Đồng Nai cần đẩy nhanh tiến độ với dự án này để tránh lãng phí đất đai và chấm dứt hẳn việc cho làm dự án kiểu này.

Bảo Sơn
.
.
.