Cần sớm điều tra vụ tố cáo lừa đảo chiếm đoạt 10 tỷ đồng

Thứ Hai, 25/01/2021, 07:14
Dự án chung cư Vạn Hưng Phát (V.H.P) tọa lạc tại số 339 đường Bông Sao, phường 5, quận 8 (TP Hồ Chí Minh) là một dự án “chết” vì chỉ mới thi công phần móng và 1 phần sàn hầm rồi bỏ mặc hơn 10 năm qua. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Vạn Hưng Phát (gọi tắt là Công ty V.H.P) gần như biến mất khỏi thương trường để lại khoản nợ kếch xù đối với ngân hàng, đối tác, người mua căn hộ…

Ông Nguyễn Văn Minh, người đại diện pháp luật, đồng thời là Giám đốc Công ty VHP cùng ông Trần Văn Bắc (thành viên góp vốn) thì biệt vô âm tính; trụ sở Công ty nằm trên đường Tùng Thiện Vương (quận 8) giờ là quán cà phê… Thế nhưng, đầu năm 2020, bỗng đâu xuất hiện một Tổng Giám đốc Công ty VHP mới với tên gọi Đào Văn Giang và vụ chiếm dụng 10 tỷ đồng bắt đầu từ đó…

Theo đơn tố cáo gửi đến Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh và Báo CAND của Công ty T.M (quận 5), sáng 2/2/2020, Giám đốc kinh doanh Công ty T.M nhận được điện thoại của một người tự xưng tên Ngô Duy Long là Phó Giám đốc kinh doanh của Công ty TNHH Giải pháp tài chính Golden M&A (Công ty Golden M&A). Ông Long mời gọi Công ty T.M tham gia môi giới bán căn hộ chung cư V.H.P.

Dự án chung cư V.H.P giờ chỉ là một hầm nước.

Sau khi trao đổi sơ bộ, ngày 6/2/2020, Công ty T.M có buổi làm việc với đại diện Công ty Golden M&A và ông Phạm Việt Anh, tự xưng là Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của Cty V.H.P. Tại đây, ông Phạm Việt Anh khẳng định, Công ty Golden M&A là đơn vị triển khai độc quyền bán sản phẩm dự án chung cư V.H.P (tên thương mại là Royal Park Riverside) nên các đơn vị khác muốn bán sản phẩm đều phải thông qua Công ty Golden M&A.

Và để được bán sản phẩm, Công ty T.M phải đặt cọc trước 10 tỷ đồng. Buổi làm việc tiếp theo vào ngày 11/2/2020, Công ty Golden M&A và Công ty V.P.H cam kết trước ngày 30/3/3020 sẽ hoàn thành công tác thi công đậy nắp hầm để mở bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với dự án chung cư V.H.P vào ngày 20/4/2020.

Sau khi thống nhất, ngày 19/2/2020, đại diện Công ty T.M cùng Tổng giám đốc Công ty Golden M&A Đỗ Thành Long tiến hành ký kết hợp đồng dưới sự chứng kiến của ông Phạm Việt Anh và ông Đào Văn Giang tự xưng là Tổng giám đốc của Công ty V.H.P. Lúc này, Công ty Golden M&A đưa ra hợp đồng độc quyền môi giới bất động sản giữa Công ty Golden M&A và Công ty V.H.P. Người đứng tên đại diện cho phía Công ty V.H.P là ông Đào Văn Giang, Tổng giám đốc có ký tên đóng mộc đỏ Công ty V.H.P hẳn hoi.

Đây chính là cơ sở duy nhất mà Công ty M.T tin tưởng rằng việc Cty Golden M&A độc quyền môi giới bán sản phẩm chung cư V.H.P là có thật. Chính vì vậy mà cùng ngày, Công ty T.M đã chuyển khoản đặt cọc 10 tỷ đồng cho Công ty Golden M&A. Ngay sau đó, Công ty Golden M&A đã chuyển khoản số tiền này cho Công ty cổ phần đầu tư và phát triển City Real. Tuy công ty này chẳng dính dáng gì đến hợp đồng làm ăn nhưng theo ông Đào Văn Giang, đó là công ty do ông lập nên và ông đã nhận số tiền này thay cho Công ty V.H.P (?!).

Để triển khai bán sản phẩm đúng tiến độ theo hợp đồng, Công ty T.M đã gấp rút đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để tuyển dụng đội ngũ kinh doanh, nghiên cứu thị trường, huấn luyện bán hàng, in ấn tài liệu, công cụ… nhưng rồi chờ mãi chẳng thấy sản phẩm đâu. Nghi ngờ mình bị lừa, 7 tháng sau kể từ ngày ký hợp đồng, Công ty T.M đòi lại số tiền đã đặt cọc.

Ngày 10/9/2020, ba bên ngồi lại giải quyết và đồng ý thanh lý hợp đồng. Công ty Golden M&A và Công ty V.H.P xin được miễn phạt theo hợp đồng và cho họ thanh toán số tiền hơn 12 tỷ đồng (gồm 10 tỷ đồng tiền cọc và chi phí phát sinh), chậm nhất là đến ngày 15/9/2020. Nhưng sau đó thì tiền chẳng thấy đâu, họ chỉ hứa cho vui.

Công ty T.M đi tìm hiểu thì mới hay, dự án chung cư V.H.P vẫn đang bị “đắp chiếu” chưa biết đến khi nào và ông Đào Văn Giang không phải là tổng giám đốc Công ty V.H.P. Vì cho đến bây giờ, ông Nguyễn Văn Minh vẫn là người đại diện pháp luật theo pháp luật và là giám đốc duy nhất của Công ty V.H.P. Từ đó, Công ty T.M đã tố cáo những người có liên quan đã dùng thủ đoạn gian dối để lừa đảo chiếm đoạt 10 tỷ đồng.

Theo giấy đăng ký kinh doanh, ông Đào Văn Giang là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng GDLAND (Công ty GDLAND), trụ sở đặt tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Vậy còn chức Tổng giám đốc Công ty V.H.P là thế nào? PV Báo CAND đã hẹn làm việc với ông Giang tại trụ sở Công ty GDLAND để hỏi rõ. Tại đây, ông Giang thừa nhận việc hợp đồng môi giới, nhận tiền cọc 10 tỷ đồng của Công ty T.M là chuyện có thật. “Vậy tại sao không trả lại tiền cho đối tác khi không thực hiện được hợp đồng?”, chúng tôi thắc mắc.

Ông Giang khẳng định: “Tiền tôi không thiếu nhưng tôi không trả vì tôi bực. Bởi sau khi thanh lý hợp đồng, phía bên chúng tôi hẹn trả trong 5 ngày nhưng đến ngày thứ hai thì Công ty T.M đã tố cáo đến cơ quan Công an nên tôi bức xúc không trả. Tôi đợi cơ quan điều tra có kết luận chính thức rồi tính sau”. Trên thực tế thì mãi nhiều tháng sau, khi Công ty Golden M&A và ông Giang bội tín thì Công ty T.M mới có đơn tố cáo đến cơ quan Công an.

“Việc quan trọng là bằng cách nào ông giữ chức Tổng giám đốc Công ty V.H.P?” - chúng tôi hỏi tiếp. Ông Giang cung cấp cho tôi quyết định “Bổ nhiệm tổng giám đốc” cho ông Đào Văn Giang được ký ngày 5/12/2019 bởi ông Trần Văn Bắc là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty V.H.P. Quyết định này là thật hay giả đòi hỏi phải có sự trưng cầu giám định của cơ quan tố tụng.

Một luật sư cho biết, trong trường hợp đây là quyết định thật thì việc bổ nhiệm này là không đúng quy định. Bởi theo pháp luật hiện hành, tùy theo mô hình mà giám đốc (hay Tổng giám đốc), công ty chỉ có một, ông Minh hiện vẫn là Giám đốc Công ty V.H.P thì ông Giang không thể là Giám đốc cùng tồn tại song song.

Nếu ông Giang có thay cho ông Minh thì buộc phải làm thủ tục thay đổi người đại diện pháp luật bởi vay trò của ông Minh là người đại diện pháp luật và là giám đốc Công ty V.P.H. Còn nếu chưa qua thủ tục này thì đương nhiên ông Giang không thể là điều hành kinh doanh của Công ty V.H.P được.

Ngoài quyết định bổ nhiệm, ông Giang còn cung cấp nhiều văn bản là hợp đồng chuyển nhượng phần góp vốn, giấy ủy quyền… nhưng đều không mang giá trị pháp lý bởi không có đóng dấu của Công ty V.H.P; không có công chứng, chứng thực và chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính. Trong đó, hợp đồng chuyển nhượng phần góp vốn được ký kết ngày 20/5/2019 giữa ông Nguyễn Văn Minh và Công ty GDLAND thể hiện ông Minh chuyển nhượng 50% cổ phần trong Công ty V.H.P, tương đương 250 tỷ đồng cho Công ty GDLAND, nhưng thực ra chỉ là “bán” trên giấy chứ ông Giang chưa trả đồng nào. Ông Giang thừa nhận điều này và cho biết “chưa đưa tiền vì còn vướng mắc thủ tục, giấy tờ khi nào xong thủ tục thì mới tính” (?!).

Trên thực tế, chuyện dự án chung cư V.H.P muốn “tái sinh” thì buộc công ty này phải thi hành án, thanh toán khoản nợ hàng trăm tỷ đồng thì mới có thể khôi phục để tiếp tục thực hiện dự án. Bởi lẽ, ngày 5/8/2019, Chi cục Thi hành án dân sự quận 8 đã có quyết định tạm dừng việc đăng ký, chuyển nhượng quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đối với Công ty V.H.P để thi hành án. Quyết định này vẫn đang còn hiệu lực thì không thể có chuyện ông Việt Anh, ông Đào Văn Giang (vốn chẳng liên quan gì về mặt pháp lý đến Công ty V.H.P) tái khởi động dự án như đã hứa với Công ty T.M.

Đặc biệt, một nghi vấn được đặt ra đó là, ông Đào Văn Giang không phải là người đại diện hợp pháp cho Công ty V.H.P thì ông Giang lấy đâu ra con dấu Công ty V.H.P để đóng vào hợp đồng độc quyền môi giới giữa Công ty V.H.P và Công ty Golden M&A? Nếu đó là con dấu thật thì do ông Nguyễn Văn Minh, ông Trần Văn Bắc hay ai đó đưa cho ông Giang và họ có liên quan gì đến đến việc chiếm dụng 10 tỷ đồng của Công ty T.M?

Cơ quan điều tra cần làm rõ khúc mắc này vì đây là yếu tố chính thể hiện thủ đoạn gian dối cấu thành hành vi lừa đảo hay không trong vụ việc này. PV Báo CAND rất cố gắng để liên hệ với ông Bắc để hỏi rõ việc này nhưng không được ông Bắc hồi âm.

Mã Hải
.
.
.