Huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng:

Các nhà giáo mòn mỏi đi đòi chế độ chính sách

Thứ Hai, 25/09/2017, 08:22
Chiều 21-9, các nhà giáo đã đến Phòng Tiếp công dân của huyện Trần Đề theo thư mời của UBND huyện Trần Đề, nhưng sau mấy giờ đồng hồ ngồi chờ ở Phòng Tiếp công dân huyện, các nhà giáo phải ra về vì cán bộ bận công tác “đột xuất”.

Liên quan đến việc các nhà giáo đã nghỉ hưu đi đòi tiền chế độ chính sách ở huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) mà Báo CAND đã phản ánh vào năm 2016, chiều 21-9, các nhà giáo đã đến Phòng Tiếp công dân của huyện Trần Đề theo thư mời của UBND huyện Trần Đề, nhưng sau mấy giờ đồng hồ ngồi chờ ở Phòng Tiếp công dân huyện, các nhà giáo phải ra về vì cán bộ bận công tác “đột xuất”.

Trao đổi với chúng tôi về “sự cố” trên, ông Đặng Công Khánh, cán bộ Phòng Tiếp công dân huyện Trần Đề, cho biết: “Theo lịch làm việc, chiều 21-9, Phó Chủ tịch UBND huyện Lưu Hữu Danh và Công an huyện Trần Đề sẽ làm việc với các cô giáo để giải quyết khiếu nại của các cô. Tuy nhiên, do có công việc đột xuất nên đồng chí Phó Chủ tịch không làm việc được nên chúng tôi hẹn các cô vào ngày khác”.

Như Báo CAND phản ánh, từ năm 2008 về sau, các nhà giáo Lê Thị Trưởng, Thạch Thị Nuôi, Lâm Thị Hang (công tác tại Trường Tiểu học Tài Văn 2, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) được hưởng phụ cấp thu hút 70% theo Nghị định 61/2006/NĐ.CP ngày 20-6-2006 của Chính phủ. Vào thời điểm đó, do kinh phí của tỉnh chưa đủ nên còn thiếu nợ của họ số tiền hàng trăm triệu đồng.

Cũng trong những năm đó, các nhà giáo này nghỉ hưu theo chế độ nên chưa nhận được tiền. Đến năm 2015, họ nghe nhiều giáo viên cùng dạy chung trước đây cho biết đã có tiền chi trả nên đến trường xin nhận, lãnh đạo trường cho rằng các cô đã nhận đủ tiền. Từ đó dẫn tới khiếu nại cho đến nay.

Cụ thể, cô Lê Thị Trưởng chưa được nhận tiền từ tháng 1 đến 12-2008 và từ tháng 1 đến 11-2009. Cô giáo Thạch Thị Nuôi chưa được nhận tiền từ tháng 1 đến 8-2008. Cô Lâm Thị Hang cũng chưa nhận tiền từ tháng 1 đến 8-2008.

Ba nhà giáo tại Phòng tiếp công dân huyện Trần Đề chiều 21-9.

Cầm bản photo danh sách ký nhận tiền, cô Lê Thị Trưởng nói: “Tôi nghỉ hưu từ năm 2009 nên từ đó cho đến nay không về trường nhận tiền, chữ ký trong đó không phải là chữ ký của tôi”.

Các cô Thạch Thị Nuôi, Lâm Thị Hang cũng khẳng định các cô không nhận tiền và chữ ký trong danh sách không phải của họ. Cùng với 3 cô giáo trên, còn có thầy Nguyễn Ngọc Hùng và vợ là cô Trần Thị Trúc Phương (đã nghỉ và xuất cảnh đi nước ngoài năm 2010) cũng có tên trong danh sách nhận tiền từ tháng 1 đến 8-2008 và từ tháng 1 đến 12-2009 nhưng không có chữ ký (tức là chưa nhận tiền). 

Theo cô Thạch Thị Nuôi, có 4 giáo viên đã nghỉ hưu (trong đó cô Trương Thị Ghết đã mất) có tên trong danh sách nhận tiền, thực chất cô chưa nhận tiền nhưng có chữ ký và chữ ký đó là giả mạo. Còn 2 giáo viên đi nước ngoài là chưa nhận đủ tiền và không ký nhận tiền. 

“Chúng tôi đã làm đơn phản ánh từ đầu năm 2016 cho đến nay nhưng không cơ quan nào giải quyết. Khiếu nại đến Phòng GD-ĐT thì lúc chuyển hồ sơ về trường, lúc lại nói chuyển qua UBND huyện, lúc lại nói chuyển qua Công an huyện.

Đến UBND huyện thì huyện chỉ sang Phòng GD-ĐT. Ai là người đã ký nhận tiền của chúng tôi, đề nghị cơ quan chức năng làm sáng tỏ và xử lý nghiêm” - cô Thạch Thị Nuôi bức xúc.

Cô Lê Thị Trưởng cho biết: “Chúng tôi được hưởng chế độ chính sách khi đang công tác nhưng tỉnh chưa có tiền chi trả thì chúng tôi đến tuổi nghỉ hưu. Khi có tiền thì nhà trường không thông báo cho chúng tôi biết để chúng tôi đến nhận. Chỉ sau này một số giáo viên mới nói cho chúng tôi biết đã có tiền thì chúng tôi đến nhận thì họ nói chúng tôi đã nhận rồi. Chúng tôi khiếu nại mà không giải quyết. Bốn chị em chúng tôi đã già, bệnh tật nhiều chỉ mong được trả lại tiền chứ đừng để như trường hợp chị Trương Thị Ghết là một ví dụ đau lòng khi chị Ghết chết mà vẫn chưa được nhận tiền”.

Chiều 21-9, tại Phòng Tiếp công dân huyện Trần Đề, cô Lê Thị Trưởng đã chỉ cho ông Đặng Công Khánh sự bất hợp lý trong hồ sơ mà Phòng GD-ĐT huyện Trần Đề cho rằng các cô đã nhận tiền.

Trưởng nói: “Họ ký chữ ký giả của chúng tôi. Còn trường hợp của thầy Hùng và cô Phương, có bản thì họ để trống, có bản thì ghi với nội dung có giấy ủy quyền. Từ đó cho rằng đã có người nhận tiền. Chúng tôi đề nghị đối chiếu với bản gốc thì họ không chịu. Không chỉ vậy, họ còn ngụy tạo hồ sơ. Cụ thể, trong bản ghi danh sách nhà giáo nhận tiền ngày 4-6-2016, phía bên phải của bản danh sách này đóng dấu của Phòng GD-ĐT huyện Mỹ Xuyên, có chữ ký của ông Quách Lai Thành; còn bên trái đóng dấu của Trường Tiểu học Tài Văn 2, bà Dương Thị Ánh Hồng là Hiệu trưởng ký tên. Điều đáng nói, con dấu của Phòng GD-ĐT huyện Mỹ Xuyên thể hiện Phòng này thuộc UBND huyện Mỹ Xuyên, còn dấu của Trường Tiểu học Tài Văn 2 cho thấy trường này thuộc UBND huyện Trần Đề. Rõ ràng là có sự gian lận, mập mờ”.

X.Cao
.
.
.