Bệnh viện nghìn tỷ “đắp chiếu” đến bao giờ?
Theo dự kiến, công trình sẽ hoàn thành vào cuối năm 2013 góp phần tạo điều kiện cho nhân dân các tỉnh Tây Nguyên được tiếp cận với các dịch vụ y tế hiện đại, hạn chế việc phải chuyển tuyến lên các bệnh viện tuyến Trung ương. Tuy nhiên, sau gần 8 năm xây dựng, công trình vẫn đang trong giai đoạn dở dang khiến nhiều hạng mục đang bị xuống cấp trầm trọng và chưa biết khi nào mới hoàn thành?.
Có mặt tại khu vực Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, quan sát bề ngoài cho thấy, nhiều hạng mục chính với 5 khối nhà lớn cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, khi mục sở thị vào bên trong thì tất cả đều bỏ không, xung quanh tòa nhà dây leo mọc um tùm.
Ngay tại tòa nhà chính là nơi đón tiếp bệnh nhân và cấp cứu, nhiều hạng mục như trần nhà, điện, cửa… bị hư hỏng, bong tróc, rong rêu bủa vây, xuống cấp trầm trọng. Phía sau tòa nhà là 4 khối nhà liền kề cũng đang được xây dựng dang dở nhưng không một bóng người. Phía bên ngoài sân của bệnh viện cỏ dại mọc khắp nơi, hàng loạt máy móc phục vụ thi công nằm ngổn ngang, gỉ sét.
Nhiều người dân mỗi ngày đi qua đây không khỏi xót xa cho công trình nghìn tỷ “đắp chiếu”, phơi nắng phơi mưa này. Trao đổi với phóng viên, một công nhân tên Hải cho biết, đã hơn 1 năm nay, công trình chỉ được thi công một cách cầm chừng.
Bệnh viện vùng Tây Nguyên đã phải “đắp chiếu” nhiều năm qua. |
“Lâu lâu chúng tôi mới được chủ cho làm mấy việc lặt vặt như quét sơn, sửa điện hư hỏng… nhưng chủ yếu là trông coi đồ đạc, máy móc trong công trình. Các đội thi công và máy móc cũng đã được rút đi gần hết, cả công trình rộng hàng chục ha hiện chỉ còn vài người xây dựng một vài hạng mục nhỏ mà thôi”, anh Hải nói.
Nói về nguyên nhân chậm tiến độ của bệnh viện, đại diện lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, nguyên nhân chính vẫn là do kinh phí để hoàn thiện bệnh viện theo phương án ban đầu bị thiếu hụt. Theo đó, phương án cũ là chuyển công năng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk ra bệnh viện vùng.
“Các máy móc, thiết bị y tế sẽ được mua sắm mới hoàn toàn. Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ trở thành bệnh viện ung bướu, sản nhi... Tuy nhiên, khi xin nguồn vốn ODA để mua sắm thiết bị gặp khó khăn, mất rất nhiều thời gian nên phải thay đổi sang phương án chuyển toàn bộ y bác sĩ, thiết bị, máy móc từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh sang bệnh viện vùng để đi vào hoạt động khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Song song với đó, Sở Y tế sẽ cùng cơ quan chức năng tìm nguồn vốn ODA để mua sắm mới trang thiết bị y tế ở bệnh viện vùng”, đại diện lãnh đạo Sở Y tế nói.
Trước thực trạng trên, ngày 23-12-2016, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Công văn số 10407/UBND-CN, thống nhất điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đến năm 2017. Theo đó, đây là lần gia hạn cuối cùng, nếu dự án không hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm điều kiện để đưa công trình vào sử dụng thì Giám đốc Sở Y tế chịu mọi trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Mặc dù đã có chỉ đạo quyết liệt, nhưng tiến độ thực hiện dự án vẫn không được cải thiện là bao. Sau đó, UBND tỉnh tiếp tục ra “tối hậu thư” phải hoàn thành và đưa vào sử dụng bệnh viện này vào hoạt động trong quý 1-2018. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Y tế Đắk Lắk cho rằng, công trình nhanh nhất cũng phải cuối năm 2018, đầu năm 2019 mới có thể đưa vào sử dụng được.
Trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, đây là bệnh viện vùng có kinh phí đầu tư xây dựng, mua sắm rất lớn, nên việc chậm tiến độ không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế mà còn liên quan đến mảng giao thông qua bệnh viện, giao thông nội vùng. “UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan cần đẩy nhanh tiến độ, tìm cách tháo gỡ mọi khó khăn để hoàn thành, đưa công trình vào sử dụng trong thời gian sớm nhất”, ông Hà nói.