Sai phạm nghiêm trọng trong mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế ở Đắk Lắk

Thứ Năm, 29/10/2015, 08:18
Thanh tra tỉnh Đắk Lắk vừa có công bố kết luận thanh tra về hàng loạt sai phạm trong việc mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế tại Sở Y tế Đắk Lắk và các đơn vị trực thuộc Sở với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, Thanh tra tỉnh chỉ kiến nghị “họp rút kinh nghiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan”, gây bức xúc trong dư luận…

Từ việc mua hàng trôi nổi…

Từ năm 2012 đến 2014, tỉnh Đắk Lắk đã rót hơn 150 tỷ đồng để đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế cho 48 đơn vị thuộc Sở Y tế trên toàn tỉnh. Thanh tra tại 33/48 đơn vị, cơ quan thanh tra đã phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng như: hợp đồng mua hàng không ghi rõ nhãn mác, quy cách, hãng sản xuất và nguồn gốc xuất xứ gây thất thoát, lãng phí hàng chục tỷ đồng tiền ngân sách Nhà nước.

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đang xây dựng dang dở nhưng vẫn được Sở Y tế mua 111 máy tính về để “đắp chiếu”.

Bệnh viện Đa khoa huyện Ea Hleo, trong năm 2012 được đầu tư trang bị hệ thống khí y tế với giá 234 triệu đồng do Trung tâm kỹ thuật thiết bị y tế (TBYT) Minh Tâm cung cấp. Theo hợp đồng, phần Tableau hạ áp và van chống cháy do hãng SMYTH của Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế thiết bị trên không hề có nhãn mác. Năm 2014, bệnh viện được trang bị máy hút ẩm công nghiệp HM630 EB với giá 20 triệu đồng. Theo hợp đồng của đơn vị cung cấp là Công ty TNHH TM TBYT Tây Nguyên thì máy trên do Nhật Bản sản xuất nhưng qua kiểm tra, máy này lại mang nhãn hiệu Trung Quốc.

Bệnh viện Đa khoa huyện Lắk năm 2013 được đầu tư máy giúp thở kèm máy nén khí với số tiền hơn 558 triệu đồng. Theo hợp đồng do đơn vị là Công ty TNHH TM TBYT Tây Nguyên cung cấp thì máy do hãng Heyer của Đức sản xuất. Tuy nhiên, thực tế máy chỉ có màn hình là được sản xuất tại Đức, còn bộ phận làm ẩm khí được sản xuất tại New Zealand, cục nén khí lại được sản xuất tại Trung Quốc…

Còn tại Trung tâm Y tế huyện Ea Súp, trong năm 2012, trung tâm ký hợp đồng với Công ty CP Đầu tư và Công nghệ Bắc Hà mua sắm hàng loạt trang thiết bị y tế với số tiền 651 triệu đồng. Thanh tra tỉnh đã phát hiện trong hợp đồng phần ghi phụ lục không ghi rõ model, hãng sản xuất cũng như nơi xuất xứ của số trang thiết bị y tế này…

Đến mua hàng tiền tỷ về…“đắp chiếu”

Năm 2012, Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Mgar được đầu tư máy soi cổ tử cung trị giá 90 triệu đồng; 2 máy dopple tim dạng bỏ túi trị giá 40 triệu đồng; bàn mổ phẫu thuật chỉnh hình cho máy C.Arm trị giá 382 triệu đồng nhưng đến nay, số máy này vẫn chưa đưa vào sử dụng. Trung tâm Y tế huyện Ea Súp được đầu tư máy siêu âm xách tay 2 đầu trị giá 290 triệu đồng; máy phân tích huyết học 18 thông số 296 triệu đồng; máy điện tim trị giá 46,4 triệu đồng…

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông, trong năm 2013 được đầu tư máy Monitoning theo dõi bệnh nhân trị giá 127,5 triệu đồng; Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Pắk được trang bị hệ thống mổ nội soi trị giá hơn 1,5 tỷ đồng… tất cả vẫn chưa một lần đưa ra sử dụng. Việc quá dễ dãi, lỏng lẻo trong công tác quản lý tài chính của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã dẫn đến nhiều hệ lụy khó có thể khắc phục được.

Dự án Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với quy mô 800 giường bệnh, vốn đầu tư hơn 1.089 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, do Sở Y tế làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 7/2010 và theo dự kiến công trình sẽ hoàn thành vào năm 2013. Tuy nhiên, do trong quá trình xây dựng vấp phải một số thay đổi cơ chế chính sách nên đến nay, công trình vẫn đang ngổn ngang và chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành.

Trong khi dự án đang còn dang dở thì ngay trong năm 2010, Sở Y tế Đắk Lắk đã tự quyết dùng tiền của gói thầu số 10 (là gói vốn không nằm trong nội dung mua sắm trang thiết bị y tế - PV) để mua 111 máy tính để bàn trị giá hơn 2,8 tỷ đồng của Công ty CP Chương Dương (TP Hồ Chí Minh). Đến nay, Sở đã thanh toán cho Công ty CP Chương Dương số tiền 2,25 tỷ đồng nhưng toàn bộ số máy tính này lại đang nằm “đắp chiếu” trong kho của Công ty CP Chương Dương.

Cần xử lý nghiêm

Ông Phạm Văn Sáu, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Đắk Lắk cho rằng, để xảy ra hàng loạt sai phạm như trên trước hết trách nhiệm thuộc về thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở Y tế được giao làm chủ đầu tư. Việc khảo sát nhu cầu sử dụng thiết bị y tế tại một số đơn vị khi lập kế hoạch mua sắm của Sở chưa sát với nhu cầu thực tế; công tác hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng trang thiết bị chưa được thường xuyên; việc đánh giá hiệu quả sử dụng trang thiết bị chưa được quan tâm đúng mực… Trong khi đó, bác sỹ Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk lại cho rằng, toàn bộ vụ việc đã được Sở báo cáo lên UBND tỉnh. “Những sai sót trên đều xuất phát từ lý do khách quan, quan điểm của đơn vị là sẽ “họp, rút kinh nghiệm”.

Có thể nói, những sai phạm tại Sở Y tế Đắk Lắk là hết sức nghiêm trọng. Thiết nghĩ, những sai phạm trên cần tiếp tục được các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi” gây bất bình trong dư luận.

Văn Thành
.
.
.