Bài cuối: Không để những kẻ lợi dụng tôn giáo gây nguy hại xã hội
Sau phản ánh của Báo CAND và một số cơ quan báo chí về hoạt động trái phép của Hội thánh Đức Chúa trời (Đức Chúa trời Mẹ), cơ quan chức năng ở nhiều tỉnh, thành đã đẩy mạnh việc xử lý một số tụ điểm tập trung tuyên truyền thứ giáo lý quái gở này.
- Tan vỡ gia đình, “mất” con vì tà đạo (bài 1)
- Trục lợi, kinh doanh tà đạo theo kiểu… đa cấp (bài 2)
- Chân dung bất hảo của các “chấp sự” (bài 3)
- Cuộc “rút chạy” của những người từng lạc bước nhập tà đạo (Bài 4)
- Cần chặt đứt vòi bạch tuộc của tà đạo Đức Chúa trời Mẹ (Bài 5)
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của công dân, nhưng nghiêm cấm các hoạt động lợi dụng quyền tự do này để xâm phạm lợi ích của cộng đồng… PV Báo CAND đã trao đổi với một số chuyên gia về lĩnh vực tôn giáo về vấn đề này.
Tôn giáo biến tướng và cực đoan thì châu Âu cũng cấm
Theo GS.TS Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn tôn giáo (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), Giảng viên Trường ĐH Khoa học, Xã hội & Nhân văn: Hiện tượng Hội thánh Đức Chúa trời về mặt tôn giáo là một dạng thức biến tướng của phong trào tôn giáo mới.
Nhưng, trong các phong trào tôn giáo mới vô cùng phức tạp và đa dạng, hiện tượng này bộc lộ khuynh hướng nhiều hạn chế về xã hội và đạo đức. Đây là câu chuyện không lạ, nhưng chỉ có điều đáng tiếc là khuynh hướng này, hệ phái này đã bước những bước đáng tiếc ảnh hưởng đến xã hội và đạo đức.
Là một nhà nghiên cứu, tôi nghĩ cần có nhiều giải pháp để giải quyết tình trạng này. Giải pháp thứ nhất là vẫn cần có một nghiên cứu, điều tra đầy đủ hơn, nhận diện thực sự để xem các hiện tượng tôn giáo như báo chí phản ánh có phải là toàn bộ hoạt động của hệ giáo này không, từ đó có kết luận.
Thứ hai là, những biểu hiện tiêu cực là những vấn đề xã hội và đạo đức thì cần phải phê phán, lên án. Các nước khác cũng rất tự do tôn giáo nhưng khi có những ảnh hưởng đến xã hội thì người ta thể hiện thái độ ngay, không chấp nhận.
Ở châu Âu cách đây 7,8 năm đã từng cấm cả những hệ phái nổi tiếng vì có tác động xấu đến xã hội. Tóm lại, các hành vi cực đoan ảnh hưởng đến xã hội và đạo đức thì nhất định phải ngăn chặn và phê phán.
Thứ ba, đối với những người trực tiếp tham gia, là tín đồ của hệ phái này thì các cơ quan chức năng cần phải có sự lựa chọn những trường hợp tiêu biểu nhất rồi đi sâu tìm hiểu, tiếp cận giải quyết để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, giải thích cho họ. Tuy nhiên người tiếp cận, khuyên bảo phải là người có trình độ và chuyên môn nhất định vì những trường hợp này không dễ tác động. Việc làm này phải huy động cả hệ thống chính trị chứ không riêng gì một cơ quan Công an, mặt trận Tổ quốc hay dân vận…
Thứ tư, đặc biệt đối với người cầm đầu thì chính quyền, cơ quan chức năng, nhất là các tổ chức đoàn thể phải tiếp xúc và khẳng định rằng đây là giáo phái chưa được công nhận, nhà nước vẫn tôn trọng quyền tự do tôn giáo cá nhân để hoạt động, các vị có quyền thể nhân nhưng chưa có quyền pháp nhân, và phải hoạt động đúng luật pháp.
Hiện nay, các hoạt động đã có biểu hiện vi phạm về phương diện quan hệ xã hội, đạo đức.
Không đánh đồng với các tổ chức tôn giáo khác
Ông Vũ Chiến Thắng, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ: Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng của mọi người nhưng cũng nghiêm cấm các hành vi vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, xâm phạm trật tự an toàn, đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dựå, nhân phẩm của người khác.
Hiện nay, có một số nhóm mang tên “Hội thánh Đức Chúa trời”, bao gồm cả các nhóm Tin Lành đã được chính quyền chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung.
Vì vậy, các biểu hiện cực đoan mà báo chí phản ánh xảy ra ở TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh, Thái Nguyên… liên quan đến tổ chức mang tên “Hội thánh Đức Chúa trời” cần được kiểm chứng và phân biệt với các nhóm Tin Lành khác có tên gọi tương tự, tránh đánh đồng với các tổ chức Tin Lành nói chung.
Thầy Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Hải Phòng gặp gỡ, trao đổi để sinh viên cảnh giác với tà đạo. |
Về nguồn gốc của tổ chức mang tên “Hội thánh Đức Chúa trời” mà báo chí phản ánh, Ban Tôn giáo Chính phủ đã nắm được, song vì những biểu hiện tiêu cực mà báo chí phản ánh cần thêm thời gian để kiểm chứng về có hay không vai trò của tổ chức chỉ đạo, điều hành hay chỉ là hành vi của một số cá nhân trục lợi, làm biến tướng, nên lúc này chưa đề cập.
Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành ở địa phương cần làm tốt công tác nắm địa bàn, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Đồng thời kêu gọi quần chúng nhân dân nâng cao nhận thức và cảnh giác đối với các hoạt động dụ dỗ, lôi kéo bằng vật chất và những lời tuyên truyền lừa đảo về ngày tận thế, về sự cứu rỗi của đấng linh thiêng bằng việc nộp tiền, từ bỏ cuộc sống hiện thực, từ bỏ gia đình, công việc…
Chức sắc của một số tổ chức tôn giáo gần đây đã lên tiếng phản đối các hoạt động tiêu cực trên. Dù mới là việc làm của cá nhân các chức sắc tôn giáo nhưng đã góp phần hiểu đúng về những hoạt động tiêu cực trên là phi tôn giáo.
Phòng ngừa để tránh bị dụ dỗ, lôi kéo
Thượng tá Vũ Đình Cường, Phó trưởng Công an huyện Thuỷ Nguyên (Hải Phòng): Để tiếp tục phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả hoạt động tổ chức, tuyên truyền trái pháp luật về Hội thánh Đức Chúa trời trên địa bàn, lãnh đạo Công an huyện Thủy Nguyên đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường xuống cơ sở chủ động nắm tình hình.
Đồng thời phối hợp, trao đổi thông tin thường xuyên với chính quyền địa phương và Công an các quận huyện lân cận để kịp thời ngăn chặn. Bên cạnh đó, các CBCS cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền để người dân biết, cảnh giác trước những thủ đoạn tuyên truyền tôn giáo trái phép và những hệ lụy do thứ “tà đạo” này gây ra.
Từ đó các gia đình có biện pháp giám sát, giáo dục người thân và con em mình, nhất là với những gia đình có con em đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng... biết cách phòng ngừa không để kẻ xấu dụ dỗ lôi kéo…
Qua đây cũng đề nghị tất cả mọi người dân, các học sinh, sinh viên... nếu phát hiện các đối tượng có hành vi tuyên truyền, lôi kéo người tham gia vào Hội thánh Đức Chúa trời ở bất cứ đâu cần báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan Công an để có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Giới trẻ cần tỉnh táo, cảnh giác
Tiến sỹ Nguyễn Thị Hiên, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hải Phòng: Từ năm 2017, Trường ĐH Hải Phòng đã phát hiện một số sinh viên tham gia các hoạt động của “Hội thánh Đức Chúa trời”. Hoạt động này là sai trái, làm ảnh hưởng đến kết quả học tập và rèn luyện, đặc biệt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự của nhà trường.
Trước những vấn đề trên, nhà trường đã thông báo và đề nghị lãnh đạo các Khoa, Viện, Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, các giảng viên cố vấn học tập, cán bộ lớp cần tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng của sinh viên; có biện pháp tuyên truyền, giáo dục sinh viên không tham gia vào các hoạt động truyền đạo trái pháp luật. Nhà trường cũng đề nghị các em sinh viên cảnh giác, tỉnh táo, tránh bị lôi kéo và dụ dỗ, tham gia vào các hoạt động truyền đạo trái pháp luật, trong đó có hoạt động trái phép của “Hội thánh Đức Chúa trời”.
Những sinh viên tham gia các hoạt động truyền đạo trái phép sẽ bị xử lý theo quy chế học sinh sinh viên và báo cáo cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Lời kết
Nhiều đối tượng hoạt động trong Hội thánh Đức Chúa trời (hay Đức Chúa trời Mẹ) không chỉ vận động, lôi kéo mà còn có dấu hiệu giành giật tín đồ với gia đình họ khi gia đình ngăn cản con bỏ nhà đi “hành đạo”.
Một số biểu hiện xâm phạm an toàn xã hội, đạo đức xã hội, lợi dụng tôn giáo để trục lợi… của cái gọi là Hội thánh Đức Chúa trời là các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Người dân cần hết sức cảnh giác với các luận điệu tuyên truyền của thứ đạo có giáo lý quái gở này. Đề nghị các cơ quan chức năng tích cực làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật nhằm ổn định an ninh trật tự, ngăn chặn hệ lụy xấu cho xã hội.
Bộ GD&ĐT cảnh báo sinh viên về “Hội Thánh Đức Chúa Trời” Trước thông tin "Hội Thánh Đức Chúa Trời" đang có các hoạt động nhằm lôi kéo, dụ dỗ một số sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng khu vực phía Nam tham gia hội này, ông Bùi Văn Linh - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, Sinh viên, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT đã phối hợp Cục An ninh Chính trị nội bộ (A83), Bộ Công an để nắm bắt, quản lý vụ việc. Cũng theo ông Bùi Văn Linh, không phải đến bây giờ Bộ GD&ĐT mới biết đến sự việc này. Ngay từ tháng 12-2017, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác Học sinh, Sinh viên cùng lực lượng A83 đã tổ chức Hội thảo tại Vĩnh Phúc (đối với khu vực Hà Nội) và Cần Thơ (khu vực TP Hồ Chí Minh) về tập huấn an ninh, trật tự trường học. Bộ GD&ĐT đã quán triệt các trường tăng cường công tác quản lý, nắm bắt sinh viên, tăng cường bồi dưỡng đối với đội ngũ làm công tác chính trị, cán bộ Đoàn, cán bộ lớp trong trường học. Đặc biệt, trong tháng 2 và 3 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã khảo sát về công tác thực hiện chính trị tư tưởng cho sinh viên ở các trường đại học tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng. Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục khảo sát ở TP Hồ Chí Minh, miền Trung làm căn cứ tham mưu cho Bộ trưởng GD&ĐT để đề xuất các giải pháp tăng cường quản lý chính trị, tư tưởng, đạo đức trong trường học. Trước đó, một số trường ĐH khu vực phía Nam cũng đã có công văn yêu cầu sinh viên cảnh giác, không bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào Hội này. H.Thanh |
Điều 5 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định 1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. 2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo. 4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo: a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. 5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi. |