Rầm rộ san lấp, lấn chiếm những "lá phổi xanh" giữa Thủ đô
Sáng 15-4, quay trở lại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh (Hà Nội) – điểm nóng về tình trạng san lấp ao hồ trái phép trong những ngày qua, chúng tôi ghi nhận được khá nhiều ý kiến bức xúc của người dân.
Nói về việc san lấp ao hồ ở đây, một người dân ở thôn Vĩnh Thanh cho biết: “Nếu không có báo chí vào cuộc thì không biết tình trạng lấn chiếm này còn tồn tại đến bao giờ. Người ta ngang nhiên đổ đất, xây dựng công trình trên đất ao nhiều năm mà không bị xử lý. Vi phạm trắng trợn hơn, họ còn quây rào tôn bịt kín khu hồ lấn chiếm như đó là của mình”.
Men theo con đê thôn Vĩnh Thanh, chúng tôi ghi nhận hàng loạt vi phạm đất ao chạy dọc ở chân con đê này. Điểm đầu tiên là toàn bộ nhà xưởng, vật liệu xây dựng tập kết của Công ty TNHH Hùng Cường trên khu vực ao bị lấn chiếm. Khu ao này đã bị Công ty TNHH Hùng Cường đổ đất lấp kín, xây dựng nhà kho và kinh doanh vật liệu xây dựng. Gạch, bê tông, cát chất đầy ở đất lấn chiếm; máy xúc, ôtô tải đỗ ngay cạnh chân đê để chuyên chở vật liệu xây dựng, vi phạm nghiêm trọng đến hành lang bảo vệ đê điều.
Trưa 15-4, toàn bộ khu vực ao bị Công ty TNHH Hùng Cường lấn chiếm vẫn còn nguyên công trình vi phạm và vật liệu xây dựng. |
Trước đó, ngày 6-4, UBND xã Vĩnh Ngọc đã ra thông báo về việc tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng của Công ty TNHH Hùng Cường, yêu cầu hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Cường có trách nhiệm dỡ bỏ toàn bộ công trình xây dựng trên đất không được phép xây tại khu vực chân đê thuộc thôn Vĩnh Thanh. Đồng thời yêu cầu ông Cường di chuyển toàn bộ nguyên vật liệu ra khỏi khu vực vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu.
Văn bản này cũng nói rõ: “giao cho Trưởng thôn Vĩnh Thanh có trách nhiệm đôn đốc gia đình ông Nguyễn Xuân Cường thực hiện thông báo, nếu hộ ông Cường không thực hiện xong trước 8h ngày 11-4 thì UBND xã Vĩnh Ngọc sẽ tổ chức cưỡng chế theo pháp luật”. Trước đó, UBND huyện Đông Anh đã có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội báo cáo tiến độ giải quyết vụ việc, theo đó muộn nhất là 8h ngày 11-4 toàn bộ nhà xưởng của Công ty Hùng Cường sẽ phải dỡ bỏ và khu đất này sẽ phải múc đi. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, đến ngày 15-4, vi phạm của hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Cường vẫn như cũ. Nhà xưởng chưa tháo dỡ. Vật liệu xây dựng vẫn tập kết như vốn có.
Xuôi dọc xuống con đê này, chúng tôi ghi nhận một vài con ao nữa cũng bị đổ đất, phế thải lấp gần kín. Do bị san lấp, nó trở thành ao tù, nước đọng, ô nhiễm môi trường. Ao Tháp (nằm bên chùa Vĩnh Thanh) cũng bị san lấp kín, đất đổ vẫn còn mới.
Theo người dân trong thôn thì trước kia ao Tháp nước trong xanh, nhưng khi dự án xây cầu Nhật Tân khởi động thì ao này đã không còn hệ thống tiêu thoát nước, trở thành ao tù, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
“Hiện nhà chùa và nhân dân thôn Vĩnh Thanh xin UBND xã cho đổ đất san ao, tạo mặt bằng xây dựng cảnh quan khu tâm linh”- ông Trần Văn Thức, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc cho biết.
Trở lại điểm nóng thứ 2 của xã Vĩnh Ngọc là thôn Phương Trạch – nơi vừa được chính quyền xã cưỡng chế vi phạm đổ đất phế thải, lấn chiếm toàn bộ ao, quầy rào tôn bịt kín xung quanh của hộ ông Hoàng Kim Hùng.
Việc cưỡng chế dỡ bỏ vi phạm đã thực hiện xong vào ngày 14-4, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện khu ao này đã gần như trở về nguyên trạng ban đầu. Không còn xe ra vào, không còn đổ đất phế thải lấn chiếm nữa, nhưng hậu quả để lại thật nặng nề khi việc lấn chiếm đã làm biến dạng cảnh quan và tốn nhiều công sức, tiền của để cưỡng chế.
Được biết, khu ao này có diện tích 1.200m2 nhưng đã bị hộ ông Hùng đổ đất, phế thải lấn chiếm toàn bộ, sau đó rào quây tôn như có chủ. Vi phạm này diễn ra một thời gian dài nhưng vẫn tồn tại.
Sau khi VTV1 lên tiếng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung có công văn yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm. UBND huyện Đông Anh đã thành lập Tổ liên ngành phối hợp với UBND xã Vĩnh Ngọc tổ chức lực lượng, phương tiện cưỡng chế giải tỏa vi phạm.
“Sau một tuần cưỡng chế, hôm qua (14-4 - PV) chúng tôi mới giải tỏa xong, trả lại hiện trạng ban đầu. Ngày nào cũng có gần 20 người làm việc suốt 1 tuần, dỡ toàn bộ rào tôn, múc xúc trên 7.000m³ đất chở đi. Xã đã ra quyết định xử phạt 5 triệu đồng đối với ông Hùng về việc vi phạm quản lý đất đai, tự ý lấn chiếm ” – ông Trần Văn Thức cho biết.
Đến khu vực hồ Cầu Cốc, nằm trên phố Cầu Cốc, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, chúng tôi nhận được phản ánh của người dân về hiện tượng đổ đất, lấn hồ. Theo ghi nhận của chúng tôi, hồ Cầu Cốc tách ra làm hai phía, ngăn giữa là phố Cầu Cốc. Đây là hồ điều hòa của thành phố, được quy hoạch theo tỷ lệ 1/500.
“Trước kia hồ rộng lắm, bơi mãi mới sang được tới nơi, giờ người ta đổ đất, xây dựng công trình tạm làm lòng hồ hẹp lại, mất đi cảnh quan vốn có rồi”- một người dân ở đây cho biết. |
Theo quan sát của chúng tôi, một phía hồ Cầu Cốc có bãi đất to đổ lấn ra lòng hồ. Cạnh đó là một nhà nổi mọc lên. Phía hồ bên kia một số chỗ xuất hiện tình trạng đổ rác, phế thải, thu hẹp lòng hồ và gây ô nhiễm môi trường. Trao đổi với ông Nguyễn Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Tây Mỗ về hiện tượng trên, ông khẳng định vi phạm đó là tồn tại cũ trước năm 2010.
Ông Giang cũng cho biết, trong những năm gần đây không có phát sinh vi phạm mới, tuy nhiên việc lấn chiếm đổ trộm phế thải một vài xe nhỏ vẫn còn. Việc trên hồ xuất hiện nhà bè nổi thì ông Giang “bây giờ mới biết”. “Bè nổi này là của hộ ông Nghiêm Văn Lượng, ông Lượng thuê hồ để thả cả, làm bè nổi chắc để hóng mát. Phường sẽ yêu cầu Thanh tra xây dựng kiểm tra xem vi phạm như thế nào. Nếu có sẽ nghiên cứu báo cáo xử lý” – ông Giang nói.