Hồ Hà Nội có còn "xanh xanh thắm"?

Thứ Bảy, 02/04/2005, 07:00

Dân số nội thành hiện nay gần 3 triệu người nhưng Hà Nội chỉ còn 32 hồ. Tính ra, cứ 10 vạn dân Thủ đô mới có một hồ. Ngày xưa sông biển trở thành nương dâu, còn ngày nay, hồ ao đã trở thành những phố phường sầm uất, những khu nhà cao tầng san sát.

Hơn một trăm năm trước đây, Hà Nội chằng chịt những hồ ao. Những khu phố trung tâm hiện nay như Hàng Đào, Hàng Bè, Cầu Gỗ... vốn là những hồ lớn san sát, thông cả với sông Hồng, hồ Hoàn Kiếm, đủ luồng lạch cho thuyền buôn ra vào. Có đến hàng trăm hồ ao cho khoảng 10 vạn dân của Kinh kỳ.

Hệ thống hàng trăm hồ ao của Hà Nội xưa được quản lý thế nào không rõ, còn hiện tại, chỉ có 32 hồ thôi mà đã có tới 20 cơ quan chính quyền chuyên lo quản lý, tu bổ, cải tạo. Chẳng biết có phải lắm thầy nhiều ma hay cha chung không ai khóc hay không, mà hệ thống hồ Hà Nội hiện nay không những mỗi năm một ít dần, thu hẹp dần, mà còn bị ô nhiễm rất nặng, dù thành phố bỏ ra không ít tiền của, sức người để cải tạo, tu bổ. Ngay cả hòn ngọc Lục Thủy, niềm tự hào của người Hà Nội, cũng không tránh khỏi số phận đáng buồn ấy.

32 hay 110 hồ?

Mặc dù  hệ thống hồ là một nét đặc trưng, là niềm tự hào của Hà Nội, nhưng đến nay vẫn chưa có một quy định cụ thể nào về hồ ở nước ta. Chẳng hạn diện tích mặt nước bao nhiêu trở lên sẽ được coi là hồ... Chính vì vậy, mới có sự chênh lệch quá lớn giữa các con số thống kê số lượng hồ hiện có ở Hà Nội. Theo các nhà khoa học, mà đại diện là ông Bùi Tâm Trung, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Thủ đô, Hà Nội hiện có khoảng 32 hồ tự nhiên lẫn nhân tạo ở 9 quận với tổng diện tích 800 ha. Còn theo cách tính của những người quản lý hồ về mặt kỹ thuật, ví dụ như Công ty Thoát nước Hà Nội, thì tất cả có tới 110 hồ và tổng cộng diện tích trên 1.000 ha. Vậy thực tế Hà Nội hiện có bao nhiêu hồ - 32 hay 110?  Và thế nào là một hồ nước theo đúng nghĩa của nó? Khi định nghĩa chưa rõ ràng thì việc bảo vệ, sử dụng cũng như phân cấp quản lý chưa thể dứt khoát được. Mà như vậy, hồ sẽ còn bị lấn chiếm, san lấp, còn bị ô nhiễm.

Cải tạo vẫn bị ô nhiễm

Qua thống kê của Công ty Thoát nước Hà Nội, trong tổng số 110 hồ đã có 13 hồ được cải tạo chất lượng nước: Hoàn Kiếm, Thiền Quang, Giảng Võ, Yên Sở, Bảy Mẫu... Tuy nhiên, trong số những hồ đã được cải tạo, không phải hồ nào cũng đã hết ô nhiễm.  Kết quả khảo sát của Viện Công nghệ môi trường  năm ngoái cho thấy hầu hết các hồ đã được cải tạo như Giảng Võ, Thành Công, Thiền Quang... đều bị ô nhiễm tảo độc cho dù công việc cải tạo mới hoàn thành và chi phí lên đến hàng chục tỉ đồng.

Vật liệu xây dựng bừa bãi góp phần làm ô nhiễm hồ Trúc Bạch.
Theo ông Đặng Đình Kim, Viện phó Viện Công nghệ môi trường, nguyên nhân của tình trạng trên là do hồ không được cung cấp đủ nguồn nước, cộng với nhiệt độ cao dẫn đến phát sinh tảo độc. Ông Mai Đình Yên, Hội Sinh thái học cũng nhận định việc ô nhiễm các hồ đã cải tạo xuất phát từ nguyên nhân thiếu hiểu biết về sinh thái học. Còn ông Bùi Tâm Trung, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường Thủ đô, dẫn chứng cụ thể hơn: Hồ Thiền Quang trong quá trình cải tạo do dùng xe lu lèn chặt đáy hồ, nước bề mặt và mạch ngầm không lưu thông và lưu chuyển liên tục đã khiến cho nước hồ không được làm sạch, thậm chí còn nặng mùi hơn khi chưa cải tạo. Đã vậy, việc kè đá xung quanh hồ theo hình lòng chảo lại không có thảm thực vật thủy sinh nào sống quanh hồ cũng làm cho nước bẩn cộng với rác ở khu vực bao quanh chảy xuống hồ làm ô nhiễm mỗi khi trời mưa. Ông Trung cho rằng hồ Thiền Quang sau cải tạo chẳng khác một cái thau lớn đựng nước, nghĩa là từ một cái hồ tự nhiên, nó trở thành một ao tù nước đọng. Như vậy không ô nhiễm sao được?

Những hồ đã được cải tạo ô nhiễm còn nặng nề như vậy; những hồ chưa được cải tạo tình trạng còn tồi tệ hơn nhiều. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học,  các hồ ở Hà Nội ô nhiễm trước hết là do loạn dưỡng. Sự loạn dưỡng sinh ra từ các chất nitrat, phốtphát có trong các cống rãnh, mương máng,  chất thải công nghiệp, dòng chảy hoặc đất nông nghiệp bị xói mòn đổ vào hồ... Các chất này sẽ làm mất cân bằng nghiêm trọng chu kỳ dinh dưỡng của nước hồ và dẫn đến tình trạng tăng sinh hỗn loạn của thực vật nổi cùng các loại tảo. Những loại tảo này, sau khi chết, phân hủy sẽ gây ra tình trạng thiếu ôxy trầm trọng, làm cho các loài thủy sinh và động vật sống trong hồ chết dần. Ngoài ra, nó còn gây ra mùi hôi thối. Tuy nhiên, sự ô nhiễm này  còn có khả năng  giải quyết được. Ông Bùi Tâm Trung cho rằng sự ô nhiễm bắt nguồn từ các chất hóa học như  thuốc trừ sâu, những chất ngấm ra từ các bãi rác sinh hoạt, dầu mỡ và các sản phẩm dầu mỏ, các chất phóng xạ, các chất kim loại nặng như chì, thủy ngân... thì có mất hàng thế kỷ cũng không khắc phục được. Và hậu quả là cuộc sống của chính con người bị đe dọa. Theo ông Trung, ở Hà Nội, những hồ nào gần những nhà máy sản xuất công nghiệp, gần bãi rác hoặc được dùng làm nơi đổ rác đều bị ô nhiễm như vậy.--PageBreak--

Nước thải chính là nguyên nhân đầu tiên và nghiêm trọng nhất gây ô nhiễm cho nước hồ.  Công ty Thoát nước Hà Nội là đơn vị quản lý chính đối với vấn đề xử lý nước thải với chức năng  điều hòa thoát nước khi mưa, xử lý nước thải ra hồ nhưng công ty dường như không được chủ động trong công tác này.  Ông Phan Hoài Minh, Trưởng phòng Kỹ thuật, cho biết: Chỉ khi nào UBND Tp. Hà Nội và Sở Giao thông công chính chỉ định cải tạo hệ thống thoát nước cho hồ nào thì công ty mới được thực hiện hồ ấy. Còn chưa có lệnh thì thôi. Giải thích thêm chuyện đó, ông Minh nói bởi chi phí cho  cải tạo hồ rất cao. Hầu hết các hồ đã cải tạo đều nhờ vào sự hỗ trợ kinh phí của nước ngoài.

Một thành phố hàng triệu dân đang phát triển rất nhanh không thể thiếu một hệ thống hồ hoàn chỉnh không chỉ để góp phần giảm bớt cái nóng, bụi cho bầu không khí trong lành; đó còn là những nơi nghỉ ngơi, thư giãn của người dân thành phố. Để có được hệ thống đó cần có tài chính và sự chỉ đạo kịp thời của chính quyền. Hai thứ đó, tuy khó vẫn có thể khắc phục được, nhưng điều tiên quyết là đội ngũ chuyên gia về hồ, về hệ sinh thái... thì chúng ta lại chưa có.

Cách cải tạo nguồn nước hồ hiện nay ở Hà Nội chủ yếu bằng phương pháp tách nước thải không cho chảy vào hồ hoặc cho chảy nhưng qua hệ thống lọc, như nhiều chuyên gia nhận định, chỉ có thể giải quyết ô nhiễm về mặt vật lý chẳng hạn như rác rưởi, rong rêu... Còn ô nhiễm về hóa học như các chất kim loại nặng, chất thải công nghiệp... với cách cải tạo này không mấy hiệu quả. Mà trong thực tế, một số hồ ở Hà Nội đã bị ô nhiễm hóa chất. 13 hồ đã cải tạo ở Hà Nội đều được Công ty Thoát nước Hà Nội thực hiện theo phương thức: xây đập tràn và chặn các đường thoát nước thải vào hồ. Chỗ này xin nói thêm, trước đây do mật độ dân số, sự phát triển công nghiệp chưa mạnh, hơn nữa ý thức về bảo vệ môi trường chưa cao nên hầu như toàn bộ nước thải công nghiệp, sinh hoạt... đều dồn vào các hồ. Và bây giờ tình trạng này cũng chưa được cải thiện là bao. Theo thống kê cứ mỗi ngày đêm các hồ ở Hà Nội lại phải nhận thêm khoảng 400.000m3 nước thải  như vậy. Chặn  hoặc xử lý, làm sạch được khối lượng chất bẩn trong lượng nước khổng lồ đó sẽ làm cho các hồ sạch hơn, an toàn hơn. Còn đập tràn có tác dụng như “cái ngưỡng”  để không cho nước thải chảy vào hồ mỗi khi trời  mưa. Nếu vượt qua ngưỡng ấy, trước khi chảy vào hồ, nước thải phải trải qua hai bể lắng làm sạch. Nhưng, như đã nói, công nghệ này chỉ có tác dụng “vật lý” ngăn rác bẩn, còn đối với các hóa chất độc hại, đây hoàn toàn không phải là một giải pháp tối ưu.

Quản lý chồng chéo

Như đã nói, việc quản lý hồ ở Hà Nội đang tồn tại một sự bất hợp lý đến không ngờ. Một cái hồ có thể có đến 5 - 7 đơn vị cùng quản lý. Điển hình là Hồ Tây. Cái hồ danh thắng lịch sử, văn hóa, du lịch này của Thủ đô thuộc những cơ quan sau đây quản lý theo từng vai trò chức năng: Công ty Thoát nước Hà Nội, Công ty Khai thác Hồ Tây, Sở Du lịch Hà Nội, Sở Thể dục thể thao, Công ty Khai thác thủy sản Hồ Tây, UBND quận Ba Đình và quận Tây Hồ... Với cách quản lý lúc thì "đủ" năm cha ba mẹ, lúc “cha chung không ai khóc” nhất là trong những lúc lợi ích không thống nhất, dễ dẫn đến tình trạng “trái chiều” nhau, gây hậu quả ô nhiễm cho hồ. 

Có thể hiểu tình trạng ô nhiễm ở các hồ Hà Nội hiện nay xuất phát chính từ nhận thức chưa đầy đủ của người dân đối với vai trò của hồ trong đời sống xã hội. Nhưng bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận sự quản lý của các cơ quan chức năng chưa thực sự sát sao đối với việc bảo vệ hồ. Sắp tới đây, Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm tuổi, là một thế mạnh không chỉ về cảnh quan mà cả về môi trường sống. Hồ ở Hà Nội sẽ thực sự xứng đáng nổi tiếng ở vị trí đó nếu được cải tạo từ việc xử lý chất lượng nước đang bị ô nhiễm tới cách quản lý. Làm được điều ấy, chắc chắn phải có sự đồng tâm hợp lực của tất cả các ngành, cơ quan có liên quan và quan trọng nhất là phải có ý thức của mỗi người, mỗi ngành trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường

Tú Anh
.
.
.