Hơn 23 ha cà phê được định giá... 7,3 triệu đồng

Thứ Năm, 19/03/2020, 18:45
Những vườn cà phê đang cho thu hoạch ổn định được nhà nước thu hồi hiện đang phải nằm “chờ chết”. Tuy nhiên, số tiền bồi thường lại chính là điều đang dẫn đến khiếu nại tập thể, kéo dài tại địa phương.


Tháng 9/2019, UBND tỉnh Gia Lai ban hành quyết định thu hồi hơn 190 ha trồng cà phê của Công ty TNHH MTV cà phê Gia Lai và giao lại huyện Chư Sê quản lý, sử dụng theo phương án sử dụng đất của địa phương.

32 hộ dân có đơn khiếu nại tập thể do mức bồi thường thu hồi đất không thỏa đáng.

Cuối tháng 10/2019, các cơ quan ban ngành của tỉnh Gia Lai và Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai (tên gọi sau khi cổ phần hóa của Công ty TNHH MTV cà phê Gia Lai) đã có buổi làm việc để nhận bàn giao, tiếp nhận trên sổ sách các khoản nợ và tài sản loại trừ đối với hơn 190 ha đất bàn giao cho huyện Chư Sê. 

Kết quả kiểm kê tài sản trong phần diện tích hơn 190 ha chỉ có hơn 58,7 triệu đồng. Trong đó, diện tích 23,4 ha trồng cà phê của 32 hộ dân xã Dun, Ia Pal và thị trấn Chư Sê đang có đơn khiếu nại được định giá 7,3 triệu đồng. Đây là nguyên nhân đang dẫn đến khiếu nại tập thể, kéo dài tại địa phương trong thời gian qua.

Chị Nguyễn Thị Lý (trú thôn Queng Mép, xã Dun, huyện Chư Sê) kể trong nước mắt: Năm 2012, gia đình vay mượn và đóng 115 triệu đồng để nhượng quyền nhận khoán 1 ha cà phê. Từ khi nhà nước thu hồi diện tích cà phê này, gia đình không có thu nhập, không có công ăn việc làm nên ai thuê mướn gì thì làm nấy để đắp đổi qua ngày. Nếu không được đền bù và không tìm được việc làm thì 2 đứa con có nguy cơ phải nghỉ học để đi làm thuê, phụ giúp gia đình.

Tương tự, anh Nguyễn Lương Xuyên (trú thôn Queng Mép, xã Dun, huyện Chư Sê) cho biết: Gia đình có 1 ha cà phê nhận khoán từ công ty. Đây là diện tích mà cha mẹ anh đã nhận khoán từ những ngày đầu đi kinh tế mới. Việc nhận khoán được thực hiện theo phương thức công ty đầu tư vốn, gia đình góp công để chăm sóc, đến mùa thu hoạch chia theo tỷ lệ phần trăm. 

Từ năm 2006, công ty đã khoán hẳn cho các hộ gia đình tự đầu tư chăm sóc trên diện tích gia đình nhận khoán. Do đó, gia đình đã đầu tư rất nhiều công sức, tiền của vào diện tích cà phê nói trên và cũng đã thực hiện tái canh cây cà phê hằng năm, số tiền đầu tư rất lớn.

“Các hộ dân ở đây thống nhất chủ trương thu hồi đất của nhà nước. Tuy nhiên, số tiền bồi thường phải phù hợp với giá trị và công sức chúng tôi đã bỏ ra. Mức bồi thường quá thấp nên chúng tôi không đồng ý, phải gửi đơn khiếu nại khắp nơi”, anh Xuyên nói.

Những vườn cà phê đang phải nằm “chờ chết” từ khi có quyết định thu hồi đất.

Theo thông báo số 38/TB-UBND ngày 20/2 của UBND huyện Chư Sê thì 23,4 ha trồng cà phê mà 32 hộ dân nhận khoán và đang có đơn khiếu nại chỉ được định giá có 7,3 triệu đồng.

Cũng theo thông báo này, chỉ có những cây cà phê trồng năm 1981 và trồng tái canh năm 2014 là thuộc diện bồi thường, hỗ trợ. Còn những cây cà phê trồng ngoài 2 năm đó hay các loại cây trồng khác được người dân trồng tận dụng ở khoảng trống của đất sẽ không được đền bù, hỗ trợ.

Về số tiền bồi thường, UBND huyện Chư Sê sẽ rà soát lại hồ sơ và lập phương án bồi thường cho công ty theo quy định. Việc các hộ dân đề nghị được bồi thường, hỗ trợ tài sản trên phần đất nhận khoán không thuộc thẩm quyền của UBND huyện mà thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện Chư Sê.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ khi có quyết định thu hồi đất, người dân đã không còn canh tác trên diện tích đất thu hồi nên cây cà phê đang phải nằm “chờ chết”. Đáng chú ý, khi UBND tỉnh Gia Lai có quyết định thu hồi đất, các ban ngành huyện Chư Sê tiến hành kiểm kê và định giá đối với 23,4 ha trồng cà phê của 32 hộ dân là gần 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong thời gian chờ nhận tiền bồi thường thu hồi đất thì 32 hộ dân này bất ngờ nhận được thông báo 23,4 ha cà phê chỉ còn được định giá 7,3 triệu đồng nên dẫn đến khiếu nại tập thể, kéo dài.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê thông tin: Diện tích đất mà tỉnh thu hồi được giao cho huyện xây dựng nông thôn mới theo phương án sử dụng đất của địa phương. Huyện đã thành lập hội đồng kiểm đếm giá trị tài sản để tiến hành bồi thường theo quy định. Tuy nhiên, theo báo cáo của Công ty CP cà phê Gia Lai thì hơn 190 ha có giá trị tài sản hơn 58,7 triệu đồng; trong đó, 23,4 ha cà phê mà 32 hộ dân đang khiếu nại có giá trị 7,3 triệu đồng.

Ngoài ra, đối tượng được nhận tiền đền bù không phải là người dân mà là Công ty CP Cà phê Gia Lai. Các cơ quan chức năng đã hướng dẫn người dân khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Chư Sê để được giải quyết theo thẩm quyền.

Chí Hào
.
.
.