Tiểu thuyết lịch sử trong đời sống hiện đại

Thứ Bảy, 08/06/2019, 08:35
Nếu trong tiểu thuyết thông thường, nhà văn có thể thoải mái hư cấu, thoải mái tưởng tượng thì với tiểu thuyết lịch sử, sự ràng buộc của nhiều ghi chép lịch sử với các sự kiện và nhân vật lịch sử… đã buộc nhà văn phải có sự tính toán, cân nhắc...


Tiểu thuyết lịch sử - hư cấu đến đâu?

 Hà Anh

Công bằng mà nói, tiểu thuyết lịch sử kén người viết. Điểm lại những nhà văn đương đại được độc giả nhớ tên với các bộ tiểu thuyết lịch sử ấn tượng không nhiều. Có thể nhắc đến 2 bộ “Bão táp triều Trần” và “Tám triều vua Lý” của nhà văn Hoàng Quốc Hải; “Mẫu Thượng ngàn”, “Hồ Quý Ly”, “Đội gạo lên chùa” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh; “Gươm thần Vạn Kiếp”, “Uy Viễn tướng công”, “Lý Công Uẩn” của nhà văn Ngô Văn Phú; “Hội thề” của nhà văn Nguyễn Quang Thân; “Thông reo Ngàn Hống” của nhà văn Nguyễn Thế Quang; “Kim thiếp vũ môn” của Thâm Giang Trần Gia Ninh…

Gần đây, với sự xuất hiện của một số tác giả trẻ, địa hạt tiểu thuyết lịch sử trở nên phong phú hơn. Trong số đó, nếu nhà văn Lưu Sơn Minh ít nhiều gây ấn tượng với những tiểu thuyết như “Trần Quốc Toản”, “Trần Khánh Dư” thì những bộ tiểu thuyết mới như “Ngô Vương” (NXB Văn học) của Phùng Văn Khai, “Hồ Dương” (NXB Phụ Nữ) của Trường An, “Thiệu Bảo Bình Nguyên” (NXB Trẻ) của Hồng Thái… đã mang đến cho đời sống văn học những tác phẩm dày dặn.

Không thuộc thế hệ trẻ, cũng chưa hẳn đã “già”, hơn 2 năm trước, ở tuổi 63, nhà văn Trần Thùy Mai bắt tay viết bộ tiểu thuyết lịch sử gần 1.000 trang. “Từ Dụ Thái hậu” khai thác giai đoạn lịch sử nhà Nguyễn - một triều đại mà theo các nhà nghiên cứu lịch sử, sử liệu còn ghi lại đầy đủ hơn cả. Tuy nhiên, Trần Thùy Mai lựa chọn con đường chênh vênh, một bên là ngọn núi cao - nơi những trang sử được ghi lại khá chi tiết và bên kia là vực thẳm - nơi mà nhà văn thỏa sức hư cấu, sáng tạo.

Mỗi nhà văn, bằng mục đích riêng và tài năng của mình, đã chọn một cách viết để biểu đạt được suy nghĩ về những câu chuyện của lịch sử. Có nhiều cách viết tiểu thuyết lịch sử. Người viết theo lối chương hồi, lại có người viết như cách giải mã lịch sử, nhưng cũng có người quan niệm giống như đại văn hào Alexandre Dumas khi cho rằng “Lịch sử chỉ là những cái đinh để tôi treo các bức tranh của tôi”… Hay như nhà văn Nguyễn Triệu Luật nêu quan niệm: “Gốc tre nó sù sì như thế, hãy cứ gọi nó là gốc tre, không cần mô tả nó thành hình hóa long, hóa rồng”…

Nhưng có vẻ như mọi người đều gặp nhau ở một điểm: Đó là vai trò - giới hạn của sự tưởng tượng và hư cấu của nhà văn về những câu chuyện, sự kiện, nhân vật lịch sử mình đề cập. Sẽ không còn là tiểu thuyết nếu những trang viết không có sự tưởng tượng, hư cấu của nhà văn. Ngay cả cho quan niệm “văn sử bất phân” mà ai đó từng đề cập, khi phóng chiếu vào tiểu thuyết lịch sử, nó chỉ đúng ở một giới hạn nhất định.

Buổi giao lưu ra mắt tiểu thuyết lịch sử  “Từ dụ Thái hậu” của nhà văn Trần Thùy Mai.

Nếu vắng bặt tính hư cấu, thiếu vắng cá tính sáng tạo của nhà văn thì tiểu thuyết lịch sử sẽ trở nên rất khô khan, như thế, cần gì đến tài năng và sự dấn thân của nhà văn. Song hư cấu đến đâu, tưởng tượng đến mức nào để tiểu thuyết lịch sử không trở nên sai lệch, không làm độc giả chệch hướng? Sự thật lịch sử có phải là sợi dây xích kìm hãm trí tưởng tượng của nhà văn? Đây là vấn đề không dễ trả lời thấu đáo, nếu không muốn nói, đó là vấn đề phức tạp, có nhiều ý kiến trái chiều…

Nhà văn Hoàng Quốc Hải nhiều lần khẳng định, trong quá trình viết ông phải hư cấu nên một số nhân vật mà bản thân người đời cũng không biết đấy chính là nhân vật không có thật trong lịch sử. Ông lấy dẫn chứng trong bộ tiểu thuyết “Tám triều vua Lý”, ông hư cấu nên một nhân vật mà sau khi sách in ra, có nhà phê bình nhận định rằng ông viết về nhân vật ấy hay quá, ngoài đời thực không hay được thế đâu. Sự thực thì “đâu có nhân vật ấy để mà hay”.

Bởi lẽ, nhiệm vụ của những nhà viết tiểu thuyết lịch sử là phải giải mã những gì đã diễn ra mấy trăm năm, mấy nghìn năm về trước mà chẳng ai biết những sự kiện ấy diễn ra như thế nào; nói năng, tính toán ra làm sao để dẫn từ nguyên nhân ấy đến kết quả ấy.

Theo nhà văn, sự hư cấu là cần thiết để cho hợp tính logic. Và bản thân ông hư cấu đến mức… chân thực, nghĩa là sự hư cấu ấy nhuần nhuyễn và hợp lý đến mức người đọc thấy được lịch sử như đang diễn ra trước mắt mình một cách đúng như nó diễn ra trong nhiều năm về trước.

Mới đây, tại buổi tọa đàm “Lịch sử trong văn chương: Từ sự thực tới hư cấu”, hay giao lưu ra mắt tiểu thuyết “Từ Dụ Thái hậu”, đa số các ý kiến của chuyên gia đều cho rằng, văn chương và lịch sử là cặp phạm trù luôn song hành. Văn chương làm tăng tính thẩm mỹ, thêm phần lãng mạn khi truyền tải thông điệp lịch sử. Còn lịch sử cung cấp cho văn chương một nguồn cảm hứng dồi dào không bao giờ cạn. Các tác phẩm văn học có yếu tố lịch sử là những tác phẩm vừa truyền tải được thông điệp lịch sử vừa có tư tưởng, triết lý của nhà văn.

Người đọc tiểu thuyết lịch sử cũng có nhiều loại. Có người đọc vì thích, có người đọc vì muốn thoát khỏi thực tại, có người đọc vì muốn tìm kiếm một góc nhìn mới mẻ hơn. Lại có người tìm đến tiểu thuyết lịch sử vì thấy bản thân mình trong dòng chảy lịch sử đó. Nhưng dù là người viết hay người đọc, khi tiếp cận tiểu thuyết lịch sử, để không bị ngập trong bể tư liệu thì cần xác định rõ ranh giới giữa vốn hiểu biết, tư duy và khả năng tái hiện lịch sử của người viết với tư liệu và sự thật lịch sử.

Quả vậy, nếu trong tiểu thuyết thông thường, nhà văn có thể thoải mái hư cấu, thoải mái tưởng tượng thì với tiểu thuyết lịch sử, sự ràng buộc của nhiều ghi chép lịch sử với các sự kiện và nhân vật lịch sử… đã buộc nhà văn phải có sự tính toán, cân nhắc.

Từ điều này, nhiều ý kiến gặp nhau ở điểm chung: Hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử phải có giới hạn, không mâu thuẫn với logic của các sự kiện và cốt truyện lịch sử; hư cấu phải đảm bảo tính chân thực của lịch sử. Bởi nếu không sẽ không phải là tiểu thuyết lịch sử mà chỉ là tiểu thuyết hư cấu thuần túy dựa trên sự vay mượn một đề tài hoặc truyền thuyết lịch sử mà thôi.

Nhà văn Trần Thùy Mai: Không “tranh giành” công việc của nhà sử học

 Thanh Hoa (thực hiện)

- Thưa nhà văn Trần Thùy Mai, lâu nay bà được độc giả biết đến với những tập truyện ngắn. Lần đầu viết tiểu thuyết, bà có trải nghiệm gì đặc biệt?

+ Trong truyện ngắn, tôi chọn viết về những gì tôi đã biết, đã cảm xúc và nếm trải. Mỗi truyện là một lát cắt của cuộc sống, tác giả có thể dễ dàng lướt qua những gì mình không biết, không thích. Trái lại trong tiểu thuyết, nhất là tiểu thuyết lịch sử, không thể như thế được. Cái gì mình không biết thì phải tìm hiểu cho đến khi biết thật tường tận. Ví dụ đến đoạn nhân vật nam bắn cung thì người viết phải tìm hiểu về cung đạo.

Nhân vật nữ được tuyển vào hầu vua thì người viết phải tìm hiểu về luật lệ tiến cung. Về nhân vật có thực, phải tìm đến quê quán, lăng mộ, tìm hiểu những giai thoại trong dân gian quanh vùng. Ví dụ những giai thoại về bà Hồ Thị Hoa (Tá Thiên Nhân Hoàng Hậu, mẹ vua Thiệu Trị) thường được người dân quanh vùng mộ táng của bà truyền tụng (lăng Hiếu Đông, Huế). Tương tự, những chuyện về Phạm Đăng Hưng (thân phụ của Từ Dụ Thái hậu) thường được nghe kể quanh vùng lăng Hoàng Gia (Gò Công)…

- Vậy khi viết tiểu thuyết lịch sử, nhà văn Trần Thùy Mai lựa chọn cách viết nào? Quan niệm của bà về tiểu thuyết lịch sử?

+ Tiểu thuyết lịch sử vẫn là tiểu thuyết, mục đích chính của tác giả không phải là “tranh giành” công việc của nhà sử học. Văn học vẫn luôn là nhân học: Tiểu thuyết lịch sử nêu lên một phát hiện, một suy ngẫm về con người.

Tuy nhiên, tiểu thuyết lịch sử làm khơi dậy sự hứng thú tìm hiểu về lịch sử. Câu chuyện về Từ Dụ Thái hậu trước hết là một chuyện về tình yêu, sự bao dung và lòng dũng cảm. Câu chuyện đó có thể chia sẻ với người đọc một thông điệp mang tính nhân văn, đồng thời làm dậy lên niềm hứng thú muốn tìm hiểu về một phần của lịch sử nước nhà.

Từ Dụ Thái hậu đến kinh đô dưới thời Gia Long Hoàng đế và mất vào đời vua Thành Thái, vị chi sống qua mười đời vua. Cuộc đời bà cũng chính là câu chuyện của phần lớn triều đại nhà Nguyễn. Qua góc nhìn từ hậu cung, người đọc thấy được một giai đoạn nhiều sóng gió, nhìn nhận lại về vai trò và phẩm chất của những vị vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức…

- Trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, hẳn cuộc đời, số phận bà Từ Dụ có những nét hấp dẫn bà?

+ Từ Dụ Thái hậu là “bà hoàng” được trọng vọng nhất trong các hậu phi của triều Nguyễn. Đúng như tên hiệu Từ Dụ, cả cuộc đời vị Thái hậu này là một câu chuyện của tình thương và sự bao dung. Từ một cung tần non trẻ bước vào chốn cung đình, bị giằng xé giữa những âm mưu, bà đã vượt qua sóng gió để đạt đến ngôi vị vinh quang nhất. Điều vinh quang hơn nữa, bà luôn có được tình yêu và sự kính nể của hai vị vua: vua chồng và vua con (Hoàng đế Thiệu Trị và Hoàng đế Tự Đức).

- Thời gian qua, có nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra tình trạng người Việt ít hiểu về lịch sử dân tộc, đặc biệt nhiều học sinh ngại sử, có trách nhiệm của những nhà văn đương thời khi họ ít viết về đề tài lịch sử, và đặc biệt, ít tác phẩm hay. Ý kiến của nhà văn Trần Thùy Mai thì sao?

+ Tôi cũng nghe nhiều người than phiền rằng nhiều thanh niên bây giờ biết về sử Tàu, sử Hàn nhiều hơn sử Việt. Biết làm sao đây khi truyền hình ngày ngày phát sóng những bộ phim cổ trang Trung Quốc, Hàn Quốc hấp dẫn, trong khi sử của mình phần lớn vẫn chỉ được tiếp cận qua những bài học khô khan. Làm sao cho tuổi trẻ hứng thú tìm hiểu những nhân vật, những bài học trong sử nước nhà, đó là trách nhiệm của các nhà văn hóa.

Các nhà văn, nhà làm phim cần phải góp tay vào việc đó, nếu không thì khó mà trách tại sao nhiều thanh thiếu niên của mình thuộc làu làu những chuyện về Đường Cao Tổ, Võ Tắc Thiên, mà biết rất lờ mờ về Hai Bà Trưng hay Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Do vậy, khi viết tiểu thuyết “Từ Dụ Thái hậu”, tôi đã cố tránh những từ ngữ cổ, những từ Hán Việt (tất nhiên có cân nhắc giữ lại một số từ cần thiết, để phù hợp với cung cách ăn nói của người xưa), tôi cố gắng viết bằng ngôn ngữ mà bạn đọc trẻ có thể hiểu và cảm nhận được một cách dễ dàng, qua đó tôi rất muốn hướng tác phẩm của mình đến các bạn đọc trẻ.

- Xin cảm ơn nhà văn Trần Thùy Mai!

Nhà văn Ngôn Vĩnh: Nhiều nhà văn "ngại" viết tiểu thuyết lịch sử

 Linh Linh (ghi)

Tiểu thuyết lịch sử là một phần của tiểu thuyết tư liệu và được nhiều nhà văn trên thế giới lựa chọn trong thế kỷ XX. Bởi vì thế kỷ XX là thế kỷ của nhiều biến động lịch sử mà với tiểu thuyết tư liệu là một lợi thế. Bởi vì tiểu thuyết tư liệu sẽ chứa đựng nhiều thông tin, sự kiện có thật đã xảy ra và nó gần với những thông tin mà báo chí chính thống đã đăng tải, lịch sử đã ghi nhận.

Tôi cho rằng, ngày nay dòng tiểu thuyết tư liệu - lịch sử vẫn rất quan trọng với cuộc sống hiện đại và vẫn có một vị thế vững chắc. Nó để lại cho đời sau nhiều nguồn tư liệu quý giá bên cạnh những trang chính sử khô khan, những cái nhìn đa chiều, trong đó có số phận con người trong dòng biến thiên của lịch sử mỗi quốc gia, dân tộc.

Tuy nhiên, tôi cũng nhận thấy nhiều người luôn cảm thấy "ngại" đối với thể loại này, bởi ngoài việc phải viết sao cho đúng với lịch sử thì lại còn phải đúng... đường lối nữa, là một việc khá khó khăn. Với tiểu thuyết "Bên kia cổng trời", tôi đã phải mất 2 năm đi lấy tài liệu, gặp gỡ rất nhiều nhân vật, cán bộ, đọc nhiều tài liệu lưu trữ ở Ty Công an Hà Giang (nay là Công an tỉnh Hà Giang).

Gần như các nhân vật trong tiểu thuyết đều dựa trên các nhân vật có thật nhưng đều được đổi tên, thế mà vẫn bị dọa kiện, thậm chí suýt bị kỷ luật nữa. Nhưng tôi cũng cảm thấy vô cùng may mắn vì mình có được cơ duyên để viết nên tiểu thuyết này.

Tôi nghĩ, lịch sử Việt Nam có nhiều trang rất hay, đau thương có, bi hùng - bi kịch đều có, mà số trang được khai thác thành văn học vẫn ít quá. Tôi ủng hộ cái nhìn đa chiều về lịch sử nhưng đừng cực đoan, trần trụi hay đi vào phán xét cá nhân để con cháu đời sau có được cái nhìn tổng quát và công bằng với lịch sử của cha ông.

Nhà văn Phùng Văn Khai: Cần giữ cho ngòi bút "thăng bằng"

Nguyệt Hà (thực hiện)

- Thưa nhà văn Phùng Văn Khai, 4 năm sau khi ra mắt tiểu thuyết lịch sử "Phùng Vương" có độ dài lên tới 600 trang, anh lại cho ra mắt tiểu thuyết "Ngô Vương" cũng có độ dài lên tới gần 500 trang. Lý do nào khiến anh lựa chọn việc dấn thân với tiểu thuyết lịch sử?

+ Tôi rất đam mê lịch sử và là người cầm bút, tôi nghĩ rằng mình cần có một trách nhiệm nào đấy đối với lịch sử dân tộc theo cách riêng. Tôi cho rằng, chúng ta còn phải làm rất nhiều việc về văn học cho lịch sử. Có thể làm một so sánh thế này, từ thời Tần, Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh của Trung Quốc, hầu hết các nhân vật lịch sử đều được tường minh bằng văn học.

Văn học là cái gốc, sau đó nó mới chuyển thành các hình thức nghệ thuật khác như sân khấu, điện ảnh. Nhưng với lịch sử Việt Nam, có rất nhiều trang mờ nhòe, có nhiều nhân vật, nhiều sự kiện đến ngày nay còn gây tranh cãi...

Tôi không phải là người Đường Lâm - Sơn Tây, nhưng tôi có cơ duyên gắn bó với mảnh đất này. Mỗi năm tôi phải ở Đường Lâm mấy tháng, tôi tham gia tổ chức lễ hội làng, làm cỗ, giong trống mở cờ với các cụ trên ấy. Họ Phùng ở Việt Nam cũng thường tập trung về Đường Lâm vào mồng 8 tháng Giêng hàng năm để tế Tổ.

Tất cả những cơ duyên ấy đã cho tôi sự đam mê, cùng với các cuộc hội thảo về họ Phùng, họ Ngô đã cho tôi rất nhiều kiến thức, tài liệu để tôi viết nên 2 cuốn tiểu thuyết này. Cuốn "Phùng Vương" tôi vừa khảo cứu vừa viết mất 10 năm, còn cuốn "Ngô Vương" thì trên cơ sở những tư liệu đã có trong quá trình viết trước đó, tôi chỉ mất 5 năm để hoàn thành.

- Sau 2 tiểu thuyết lịch sử hao tâm tổn sức này, anh nhận được sự phản hồi như thế nào từ phía độc giả, các nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử?

+ Tôi chỉ có thể nói rằng, đó là 2 cuốn sách ra đời đứng trước 2 luồng khen - chê chứ không rơi vào im lặng. Có người cảm thấy thích lối viết chương hồi "trường thiên tiểu thuyết" và gần với chính sử, nhưng có người bảo không thích, đó cũng là chuyện hết sức bình thường. Còn hay - dở thì thuộc về đánh giá của độc giả. Tôi cảm thấy vui vì những nỗ lực của mình được ghi nhận, đồng thời nó cũng là nguồn động viên để tôi tiếp tục những công việc tiếp theo mà không cảm thấy mệt mỏi.

Sau 2 cuốn sách, tôi trở thành "khách đặc biệt" của TP. Hải Phòng, của mảnh đất Bạch Đằng Giang: Tôi muốn đến và ở bao lâu tùy thích, cần đi đâu điền giã, tìm kiếm tư liệu, các lãnh đạo ở đây đều tạo điều kiện hết mức cho tôi. Đây chính là những điều khiến tôi cảm thấy ấm áp, là động lực lớn để tôi tiếp tục với các dự án viết về lịch sử tiếp theo.

Thực ra độc giả Việt rất yêu sách lịch sử. Tôi cảm thấy xúc động vì cuốn "Phùng Vương" của tôi đã tái bản và "Ngô Vương" mới in nhưng cũng đã hết sách và NXB cũng đã có kế hoạch tái bản.

- Gần đây, có những tác phẩm văn học về đề tài lịch sử có cái nhìn đa chiều về một số nhân vật lịch sử vốn gây nhiều tranh cãi. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?

+ Theo tôi đây là tín hiệu tốt và chúng ta nên khuyến khích sự đa dạng hóa. Mỗi nhà văn có một thế mạnh và họ nên tối đa hóa thế mạnh của mình như Nguyễn Đình Tú đang viết tiểu thuyết lịch sử kỳ ảo "Bãi săn"; Trần Thanh Cảnh có cuốn "Đức Thánh Trần" thiên về con người đời thường bản thể; Uông Triều viết theo kiểu giải mã lịch sử; Bùi Việt Sỹ lại viết về nhân vật lịch sử theo kiểu truyền thuyết dân gian; Hoàng Quốc Hải muốn kiện toàn về các triều đại phong kiến Việt Nam thời kỳ Lý - Trần với "Bão táp triều Trần" và "Tám triều vua Lý"...

Sự đa dạng này cũng sẽ góp phần tạo nên bức tranh toàn cảnh về lịch sử dân tộc qua các lăng kính khác nhau, cũng là một cách tạo nên cái nhìn công bằng hơn với các nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử vốn gây nhiều tranh cãi. Tuy thế, theo tôi, người viết tiểu thuyết lịch sử vẫn phải giữ được sự thăng bằng, tỉnh táo của ngòi bút để không bị dẫn dụ vào các chiều hướng cực đoan của “tô hồng” hay sự thật lịch sử quá trần trụi.

 - Có khi nào anh cảm thấy mình đơn độc trong hành trình tìm về với lịch sử, cội nguồn dân tộc không?

+ Nhiều khi chứ. Nhưng vì quá yêu lịch sử mà tôi cứ âm thầm làm thôi. Tuy nhiên có những điều khiến tôi rất trăn trở, ví dụ như lẽ ra những nhà văn, nhà nghiên cứu tôn vinh văn hóa, tường minh lịch sử bằng văn học, làm sống lại các nhân vật lịch sử bằng xương bằng thịt như chúng tôi, thì các cơ quan có trách nhiệm như thành phố Hà Nội cần có sự quan tâm, động viên, chia sẻ, lắng nghe chúng tôi. Chứ không nên để chúng tôi tiếp tục đơn độc và dường như bị lãng quên trong hành trình này.

Đừng nghĩ rằng xã hội hóa văn hóa là "buông" hết cho tư nhân làm. Điều đó sẽ gây ra những hệ lụy lớn cho xã hội, trong đó có sự "đứt gãy văn hóa" là nguy hại nhất! Một xã hội muốn phát triển bền vững phải là xã hội lấy lịch sử - văn hóa làm nền tảng quan trọng hàng đầu.

- Xin cảm ơn nhà văn Phùng Văn Khai!

PV
.
.
.