Quyền lợi xung đột, người mua chung cư chưa thể an cư
- Cảnh báo người dân không mua chung cư chưa hoàn thành PCCC
- Khốn khổ khi mua chung cư gắn mác cao cấp
- Người mua chung cư không phải tự nộp tiền sử dụng đất
Sáng 7/10, cả trăm người đã tập trung tại tiền sảnh khu A, tòa nhà chung cư F-Home (16 Lý Thường Kiệt, quận Hải Châu, Đà Nẵng), yêu cầu chủ đầu tư dự án là Công ty CP Lương thực Đà Nẵng (Dana Food) đảm bảo quyền lợi của khách hàng theo luật định. Khu A tòa nhà F-Home có 233 căn hộ, được Dana Food bán cho khách hàng từ năm 2016.
Theo thỏa thuận, tất cả khách hàng phải ký hợp đồng cho chủ đầu tư thuê lại căn hộ 10 năm với lợi nhuận là 10%/ năm (trên giá trị hợp đồng mua bán căn hộ) để thực hiện việc kinh doanh khách sạn. Thời gian đầu, các căn hộ tại tòa nhà F-Home được rất nhiều khách nước ngoài, như Hàn Quốc, Nhật Bản… đến thuê ở. Việc chi trả lợi nhuận được chủ đầu tư thực hiện đúng cam kết. Nhưng từ giữa năm 2017, lượng khách thuê căn hộ giảm sút.
“Từ Quý III/2017 đến nay, Dana Food đơn phương chấm dứt hợp đồng, trả lại căn hộ cho người mua”, ông Lâm Quốc Dũng, một khách hàng đầu tư căn hộ cho biết.
Mặc dù đã bàn giao toàn bộ số căn hộ cho chủ sở hữu, nhưng chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu Ban Quản trị tòa nhà theo quy định. Người mua căn hộ cũng không biết khoản kinh phí bảo trì 2% của tòa nhà Block A được chủ đầu tư quản lý, sử dụng như thế nào.
Bên cạnh đó, các hạng mục phụ trợ như nhà sinh hoạt cộng đồng, hồ bơi, nhà để xe của tòa nhà cũng hoàn toàn chưa được bàn giao cho cư dân sử dụng. Nhiều chủ sở hữu đến nay vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ dù theo hợp đồng ký kết việc bàn giao căn hộ cho người mua đã thực hiện từ năm 2016.
Người sở hữu căn hộ nhiều lần kiến nghị, yêu cầu gặp trực tiếp đại diện chủ đầu tư để làm rõ các vấn đề trên nhưng không được giải đáp thỏa đáng. Bất ngờ ngày 12/9/2020, chủ đầu tư tòa nhà tự ý ngăn chia và thay đổi mặt bằng tiền sảnh cư dân đang sử dụng để dùng cho mục đích khác, buộc cư dân phải ra vào bằng một lối đi nhỏ hẹp so với quy mô sinh sống của 233 hộ dân.
Mặt dù hằng tháng đều đốc thúc chủ sở hữu các căn hộ thực hiện các nghĩa vụ tài chính như đóng phí vận hành, tiền điện nước, nhưng chủ đầu tư chây ì trong việc thanh toán lợi nhuận thuê lại căn hộ theo hợp đồng đã ký kết với khách hàng. Tổng số tiền nợ mà cư dân tập hợp được đến lúc này trong nhóm là khoảng 6,3 tỷ đồng. Chủ sở hữu bị nợ tiền ít nhất là 50 triệu đồng, nhiều nhất là 300 triệu đồng...
Trước việc khách hàng bức xúc tập trung phản đối, phía Dana Food đã cử ông Trần Kiều Việt Kỳ, Phó Tổng giám đốc, gặp mặt, ghi nhận những kiến nghị, phản ánh của cư dân trong tòa nhà. Công an phường Thạch Thang (quận Hải Châu) cũng đã cử lực lượng đến để đảm bảo ANTT. Tại cuộc tiếp xúc, ông Kỳ thừa nhận công ty còn nợ tiền khách hàng do đang khó khăn về tài chính, khi nào thu xếp được sẽ tiến hành thanh toán.
Về việc chậm ra “sổ hồng” cho khách hàng, ông Kỳ cho biết, đang xúc tiến giải quyết các vướng mắc để cơ quan chức năng cấp sổ. Về việc tòa nhà A thiếu diện tích đỗ xe theo quy định, đại diện Dana Food khẳng định đang mua đất của người dân bên cạnh để xây dựng bãi đỗ xe và dự kiến cuối tháng 11 đến giữa tháng 12/2020 sẽ tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu Ban Quản trị tòa nhà…
Cuối năm 2019, hàng trăm cư dân của khu B-chung cư F-Home (kế bên khu A) cũng đồng loạt phản đối việc chủ đầu tư Dana Food lắp dựng khung dàn thép để hoán cải tầng 1 của khu B có chiều cao khoảng 4m thành 2 tầng làm bãi để xe máy, gây nguy cơ cháy nổ. Sau khi có phản ứng của người dân, UBND quận Hải Châu đã chỉ đạo kiểm tra và xác định việc hoán cải của Dana Food không được các cơ quan thẩm quyền cấp phép và buộc đình chỉ thi công.
Cũng chung tình trạng vướng vào các tranh chấp quyền lợi với chủ đầu tư là nhiều khách hàng mua căn hộ ở dự án tổ hợp chung cư thương mại cao cấp Bàu Thạc Gián (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) do Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) làm chủ đầu tư. Trong số trong số 456 căn hộ ở dự án, đến nay vẫn còn 68 căn hộ chưa có “sổ hồng” mặc dù đã đi vào sử dụng 8 năm qua. Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do cơ quan chức năng yêu cầu chủ đầu tư phải đóng thêm khoảng 5,5 tỷ đồng tiền thuế sử dụng đất theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện...
Tương tự, nhiều khách hàng mua căn hộ tại một chung cư cao cấp trên đường Trần Phú, quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) cũng đã yêu cầu chủ đầu tư giải quyết các quyền lợi bị xâm phạm. Sau một thời gian khá dài, các tranh chấp mới được giải quyết. Hàng trăm khách hàng và nhà đầu tư khác cũng lâm vào tình cảnh điêu đứng khi mua căn hộ “condotel” tại phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.
Tình trạng mua chung cư nhưng không thể an cư cũng xảy ra phổ biến ở nhiều nơi, phần lớn là do chủ đầu tư không tuân thủ pháp luật khi thực hiện dự án, khi xảy ra khó khăn, tranh chấp thì o ép, đẩy thiệt hại về phía khách hàng…