Đất nền đô thị Đà Nẵng tăng đột biến, do đâu?

Thứ Năm, 05/04/2018, 10:05
Từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất đến nay, giá đất ở đô thị Đà Nẵng tăng với mức “phi mã”, nhất là đất ven biển, đất dự án. Nguyên nhân do đâu? Liệu có thêm một lần nữa quả bóng BĐS lại “xì hơi”?...

Bài 1: Đất ven biển, đất dự án tăng giá “phi mã”

Khoảng 8 năm trước, thị trường bất động sản (BĐS) Đà Nẵng như quả bóng đang căng phồng bỗng bất ngờ “xì hơi”, khiến hàng trăm nhà đầu tư lâm vào tình trạng thua lỗ, phải đối diện với khoản nợ lớn ngân hàng; nhiều người phải chấp nhận bán tháo đất đai, nhà cửa, tài sản với giá rẻ mạt để trả nợ.

Thế nhưng, đến năm 2017 thị trường BĐS lại bắt đầu âm ỉ “sốt”, có thời điểm chững lại và tụt giá; đặc biệt từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất đến nay, giá đất ở đô thị Đà Nẵng tăng với mức “phi mã”, nhất là đất ven biển, đất dự án. Nguyên nhân do đâu? Liệu có thêm một lần nữa quả bóng BĐS lại “xì hơi”?...   

Bất động sản (BĐS) ở Đà Nẵng bắt đầu âm ỉ tăng giá từ năm 2017, đến thời điểm cuối năm 2018 thì chững lại. Nào ngờ, từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất -2018 đến nay, giá đất nền ở đô thị Đà Nẵng tăng vọt lên, nhất là khu vực đất ven biển và đất các dự án. Như trục đường Nguyễn Tất Thành, chạy dọc vịnh biển Đà Nẵng, đoạn thuộc phường Thanh Bình, quận Hải Châu và các phường Tam Thuận, Xuân Hà, quận Thanh Khê, với chiều dài chừng 5km, từ đầu năm 2018, giá đất khoảng 50-70 triệu đồng/m2 tuỳ vị trí nhưng ít có giao dịch.

Thế nhưng, sau ngày 1-3, khi UBND quận Thanh Khê có văn bản đề xuất lãnh đạo nghiên cứu mở rộng, đổ cát mở rộng bãi biển Nguyễn Tất Thành, đoạn tiếp giáp khu đô thị (KĐT) Đa Phước đến giáp kênh Phú Lộc, giá đất khu vực này tăng 40-50% chỉ trong vòng 1 tuần.

Anh T, một khách hàng Hà Nội đồng ý mua lô đất diện tích 125m2 mặt biển Nguyễn Tất Thành, giá 65 triệu đồng/m2 và đã xếp lịch vào Đà Nẵng giao dịch. Nhưng khi nghe tin mở rộng bãi biển, chủ đất đã hét giá lên đến 95 triệu đồng/m2, song chỉ sau vài ngày, đã có người mua ngay. Một số trường hợp chủ đất đã nhận trước hàng trăm triệu đồng tiền cọc, nhưng do đất lên giá quá nhanh nên “lật kèo”, chấp nhận đền cọc gấp đôi.

“Đất trục Nguyễn Tất Thành thuộc địa bàn phường Hòa Minh, Hòa Hiệp Nam thấp hơn, nhưng cũng tăng mạnh. Trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất giá khoảng 35 triệu đồng/m2, thì sau Tết tăng lên 40 triệu đồng/m2, và bây giờ thì mỗi m2 hơn 50 triệu đồng”, ông Ân, Giám đốc Chi nhánh Đăng ký quyền sử dụng đất tại quận Liên Chiểu cho biết.

Đáng chú ý, nếu như giá đất trục ven biển Nguyễn Tất Thành “giậm chân tại chỗ” trong thời gian dài trước khi tăng nóng trong vòng một vài tháng qua, thì giá đất khu vực ven biển, thuộc các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn đã tăng không ngừng từ đầu năm 2016 đến nay.

Đất dự án Nam Hòa Xuân cũng tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 1 năm.

Khảo sát cho thấy, giá các lô đất từ 125-500m2 trên trục đường Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà) có mức giá 70-100 triệu đồng/m2 cách đây 2 năm, thì hiện đã lên đến 200-320 triệu đồng/m2, nhưng rất hiếm. Khi có lô đất nào rao bán thì lập tức có nhiều khách hàng hỏi mua.

Đối với các lô đất lớn nhiều ngàn m2 tại các khu vực này giá cũng xấp xỉ 200 triệu đồng/m2 và các nhà đầu tư ráo riết săn lùng, sẵn sàng “giành giật” mua cho bằng được để kinh doanh khách sạn, nhà hàng. Việc đặc cọc và thanh toán được thực hiện nhanh gọn, chỉ trong vòng 1 tuần.

Việc sốt giá đất ở các trục đường chính ven biển đã kéo theo giá đất các khu dân cư gần biển cũng tăng “phi mã”, do nhu cầu quá lớn để kinh doanh dịch vụ, đáp ứng lượng khách du lịch đổ về Đà Nẵng ngày càng gia tăng. Giá đất đường Hồ Nghinh, đường Hà Bổng, Dương Đình Nghệ hiện đã vọt lên từ 110-200 triệu đồng/m2 tuỳ vị trí.

Đất khu vực An Thượng, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn năm 2014 khoảng 15-20 triệu đồng/m2, đến cuối năm 2017, tăng lên 60-80 triệu đồng/m2. Từ giữa tháng 12-2017 đến nay, giá đất tại khu vực này tiếp tục “lên đồng”, lên mức 100-150 triệu đồng/m2, sau khi TP Đà Nẵng có chủ trương xây dựng khu phố du lịch An Thượng nhằm tạo điểm vui chơi giải trí, mua sắm cả ngày lẫn đêm cho du khách.

Đất trục đường ven biển Võ Nguyên Giáp có giá lên đến 200-320 triệu đồng/m2 tùy vị trí.

Theo quy hoạch, khu vực phố du lịch An Thượng được giới hạn bởi 4 đoạn đường: Võ Nguyên Giáp (dài 170m), Hoàng Kế Viêm (dài 850m), Châu Thị Vĩnh Tế (dài 170m) và Ngô Thì Sĩ (dài 850m) với tổng diện tích kể cả bãi biển chỉ 15ha, nhưng hiện nay có đến 141 cơ sở cung cấp dịch vụ phục vụ du lịch, trong đó, 64 cơ sở dịch vụ lưu trú, 43 cơ sở dịch vụ ăn uống, 12 cơ sở cung cấp dịch vụ mua sắm, 8 cơ sở dịch vụ làm đẹp, 6 cơ sở dịch vụ thể thao, sức khỏe.

Nơi đây được xem như khu phố “Tây” của Đà Nẵng, sôi động không kém khu phố Phạm Ngũ Lão ở TP Hồ Chí Minh, với lượng khách quốc tế đông đảo. Vì đất khu vực này tăng giá mạnh nên nhiều người dân đã bán nhà đất cho những người làm kinh doanh, chuyển đến các khu vực khác mua đất giá thấp hơn để ở…

Đất khu vực ven biển tăng vọt, “ăn theo” đất các dự án cũng tăng nhanh, như khu vực Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ). Trước đây, các khu đất 100m2 trục đường đôi “Đại lộ Trung Lương” từ mức xấp xỉ 2 tỷ đồng, nay tăng lên trên dưới 3 tỷ đồng. Đất đường 7m5 cũng tăng lên từ 1,4 tỷ đồng đến 1,8-2 tỷ đồng/lô.

Dự án Golden Hills (quận Liên Chiểu) được mở bán với mức giá ban đầu từ 4-4,5 triệu đồng/m2 và không tăng đáng kể trong 7-8 năm liên tục. Nhưng sau khi có chủ trương về mở rộng Cảng Liên Chiểu, khánh thành trục đường Nguyễn Tất Thành nối dài, kết nối dự án với khu Công nghệ cao, giá đất Golden Hills tăng đột biến, gấp 3 lần so với 1 năm trước đây...

Cơn sốt đất lan toả khắp TP Đà Nẵng, kể cả những khu vực xa trung tâm, giao thông chưa thuận lợi. Đất ở, đất vườn tại vùng ven thuộc các xã Hòa Khương, Hòa Phong, Hoà Nhơn, Hòa Tiến, Hòa Phước (huyện Hoà Vang), phường Hoà Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) cũng tăng mạnh, kèm theo giao dịch sôi động.

Phần lớn những lô đất được rao bán có diện tích 500-1000m2, nằm ở đường bê tông rộng từ 2-3m và có giá chỉ từ 300-400 triệu đến chừng 1 tỷ đồng. Có lô diện tích lên đến 2000-3000m2, trong đó khoảng ½ là đất ở được bán với giá 500-600 ngàn đồng/m2.

Không ít nhà đầu tư nhìn nhận đó là cơ hội cuối cùng để mua đất với giá rất rẻ, bởi quỹ đất TP Đà Nẵng không còn nhiều, và phần lớn đã được quy hoạch thành các dự án, đồng thời khớp nối với các vành đai giao thông đang ngày càng mở rộng…

Nhưng giá đất đô thị Đà Nẵng tăng thật hay ảo? Yếu tố nào đã tác động đưa giá đất Đà Nẵng… “lên trời” như hiện nay? Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi bài điều tra của phóng viên CAND ở số báo tiếp theo.

Thân Lai
.
.
.