Người Cơ Tu uy tín nơi ngã ba sông
Đại Hưng là xã trung du - miền núi nằm về phía Tây của huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, tiếp giáp với xã Cà Dăng, huyện Đông Giang. Nơi đây có thôn Yều với 65 hộ - 214 nhân khẩu đều là người Cơ Tu, là ngôi làng đồng bào dân tộc thiểu số duy nhất trên địa bàn huyện Đại Lộc.
Phía sau lưng thôn Yều là ngã ba sông, nơi hợp lưu giữa hai dòng sông Côn và sông Vàng. Những ngày đầu xuân, PV Báo CAND đã vượt hàng trăm cây số đến nơi này để tìm gặp ông Đinh Phe, 61 tuổi, là người có uy tín trong đồng bào Cơ Tu địa phương.
Nhờ đã liên hệ trước nên khi chúng tôi đến, ông Đinh Phe trong trang phục chiếc áo truyền thống của đồng bào Cơ Tu đã đợi sẵn để đón tiếp chúng tôi. Qua trò chuyện, ông Phe chia sẻ, thôn Yều trước đây thuộc xã Cà Dăng, huyện Đông Giang, có đường sá đi lại hết sức khó khăn, xa trung tâm xã. Do đó, để tạo điều kiện cho thôn Yều phát triển, cuối năm 1998, UBND tỉnh Quảng Nam xác nhập thôn Yều về xã Đại Lãnh (nay là Đại Hưng). Từ đó đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền Đại Lãnh trước đây và xã Đại Hưng bây giờ, thôn Yều không ngừng phát triển về đời sống kinh tế, văn hóa xã hội và an ninh quốc phòng.
Trước năm 2005, người dân làng Yều sống rải rác ở ven các đồi núi phía bên kia sông Côn và sông Vàng, xa khu dân cư, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, chủ yếu mang tính “tự cung, tự cấp”. Do đó, trong năm 2005, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nhằm tạo cho đồng bào thôn Yều an cư để phát triển kinh tế cũng như đáp ứng nhu cầu tinh thần của bà con và các em học sinh thuận lợi trong việc đến trường, UBND huyện Đại Lộc đã vận động di dời thôn Yều về nơi ở mới nằm ở khu vực gần ngã ba sông Côn và sông Vàng hiện nay, có điện lưới quốc gia, đường bê tông,… Bên cạnh phát triển nghề trồng cây keo, chăn nuôi, người dân làng Yều đã khai hoang làm cây lúa nước, cây màu, góp phần nâng cao thu nhập và ổn định lương thực cho các hộ gia đình.
Với vai trò là người có uy tín trong đồng bào Cơ Tu trong thôn nên nhiều năm qua, ông Phe đã có những đóng góp tích cực trong công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở; tham gia hòa giải các mâu thuẫn nhỏ phát sinh trong đời sống thường ngày của người dân trong thôn. Bên cạnh đó, ông còn tham gia tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu như nạn tảo hôn, thách cưới, làm tang ma,…
Đặc biệt, ông Phe luôn phối hợp tốt với lực lượng Công an xã và Công an viên của thôn để thực hiện công tác phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Nhờ đó, tình hình ANTT tại thôn Yều luôn được giữ vững.
“Từ năm 2008-2019, tôi là Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Yều, trực tiếp tham gia rất nhiều vụ hòa giải trong thôn, ngoài ra còn tích cực phối hợp cùng lực lượng Công an xã trong công tác đảm bảo tình hình ANTT…
Nhờ đó, tôi đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc vào cuối năm 2019. Từ năm 2020 đến nay, dù không còn tham gia công tác Mặt trận thôn, song với vai trò người có uy tín, tôi vẫn thường xuyên chia sẻ với người dân trong thôn những kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình, đồng thời tích cực trong công tác đảm bảo tình hình ANTT”, ông Phe bộc bạch.
Ngày 12/12/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ký tặng Bằng khen cho 17 cá nhân là người có uy tín xuất sắc tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2022, và ông Đinh Phe là một trong số 17 cá nhân tiêu biểu đó!
Đại úy Trần Duy Bình, Trưởng Công an xã Đại Hưng đánh giá, nhiều năm qua, ông Đinh Phe thực sự là “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an ở cơ sở. Ông Phe đã tích cực tham gia vào công tác hòa giải trong thôn, không để các mâu thuẫn nhỏ phát sinh thành mâu thuẫn lớn, mâu thuẫn lớn dẫn đến mất ANTT. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ông Phe đã phối hợp tốt với lực lượng Công an xã, phát huy vai trò người có uy tín trong việc đảm bảo bình yên để người dân vui Xuân, đón Tết an toàn, lành mạnh.