Cần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thứ Tư, 11/10/2023, 14:13

LTS: Vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế cần được xem trọng hơn nữa, nhất là trong giai đoạn vượt khó sau đại dịch này. Tuy nhiên, mới chỉ có các động thái giải cứu bất động sản là được nhắc tới thường xuyên mà thôi. Bao giờ thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được giải cứu cho xứng tầm đóng góp của họ với nền kinh tế?

Khi đất lên tiếng

Sau hai năm suy thoái, khi kinh tế toàn cầu vẫn đang rà đáy và Cục Dự trữ liên bang Mỹ tuyên bố rằng lãi suất vẫn có thể “tiếp tục tăng”, tôi quyết định đầu tư để sản xuất một dòng đồ uống.

Cần hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa -0
Hội thảo “Thực trạng và giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn 2045” diễn ra tại TP Hồ  Chí Minh.

Khi biết quyết định này của tôi, phản ứng đầu tiên của gia đình và bạn bè là ngăn cản, thậm chí là ngăn cản quyết liệt. Một vài khoản đầu tư trong hai năm gần đây đội nón ra đi không trở lại, và ngay cả công việc kinh doanh hiện tại cũng đang chưa có gì khởi sắc so với nền kinh tế, vậy mà bây giờ, lại còn tính đầu tư làm cả đồ uống, một lĩnh vực sản xuất phức tạp và rất rủi ro vì sức mua đang rất thấp, không phải mặt hàng thiết yếu.

Thế nhưng mới vài tuần trước thôi, mọi người trong nhà mới bàn nhau về chuyện làm sao để hùn tiền mua một… mảnh đất tiềm năng, vì tin rằng bất động sản đã xuống đến đáy rồi. Trong nhà tôi, có một bà bác chuyên đọc tin tức và xem các hội thảo về đầu tư và bất động sản kiểu này, trước khi kể lại nó cho cả nhà, dưới dạng một “cơ hội rõ ràng” – như lời bà.

Trong quá trình đầu tư vào ngành đồ uống, trong khi vẫn để một mắt liếc sang các thị trường tài chính và bất động sản, tôi tự thấy rằng mình đang dồn mình vào thế bí. Sản xuất ra một cái gì đó ở Việt Nam phải nói là hết sức mạo hiểm: chi phí có thể rất đắt đỏ, thủ tục, giấy phép rất nhiều, chưa kể các ngành phụ trội phục vụ gia công (tem, chai, nhãn…) đều rất kém phát triển. Chưa kể vấn đề vốn: một nhà sản xuất mới toanh hiếm có cơ hội vay được ngân hàng số vốn đủ lớn.

Trong khi đầu cơ đất đai thì bạn chỉ cần một cục tiền, và cùng lắm là thêm vài chuyên gia tư vấn về pháp lý hay các thủ tục mua bán sang nhượng. Trong một bối cảnh đủ thuận lợi, lời kiếm được từ bất động sản trong một vài tháng thậm chí có thể bằng nhiều năm kinh doanh sản xuất.

Tất nhiên là từ góc độ cá nhân, bạn hiểu cái gì dễ dàng, và ít rủi ro hơn cho bản thân. Nhưng từ góc độ vĩ mô, đây không phải chuyện gì tốt lành: nếu toàn bộ nền kinh tế chỉ được xây nhờ tính đầu cơ (từ tài chính và bất động sản), mà nền sản xuất yếu, thì nội lực của nó coi như không có.

Nhưng tôi cũng thông cảm với bất kỳ ai chọn đầu cơ, thay vì sản xuất, bởi thông điệp về đầu cơ trên thị trường đang áp đảo. Các hội thảo về đầu tư chứng khoán và bất động sản được tổ chức với tần suất dày đặc. Các tỷ phú tài chính, công nghệ và bất động sản chiếm số lượng áp đảo trên sóng truyền hình và mạng xã hội (bạn hãy thử thống kê lại trên một chương trình kiểu Shark Tank chẳng hạn, xem có bao nhiêu doanh nhân sản xuất?). Kể từ khi có tin giảm lãi suất điều hành lần đầu vào đầu năm nay, thị trường chứng khoán lập tức phản ứng, tăng từ mức loanh quanh 1.000 lên hơn 1.200 chỉ trong nửa năm, và cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản như Novaland chẳng hạn tăng vọt. Dòng vốn đã chảy thẳng vào các kênh này, ngay khi có tin chính sách điều hành thay đổi.

Tháng Năm vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết có gần 55% số doanh nghiệp trên địa bàn chỉ còn hoạt động cầm chừng. Ngoài lý do thị trường, thì doanh nghiệp hầu như rất ngại khi tham gia các gói lãi suất ưu đãi vì phải làm việc với quá nhiều các đoàn thanh tra, kiểm toán. Chính sách đã đẩy các cổ phiếu tăng nóng trong vài tháng không thể ngấm vào các doanh nghiệp sản xuất: vay vốn cũng là một lựa chọn đầy rủi ro.

Có thể tâm lý này cũng na ná như chuyện tôi không thể thuyết phục người nhà đồng tình với quyết định đầu tư vào thị trường đồ uống của mình: mua bất động sản và để đó, kỳ vọng tăng giá đã thành một loại quan niệm đè bẹp hoàn toàn các ý định sản xuất ra một cái gì đó cho thị trường. Thà là chung tiền mua mảnh đất còn hơn đầu tư vào sản xuất.

Ngay cả khi các chính sách có cố gắng siết chặt dòng tiền chảy vào các kênh đầu cơ, thì một bức tường quan niệm cũng sừng sững ở đó: không dễ để khiến mọi người can đảm hơn khi nghĩ về sản xuất, vì quá nhiều rào cản, và vì đơn giản là tiếng nói của bất động sản luôn thống trị thị trường, trên tivi, trong các chương trình truyền thình, và các hội thảo chính thức.

Nó lấn át đi mọi tiếng nói khác, dù nội lực của nền kinh tế, về bản chất, lúc nào cũng phải nằm ở năng lực sản xuất, không phải phân lô bán nền.

Phạm An

Thương những củ khoai mì 

Nếu gõ vào thanh tìm kiếm “hội thảo gỡ khó” bạn sẽ chỉ tìm được đúng một lĩnh vực cần được giải cứu: bất động sản. Liệu có ai bất chợt suy nghĩ, củ sắn củ khoai cũng cần gỡ khó không?

Cần hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa -0

Những người theo dõi buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 6/7 vừa qua có thể nhận ra: Thủ tướng cau mày nhiều hơn thường lệ. Trong phần phát biểu trên bục của ông, cũng ít thấy hơn nụ cười sảng khoái đã thành thương hiệu. Những thông tin được nêu trong buổi gặp đó có thể khiến ngay cả những người ngoài cuộc căng thẳng. Khảo sát từ Hiệp hội khẳng định rằng có đến hơn 59% doanh nghiệp đang kêu thiếu đơn hàng; và 51% khó tiếp cận nguồn vốn.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa không phải là động lực tăng trưởng trực tiếp. Một đột phá từ một tập đoàn kinh tế lớn có thể tạo ra tương đương với hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn doanh nghiệp nhỏ. Nhưng chúng luôn là bệ đỡ của nền kinh tế trong các khía cạnh an sinh, tạo công ăn việc làm và xóa đói giảm nghèo. Có đến hơn 8% dân số đang làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Khi có đến hơn một nửa trong số đó thiếu đầu ra, và hơn một nửa thiếu tư liệu sản xuất, đó là một bức tranh khiến bất kỳ ai cũng phải cau mày.

Và điều đáng quan ngại: trong một bối cảnh khó khăn, khi khắp các khối doanh nghiệp đều đang “vận động nguồn lực” để bước tiếp, thì tiếng nói của các doanh nghiệp SME lại trở nên nhỏ bé. So với những tiếng nói có trọng lượng nghìn tỷ từ doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, rõ ràng SME bất lợi.

Có nhiều logic phũ phàng cho tiếng nói nhỏ bé đó. Đơn cử như lãi suất ngân hàng. Trách nhiệm của ngân hàng là huy động chỗ thấp, cho vay chỗ cao, chứ không phải ngược lại. Các ngân hàng có thể thiết kế sản phẩm riêng, chương trình riêng cho các doanh nghiệp lớn cụ thể – với những gói tín dụng lớn - chứ rất khó thay đổi chính sách cho toàn bộ SME (hoặc cho một doanh nghiệp nhỏ thì càng không tưởng). Hoặc ở khía cạnh truyền thông. Những doanh nghiệp lớn ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất, cũng có hợp đồng với các kênh truyền thông lớn, đơn vị tổ chức sự kiện, và có thể dễ dàng bắn đi thông điệp của mình. Ngay cả trong việc “cầu cứu” họ cũng có lợi thế. Không có gì bất thường nếu các hội thảo về “gỡ khó” cho ngành bất động sản hay ngân hàng nhiều hơn cho ngành chế biến sắn xuất khẩu. Một bên là các thiết chế tổng tài sản nhiều tỷ USD tại Hà Nội, một bên là những phân xưởng rải rác đâu đó tại Yên Bái, Tây Ninh.

Nếu nhìn từ khía cạnh này, thì ngay cả khi giả định rằng các tờ báo, các đài truyền hình có dành nguồn lực tương đương cho các doanh nghiệp, không phân biệt đối xử, cũng sẽ thấy SME khó hơn: Hiệp hội sắn có thể đại diện cho 1,2 triệu lao động – nhưng họ tồn tại chủ yếu ở trung du, miền núi, làm sao mà các ông chủ xưởng sắn có thể bỏ quê lên phố họp báo dày như các tập đoàn bất động sản với phòng truyền thông cơ hữu đã gần 20 người?

Khi nhìn thấy rằng giới doanh nghiệp SME sẽ mặc định có tiếng nói nhỏ bé hơn; nhưng vai trò không kém phần quan trọng với kinh tế và cả an ninh quốc gia; vấn đề không phải là “đối xử bình đẳng” với họ nữa. Lúc đó, khái niệm “công bằng” lại không đồng nghĩa với “bình đẳng” – tức là chính sách, nguồn lực và cơ chế lắng nghe cho các bên bằng nhau. Có một bên yếu hơn, nói nhỏ hơn, và cần dành thêm nguồn lực hay ít nhất là đầu tư lắng nghe họ nhiều hơn. Hiệp hội sắn và các ông chủ xưởng sắn có thể không đủ lực để tổ chức nửa tháng một lần tọa đàm “giải cứu” và “gỡ khó” như bất động sản. Những cơ quan chịu trách nhiệm, từ quản lý ngành cho đến các cơ quan thông tấn, nên là người đầu tư cho điều đó. Đó thậm chí phải là một chính sách; một chính sách lắng nghe nhóm yếu thế, như cách mà chính quyền cấp địa phương luôn buộc phải có cán bộ nghe nói được tiếng đồng bào. Chúng ta đã từng thiết kế rất nhiều chính sách nhân văn cho những đối tượng thua thiệt về tiếng nói trong xã hội – và giờ là lúc nghĩ đến những doanh nghiệp nhỏ.

Thương những củ khoai mì, không phải vì củ khoai mì tạo nên tăng trưởng GDP, mà bởi chúng đã nuôi ta từ những ngày khốn khó, và sẽ còn nuôi ta trong những ngày gian nan trước mắt. Một xã hội có thể tồn tại nếu thiếu thịt bò Wagyu, nhưng không thể thiếu khoai mì – và doanh nghiệp nhỏ cũng thế.

Đức Hoàng

Nhỏ không có nghĩa là manh mún

Doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa hay thậm chí hộ gia đình kinh doanh vốn lâu nay không được xem trọng trong một môi trường chủ yếu chỉ vinh danh các tập đoàn, các tổ hợp, các thương hiệu lớn… Đó có lẽ là một bất công trong đánh giá. Nhưng còn bất công hơn nữa khi chính lực lượng kinh tế nghe có vẻ “nhỏ lẻ” ấy lại chưa nhận được nhiều hỗ trợ dù đóng góp chung vào nền kinh tế của đội ngũ này lại có một tầm vóc đáng kể.

Cần hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa -0
Doanh nghiệp SME và hỗ trợ nguồn lực từ ngân hàng.

Có một điều chúng ta cần phải nhìn nhận lại trước khi bàn luận sâu thêm về doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) là tiêu chí xác định theo các văn bản pháp quy. Căn cứ vào Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, một doanh nghiệp được xem là nhỏ và vừa là doanh nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí sau: a) Tổng nguồn vốn không quá 100 tỷ đồng; hoặc b) Tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ đồng. Tiêu chí xác định này tưởng như rõ ràng và hợp lý nhưng thực tế thì chưa hẳn. Xây dựng tiêu chí bằng doanh thu có thể nghe hợp lý nhưng chưa chắc đã chuẩn xác nếu như xét về quy mô. Vẫn có những doanh nghiệp có doanh thu đạt mức trên 300 tỷ/năm nhưng quy mô hoạt động lại rất gọn nhẹ, bộ máy linh hoạt, nguồn vốn đầu tư không quá lớn. Còn xây dựng tiêu chí trên tổng nguồn vốn thì lại chưa được hợp lý lắm.

Theo tiêu chuẩn đánh giá của Nhóm Ngân hàng thế giới (WBG), doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có số lượng lao động dưới 10 người, doanh nghiệp nhỏ có số lượng lao động từ 10 đến dưới 200 người và nguồn vốn 20 tỷ trở xuống, còn doanh nghiệp vừa có từ 200 đến 300 lao động nguồn vốn 20 đến 100 tỷ. Như vậy, tiêu chí xác định của Việt Nam dường như đang có biên độ quá rộng và dẫn tới việc xác định thế nào là siêu nhỏ, thế nào là nhỏ, thế nào là vừa vẫn còn chưa được minh định một cách thực sự rõ ràng và phù hợp trong tương quan so sánh với thế giới.

Việc đưa ra một tiêu chí xác định chi tiết hơn không phải là quá khó, và hoàn toàn có thể được giải quyết rất sớm nếu được đem ra như một nghị trình trước Quốc hội. Song, xác lập tiêu chí chuẩn mực chỉ là bước sơ khởi ban đầu. Điều quan trọng hơn là việc đánh giá tầm quan trọng của lực lượng SME này, đồng thời có các chính sách thiết thực để phát triển lực lượng ấy tương xứng với đóng góp của họ cho nền kinh tế và cho xã hội.

Chúng ta ngưỡng mộ các tập đoàn lớn, với các giấc mơ kỳ vĩ, và nhìn vào số lượng nhân công có thể lên tới chục ngàn người mà các tập đoàn ấy đang sử dụng nhưng nếu kiểm kê lại, thực chất số lượng tập đoàn lớn ở Việt Nam không đủ để giải quyết bài toán việc làm của xã hội. Chính các doanh nghiệp SME mới là lực lượng chủ đạo giải quyết vấn đề việc làm. Ước tính, các doanh nghiệp SME Việt Nam chiếm khoảng 96,7% số doanh nghiệp trong cả nước. Nếu chiểu theo tiêu chí “số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người” và chỉ lấy con số 20 lao động mỗi doanh nghiệp sử dụng để tham khảo, với tổng số lượng doanh nghiệp  Việt Nam là 860 ngàn (thống kê 2021), chúng ta có thể thu được số việc làm mà lực lượng SME tạo ra đang ở mức hơn 16 triệu. Đó là một con số không hề nhỏ. Nên nhớ, ước tính này cũng chỉ dám khiêm tốn với mức sử dụng lao động thuộc diện thấp nhất (20 người). Rõ ràng, vai trò đảm bảo việc làm, dẫn tới đảm bảo một phần sự bình ổn xã hội, đang được các doanh nghiệp  SME thực hiện rất tốt.

Nhưng bù lại, các SME nhận được gì, nhất là sau giai đoạn đóng băng do COVID-19?

Sau dịch, số lượng doanh nghiệp  giải thể là rất lớn và một trong những nguyên nhân tới từ việc họ đã cạn kệt nguồn lực. Ở trạng huống yếu ớt đó, lẽ ra họ cần được tiếp sức bằng tài chính, bằng hỗ trợ chính sách nhưng cuối cùng, một đợt xiết chặt tín dụng dẫn tới lãi suất ngân hàng lên đến đỉnh điểm lịch sử, nhiều doanh nghiệp  đã kiệt luôn cả tâm, trí, lực và đi tới chỗ mất phương hướng hoàn toàn.

Những doanh nghiệp có thể vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất ấy cũng chưa hẳn đã tìm ra được ánh sáng. Họ vẫn chỉ tồn tại theo kiểu chống chọi và chịu đựng chứ chưa thực sự tìm ra được hướng để phát triển lâu dài. Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp  đang trong tình thế “chưa biết sẽ giải thể khi nào?”.

Nhìn những con phố từng vô cùng sầm uất trước dịch nhưng hiện nay trở nên lặng lẽ bất thường với các cánh cửa đóng kín dán đầy quảng cáo “bán nhà” hoặc “cho thuê”, chúng ta có thể hiểu phần nào. Một lực lượng lớn và hùng hậu của nền kinh tế đã chấp nhận phải hạ màn. Từ đó dẫn tới việc lưu thông tiền tệ, hàng hoá bị đình trệ. Khi người dân không tiêu tiền, hoặc không có tiền để tiêu, chắc chắn nền kinh tế bị ảnh hưởng rất lớn.

Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực để giải cứu nhưng chủ yếu tập trung giải cứu bất động sản. Giải cứu bất động sản là một chủ trương đúng nhưng không thể chỉ là một chủ trương duy nhất. Nếu lực lượng SME, lực lượng hộ gia đình kinh doanh phát triển mạnh mẽ, dòng tiền lưu thông đều đặn với khối lượng lớn, chắc chắn nguồn thu trong dân cư sẽ tốt hơn. Khi nguồn thu của dân cư tốt hơn, chắc chắn bất động sản sẽ được giải cứu. Cơ bản, người mua bất động sản cuối cùng vẫn là cư dân và chỉ khi nào cư dân có tích lũy, lúc đó họ mới tìm đến bất động sản là phương án để đầu tư lâu dài. Nên chăng, muốn giải cứu bất động sản, phải giải cứu doanh nghiệp  SME trước mắt?

Thực tế cho thấy, ngay cả khi chưa gặp khó khăn từ đại dịch, mảng SME vẫn chưa nhận được quan tâm bằng các chính sách được thực thi rốt ráo. Ví dụ như nông nghiệp, một trong những ngành mũi nhọn xuất khẩu chẳng hạn. Bao nhiêu năm qua, chúng ta theo đuổi thành tích xuất khẩu tính trên số lượng mà chưa chú trọng vào chất lượng và giá trị kinh tế. Bắt đầu từ khoảng 5-6 năm trước, có những doanh nghiệp  đã dấn thân vào mảng nông sản sạch, nông sản hữu cơ và họ đã chứng minh rằng giá trị kinh tế thu lại lớn lao hơn việc chú trọng xuất khẩu sản lượng đơn thuần. Nhưng điều họ lo sợ luôn luôn vẫn hiện hữu đó. Thứ nhất, họ không biết được đất nông nghiệp được giao để sản xuất nông sản hữu cơ sẽ bị thu hồi lại khi nào chỉ vì một dự án bất động sản sẽ được cấp phép. Thứ hai, khi nông dân vẫn còn chưa vững tin lắm vào con đường hữu cơ này, các cơ quan quản lý nhà nước gần như không có động thái tuyên truyền, khích lệ nào để nông dân có thể an tâm canh tác theo cách mà các doanh nghiệp  hữu cơ tiên phong đang cố gắng vận động họ lên thuyền cùng với mình. Câu chuyện sầu riêng gần đây không còn là chuyện mới mẻ gì, vì gần như năm nào xuất khẩu nông sản cũng gặp những vấn đề tương tự. Việc quy hoạch vùng nông sản gần như vẫn dậm chân tại chỗ và câu hỏi trách nhiệm ở đây nên được đặt ra cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công thương. Không có sự hậu thuẫn của các bộ liên quan này, chắc chắn nông dân sẽ chỉ biết tiếp tục canh tác theo cách cũ, nhiều rủi ro và để lại nhiều tác động xấu đến chất lượng đất trồng.

Và không chỉ có nông nghiệp mà nhiều ngành nghề khác cũng chưa nhận được các hỗ trợ chính sách để phát triển bền vững và lâu dài. Ví dụ như dịch vụ, du lịch chẳng hạn. Một chuyện ai cũng nhìn thấy nhưng không biết lên tiếng cách nào chính là quy định “hàng quán đóng cửa sau 11h đêm” ở Hà Nội. Thủ đô Hà Nội được xem là “Thành phố vì hòa bình” nhưng chính cái quy định như trên lại đang cho thấy thực tế đi ngược với khẩu hiệu đề ra. Muốn thu hút du khách, không chỉ có các thắng cảnh là đủ. Du khách còn muốn thư giãn, muốn giải trí và hưởng thụ. Thời điểm hiện tại không còn nguy cơ của đại dịch nữa và việc các con phố đóng cửa lúc nửa đêm đã khiến sức hấp dẫn đối với du khách bị ảnh hưởng rất nhiều. Bản thân các hộ kinh doanh cũng mất đi nhiều cơ hội khi xu hướng của thời đại là các tiêu thụ sau giờ làm việc, các tiêu thụ về đêm. Thế hệ hiện nay đã có lối sống khác xa với thế hệ cha, anh trở về trước. Thanh niên không còn “nghiêm túc tắt đèn đi ngủ lúc 10h” nữa. Với họ, đó là thời điểm vàng để xả stress sau một ngày dài đã lao động miệt mài.

Nhiều người nói, lẽ ra ngay sau đại dịch, nên có ngay những ưu đãi về thuế, công nợ đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, cũng nên nới lỏng lãi suất với các ngành nghề kinh doanh, sản xuất dù vẫn mạnh tay siết chặt với tín dụng bất động sản. Nhà nước đã có những động thái để bù đắp nhưng thực tế thì vẫn có một số doanh nghiệp không trụ nổi qua giai đoạn khó khăn. Bây giờ, tốt nhất không nên nói về những điều “lẽ ra” nữa. Thay vào đó, cần phải nhìn nghiêm túc hơn vào đóng góp của các doanh nghiệp SME, các hộ gia đình kinh doanh. Họ có thể nhỏ, nhưng đừng xem họ là manh mún. Dù sao, họ vẫn chiếm số đông và như nhiều năm qua, họ vẫn đóng góp tới 40% GDP. Con số ấy là không nhỏ chút nào, nhất là khi các doanh nghiệp SME cùng các hộ gia đình kinh doanh vẫn luôn là kênh đóng góp mạnh mẽ nhất trong chuỗi lưu thông và tạo đà cho phát triển quốc gia.

Hà Quang Minh

.
.
.