Cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam

Thứ Sáu, 21/06/2019, 10:08
Chương trình đổi mới sáng tạo dành cho các tổ chức KH&CN phối hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hợp tác với Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức (gọi tắt là Chương trình ZIM) là chương trình được thực hiện trong khuôn khổ Nghị định thư về hợp tác giữa Bộ KH&CN và Bộ Kinh tế và Năng lượng Cộng hoà Liên bang Đức (BMWi) ký kết tháng 12-2012.

Thời gian qua, Việt Nam và Đức đã và đang chứng kiến rất nhiều thành tựu hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo thông qua các chương trình hợp tác nghiên cứu chung như: Chương trình y tế và phát triển đô thị bền vững, Chương trình kinh tế sinh học, Chương trình CLIENT I & II (đối tác quốc tế về nghiên cứu phát triển bền vững hợp tác với Bộ Nghiên cứu và giáo dục Đức),…

Thông qua việc triển khai các chương trình này, nhiều tổ chức KH&CN Việt Nam đã hợp tác với các đối tác mạnh của Đức để triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu chung tập trung vào hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề cấp bách liên quan đến giáo dục, y tế, sức khoẻ, môi trường, các vấn đề về biến đổi khí hậu và chuyển giao những công nghệ tiên tiến vào Việt Nam đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Từ thành công của các lần hợp tác trước đây, hai bên tiếp tục triển khai kế hoạch hợp tác thực hiện trong thời đại 4.0, lần này Chương trình đổi mới sáng tạo dành cho các tổ chức KH&CN phối hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hợp tác với Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức (gọi tắt là Chương trình ZIM).

 Đây là chương trình được thực hiện trong khuôn khổ Nghị định thư về hợp tác giữa Bộ KH&CN và Bộ Kinh tế và Năng lượng Cộng hoà Liên bang Đức (BMWi) ký kết tháng 12-2012.

So với các Chương trình hợp tác song phương khác với đối tác Đức, Chương trình ZIM có sự khác biệt đó là bắt buộc phải có sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nghiên cứu được tài trợ phải đưa ra được công nghệ có tính mới, vượt trội và có định hướng thương mại hóa sản phẩm.

Các nhà khoa học và doanh nghiệp tìm hiểu về Chương trình ZIM

Ông Jörg Rüger, Trưởng Bộ phận phụ trách về môi trường, xây dựng, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cho biết, lực lượng chính được coi là “xương sống” của nền kinh tế Đức tạo nên sự phồn vinh của nước Đức chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư nhiều sức lực vào ý tưởng của mình để tìm cách đưa sản phẩm ra thị trường.

Việc hợp tác nghiên cứu, phát triển tập trung vào việc phát triển các sản phẩm và ứng dụng đổi mới trong mọi lĩnh vực công nghệ và ứng dụng, đặc biệt ưu tiên trong các lĩnh vực: Công nghệ sinh học, Công nghệ hóa học, Công nghệ thông tin, Năng lượng tái tạo, Tự động hóa, Khoa học vật liệu.

Những dự án đã được phê duyệt Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Kinh tế và Năng lượng CHLB Đức sẽ tạo điều kiện tiếp cận nguồn hỗ trợ tài chính cho các dự án hợp tác giữa Bộ KH&CN và Chương trình ZIM của BMWi.

Dự án tham gia Chương trình ZIM có thể được Đức xét duyệt tài trợ kinh phí 100% hoặc được cả Việt Nam hoặc Đức hỗ trợ. Tuy nhiên, kinh phí thực hiện dự án về phía đối tác phải đạt tối thiểu 40% tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ, nghĩa là kinh phí từ Việt Nam cấp không được quá 1,5 lần kinh phí từ phía Đức cấp.

Ông Felix Richter, Đại diện Cơ quan Quản lý dự án của Bộ Kinh tế và Năng lượng Đức cho biết, Đức không yêu cầu đơn vị tham gia dự án phải có tổ chức KH&CN chủ trì mà các đơn vị tham gia phải có đủ số lượng người được đào tạo, tâm huyết với các nghiên cứu của mình để có thể theo đuổi đến hết quá trình nghiên cứu, thực hiện dự án (thời gian thực hiện dự án không quá 3 năm). “Sản phẩm có phải tính mới, công nghệ mới hoặc những phát minh, sáng chế có khả năng thương mại hóa. Sáng kiến hoặc quy trình công nghệ, sản xuất cải tiến được kế thừa từ kết quả nghiên cứu trước đó cũng được xem xét hỗ trợ” – ông Felix Richter nhấn mạnh.

Mục tiêu của chương trình là kết quả của dự án phải mang lại giá trị gia tăng nhờ hoạt động hợp tác quốc tế giữa các thành viên tham gia của hai nước (ví dụ như tạo ra và chia sẻ tri thức, tiềm năng thương mại, khả năng tiếp cận với cơ sở hạ tầng nghiên cứu và phát triển, mở ra các lĩnh vực ứng dụng mới,…).

Theo ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục công tác phía Nam Bộ KH&CN, mục tiêu của Chương trình ZIM nhằm tài trợ cho các nhiệm vụ nghiên cứu chung, hướng tới thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Vì vậy, các tổ chức KH&CN cần hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp để nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, thương mại hóa sản phẩm. “Để tham gia Chương trình ZIM, các đơn vị hai nước cần có sự chuẩn bị và đầu tư kỹ lưỡng về con người, cơ sở vật chất và các nguồn lực khác” – ông Đà cho biết.

Thời hạn nộp hồ sơ tham gia Chương trình ZIM đến hết ngày 09-10-2019, các nhà khoa học và doanh nghiệp liên hệ với Bộ KH&CN để được hướng dẫn cụ thể.


Nhân Sơn
.
.
.