NATO “chuyển mình” trong kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược

Chủ Nhật, 21/11/2021, 10:07

Theo Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, có hai yếu tố giúp Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thành công. Một là các quốc gia thành viên sát cánh cùng nhau trong việc đối phó với các mối đe dọa và thách thức, bất chấp những khác biệt. Hai là NATO “có khả năng thay đổi khi thế giới thay đổi”.

Phát biểu tại hội nghị “NATO Talk 2021” do Viện Chính sách an ninh liên bang Đức (BAKS) tổ chức tại Berlin ngày 19/11 (giờ địa phương), Tổng Thư ký Jens Stoltenberg nhắc lại thông điệp củng cố sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương là điều hết sức quan trọng trong bối cảnh NATO đang bước vào kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược với những thách thức to lớn và phức tạp hơn.

Theo ông, châu Âu và Bắc Mỹ cùng thuộc NATO, việc thiết lập một “mối liên kết bền chặt” giữa hai bên có ý nghĩa đặc biệt, khi cả hai bờ Đại Tây Dương đều đang phải “đối mặt với nhiều thách thức an ninh mới và những vấn đề khác nhau cùng một lúc”. Điều đó đòi hỏi NATO, sau hơn 70 năm tồn tại và phát triển, phải tích cực thay đổi để có thể thích nghi với tình hình mới.

Một trong những thách thức lớn của NATO là Trung Quốc. Trong bài phát biểu, Tổng Thư ký Jens Stoltenberg bày tỏ quan ngại về những chính sách của Trung Quốc như gia tăng đầu tư vào các công nghệ vũ khí mới, mở rộng hợp tác kinh tế và quân sự ở châu Phi, Bắc Cực và tăng cường hoạt động trong không gian mạng. Theo ông, mặc dù NATO “không coi Trung Quốc là đối thủ”, nhưng liên minh này “cần tính đến các hậu quả của sự trỗi dậy của Trung Quốc đối với an ninh của NATO”.

NATO “chuyển mình” trong kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược -0
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO hồi tháng 6, lần đầu tiên liên minh này kết luận rằng “những tham vọng và hành vi quyết đoán của Trung Quốc đặt ra những thách thức mang tính hệ thống đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”. Bên cạnh đó, Tổng Thư ký NATO cũng một lần nữa nhấn mạnh Nga, với tiềm lực quân sự khổng lồ, luôn là “đối thủ đáng kể nhất” đối của phương Tây, mà liên minh quân sự NATO là đại diện.

Trên thực tế, quan hệ giữa NATO và Nga đang trong  giai đoạn cực kỳ căng thẳng. Nga từ ngày 1/11 đã đình chỉ hoạt động của phái bộ ngoại giao nước này tại NATO để đáp trả việc NATO trục xuất 8 nhà ngoại giao Nga. Trước đó, NATO đã giảm một nửa số nhân viên ngoại giao trong phái đoàn thường trực Nga tại tổ chức này (từ 20 người xuống 10 người). Phía Nga cáo buộc NATO phá hủy các cơ chế đối thoại giữa hai bên. Nga và NATO cũng liên tục chỉ trích lẫn nhau về các hoạt động quân sự ở khu vực Biển Đen.

Một vấn đề khác rất đáng chú ý với NATO, đó là đoàn kết nội bộ. Dư âm của những lời chỉ trích như “NATO đã lỗi thời" (từ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump) hay “chết  não” (từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron) dường như vẫn chưa biến mất hoàn toàn, nhất là sau cuộc rút quân hỗn loạn tại Afghanistan và sự kiện liên minh quốc phòng AUKUS (gồm Mỹ, Anh và Australia) được thành lập mới đây. Mâu thuẫn về lợi ích chiến lược giữa các nước thành viên, nếu không được giải quyết triệt để sẽ ảnh hưởng lớn tới uy tín, sự đoàn kết cũng như sức mạnh của tổ chức này.

Ngoài ra, như lời Tổng Thư ký Jens Stoltenberg, NATO còn phải đối mặt với hàng loạt thách thức lớn như các cuộc tấn công mạng thường xuyên và tinh vi hơn; cuộc khủng hoảng người di cư dọc biên giới giữa Belarus và Ba Lan; mối đe dọa khủng bố dai dẳng; sự phổ biến vũ khí hạt nhân; tác động của biến đổi khí hậu... Đây đều là những vấn đề không đơn giản, không thể giải quyết trong “ngày một ngày hai”. 

Những thách thức nêu trên buộc NATO phải thay đổi, và liên minh quân sự này dường như cũng đang cho thấy khả năng thích nghi trong kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược. Nhìn vào kết quả hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO ngày 21 - 22/10 vừa qua, với việc liên minh cho ra đời chiến lược phòng vệ chung và lần đầu tiên thành lập một quỹ đổi mới của NATO, cùng với các kế hoạch và cam kết của các nước thành viên đối với liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, giới quan sát cho rằng NATO đang có sự “chuyển mình”. Tổng Thư ký NATO khẳng định sự thay đổi này là cần thiết để có thể “thích ứng với một thế giới cạnh tranh và phức tạp hơn, nhiều thách thức hơn”, và để “bảo vệ liên minh trong trường hợp xảy ra xung đột và khủng hoảng”.

Với chiến lược phòng vệ chung, NATO muốn củng cố năng lực phòng thủ của liên minh, chống lại mọi cuộc tấn công đồng thời vào lãnh thổ các nước thành viên, trong đó đối phương có thể sử dụng vũ khí hạt nhân, tấn công mạng hoặc tấn công từ không gian. NATO cho rằng chiến lược răn đe và phòng thủ ở khu vực châu Âu-Đại Tây Dương hiện là yêu cầu cấp thiết. Các thành viên NATO cũng nhất trí thành lập quỹ đổi mới đầu tiên của khối trị giá hơn 1 tỷ USD, nhằm đầu tư phát triển các công nghệ mới nhất, từ trí tuệ nhân tạo đến công nghệ sinh học, máy tính lượng tử- những công nghệ có khả năng ứng dụng cao trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh.

Với những bước đi như vậy, NATO cho thấy đang quyết tâm củng cố và nâng tầm sức mạnh của liên minh, tích cực chuẩn bị để có thể sẵn sàng hành động khi cần thiết trước tất cả các vấn đề ảnh hưởng đến an ninh của liên minh. Các quốc gia thành viên NATO cũng chia sẻ lời kêu gọi của Tổng Thư ký Jens Stoltenberg về đoàn kết nội bộ, cho thấy các nước sẵn sàng bỏ qua bất đồng, tăng cường hợp tác vì mục tiêu chung.

Với châu Âu, trước những ý kiến yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) cần phải độc lập hơn, ít phụ thuộc vào Mỹ và NATO về mặt an ninh và quốc phòng hơn, ông Jens Stoltenberg nhấn mạnh không có sự cạnh tranh giữa EU và NATO, ngược lại NATO hoan nghênh mong muốn của Brussels trong việc củng cố năng lực quốc phòng của mình. Theo ông, NATO và EU là các tổ chức khác nhau, có vai trò khác nhau và các thành viên cũng khác nhau, nhưng hơn 90% công dân EU sống ở các quốc gia thuộc NATO. Vì vậy NATO và EU chia sẻ những giá trị và đối mặt với các mối đe dọa an ninh chung. Sự hợp tác giữa hai bên đã được nâng tầm và hiện ở mức cao chưa từng có.

Về phía Mỹ, ông Jens Stoltenberg cho rằng Washington vẫn luôn thực hiện cam kết với các đồng minh NATO, không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động. Trong những năm qua, Mỹ đã tăng cường hiện diện quân sự ở châu Âu, cả về quân số, vũ khí, trang thiết bị quân sự và các cuộc tập trận. Tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO hồi tháng 6, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng các nhà lãnh đạo NATO đã thông qua chương trình “NATO 2030” - một chương trình nghị sự đầy tham vọng và hướng tới tương lai của NATO. Đây được coi là minh chứng mạnh mẽ và rõ ràng cho cam kết của Mỹ đối với an ninh xuyên Đại Tây Dương và thúc đẩy quan hệ với các đồng minh châu Âu. 

Theo Tổng Thư ký Jens Stoltenberg, có hai yếu tố giúp NATO thành công. Một là các quốc gia thành viên sát cánh cùng nhau trong việc đối phó với các mối đe dọa và thách thức, bất chấp những khác biệt. Hai là NATO “có khả năng thay đổi khi thế giới thay đổi”. Hiện tại, liên minh quân sự này đã và đang xây dựng các chương trình, kế hoạch cho tương lai. Kết quả thực hiện các chương trình, kế hoạch đó như thế nào sẽ phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm chính trị, sự thống nhất và khả năng thay đổi của liên minh này.

PV (tổng hợp)
.
.
.