“Mồi lửa” mới trong cuộc chiến khí đốt Nga – châu Âu
Đề xuất áp giá trần đối với khí đốt nhập khẩu từ Nga mà Ủy ban châu Âu đưa ra hôm 7/9 (giờ địa phương), nếu được thông qua, có thể sẽ là mồi lửa làm bùng nổ mâu thuẫn năng lượng sâu sắc giữa hai bên, nhất là sau lời cảnh báo ngừng cung cấp khí đốt cho phương Tây mà Tổng thống Nga Putin cùng ngày đề cập.
Chỉ cách đây một năm, gần 40% khí đốt tự nhiên được sử dụng trên khắp Liên minh châu Âu (EU) đến từ Nga, một trong những đối tác thương mại lớn nhất và quan trọng nhất của lục địa già về năng lượng. Nhưng giờ đây, nguồn cung giảm chỉ còn một nửa, theo New York Times. Kể từ khi giao tranh nổ ra ở Ukraine gần bảy tháng trước, Nga và châu Âu đã bước vào một cuộc chiến năng lượng với hệ quả ngày một nghiêm trọng hơn. Thế thống trị của Nga đối với nguồn cung khí đốt sang EU là “vũ khí kinh tế” lớn nhất của quốc gia này, AP nhận định.
Còn với EU, các lệnh trừng phạt lớn liên tục được áp đặt là một phần của nỗ lực trên phạm vi rộng nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga. Mâu thuẫn gia tăng khi các chính phủ châu Âu cáo buộc Nga sử dụng năng lượng để gây sức ép nhằm trả đũa việc phương Tây hỗ trợ Ukraine sau cuộc xung đột với Nga. Còn tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga lại “đổ lỗi” việc cắt giảm khí đốt sang châu Âu, vốn kéo dài nhiều tháng qua, là do các vấn đề kỹ thuật và biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Đứng trước bài toán Nga khóa van khí đốt, EU một mặt lựa chọn duy trì trừng phạt, một mặt tìm kiếm giải pháp tự cứu lấy mình. Ngày 7/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đề xuất “5 biện pháp khẩn cấp” mà EU có thể thực hiện để giải quyết tình trạng giá năng lượng tăng cao, trong đó bao gồm đề xuất mức trần giá cụ thể đối với khí đốt từ Nga - một động thái nhằm cắt giảm doanh thu mà Nga nhận được từ việc bán nhiên liệu. “Tổng thống Nga đang sử dụng năng lượng như một vũ khí bằng cách cắt giảm nguồn cung và thao túng thị trường năng lượng của chúng tôi”, bà Ursula von der Leyen nói trong bài phát biểu nhằm kêu gọi các nước thành viên đồng thuận với đề xuất áp giá trần mới này.
Gần như ngay lập tức, Tổng thống Nga đã có động thái đáp trả. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông cùng ngày, nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin chỉ trích các ý kiến kêu gọi thực hiện áp giá trần đối với các nguồn năng lượng của Nga, cho rằng việc giới hạn giá nhập khẩu khí đốt từ Nga, kế hoạch đang được EU toan tính, là ý tưởng tồi và chỉ dẫn đến việc tăng giá năng lượng, Reuters đưa tin.
“Chúng tôi sẽ không cung cấp bất kỳ thứ gì nếu việc đó đi ngược lại lợi ích của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không cung cấp khí đốt, dầu, than, dầu sưởi, chúng tôi sẽ không cung cấp gì hết”. Tổng thống Putin khẳng định. Tổng thống Nga đồng thời bác bỏ lập luận cho rằng Nga đang sử dụng năng lượng như "vũ khí" khi dừng bơm khí qua đường ống Nord Stream 1, cho rằng chính các lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng đến độ an toàn của các tuabin nén khí. "Họ tự đẩy mình vào thế bế tắc", ông Putin nói thêm.
Trên thực tế, căng thẳng xoay quanh vấn đề năng lượng giữa Nga và châu Âu đã không còn mới, nhưng ngày càng diễn tiến gay gắt hơn, mà theo New York Times, không bên nào hoàn toàn được lợi. Những nguồn cung thay thế dầu và khí đốt của Nga, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ, đang tận dụng tình hình này để tiếp cận thị trường tiềm năng. Điều đó đang hạn chế nguồn thu mà Moscow cần để cung cấp năng lượng cho nền kinh tế, cũng như xây dựng đường ống và cảng để cung cấp năng lượng cho châu Á thường xuyên hơn.
Trong khi đó, với châu Âu, chính phủ các nước đang phải tìm mọi cách tích trữ nhiên liệu, bao gồm cả việc yêu cầu người dân cùng các công ty tiết kiệm năng lượng và công bố các gói khẩn cấp để cứu trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Ngay cả các quốc gia không nhập khẩu khí đốt của Nga cũng đang bị ảnh hưởng bởi giá điện có mối liên hệ chặt chẽ với khí đốt. Theo ước tính của Goldman Sachs, các hộ gia đình châu Âu trung bình đang phải đối mặt với hóa đơn năng lượng hằng tháng là 500 euro (494 USD) vào năm tới, gấp ba lần năm 2021. Khi người dân chịu ảnh hưởng nhãn tiền từ cuộc chiến năng lượng Nga – châu Âu, mối quan tâm của họ sẽ đổ dồn đến những thứ cấp thiết hơn, là điện, là xăng dầu, là nguồn sống. Mối quan tâm ấy có thể đẩy mâu thuẫn với chính phủ trở nên gay gắt, điều mà các quốc gia châu Âu cần đề phòng.
Trước viễn cảnh cuộc chiến khí đốt sẽ ngày một leo thang, còn Nga không có động thái nhưọng bộ, các Bộ trưởng năng lượng EU sẽ nhóm họp vào ngày 9/9 để thảo luận về cách giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình và các doanh nghiệp do giá năng lượng tăng vọt, mà bài toán với Nga sẽ được cân nhắc. Tuy nhiên, theo một nhà ngoại giao EU, hội nghị này sẽ chỉ thiên về việc thảo luận quan điểm của các quốc gia, hơn là quyết định một đề xuất nào cụ thể. Trong khi đó, mâu thuẫn trong nội bộ EU tiếp tục tiềm tàng.
Bộ trưởng Công Thương CH Czech Jozef Sikela, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu (EU), cho biết CH Czech sẽ cố gắng loại bỏ đề xuất áp giá trần đối với khí đốt của Nga, cho rằng phương án này là một công cụ chính trị chứ không phải giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay ở châu Âu. Ngày 9/9 có thể sẽ là thời điểm quyết định xem EU sẽ có tiếng nói chung trong vấn đề năng lượng, hay sẽ chứng kiến sự lung lay giữa các thành viên trước quân bài khí đốt “bỏng tay” mà Nga nắm giữ. Quyết định cần được đưa ra nhanh chóng, trước khi mùa đông giá lạnh ghé qua đây.