Người châu Âu "vật vã", còn người Nga mua khí đốt giá bao nhiêu?

Thứ Hai, 05/09/2022, 10:38

Trong khi người dân châu Âu vật lộn với giá khí đốt cao ngất ngưởng, người Nga vẫn tiếp tục thụ hưởng năng lượng với giá cả phải chăng, thấp hơn châu Âu khoảng 40 lần.

Trả lời kênh Rossiya 1 của Nga hôm 4/9, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak khẳng định việc giá cả khí đốt leo thang ở châu Âu không ảnh hưởng đến người Nga, do giá khí đốt tại Nga được quy định bởi nhà nước và nguồn cung tại nước này luôn được đảm bảo ổn định.

Người châu Âu
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak. Ảnh: TASS

"Để so sánh, chúng ta có mức giá 70-80 USD/ 1.000m3 khí đốt đối với khách hàng sản xuất công nghiệp, giá khí đốt sinh hoạt còn rẻ hơn. Trong khi đó, trên các sàn giao dịch châu Âu, giá khí đốt hiện vào khoảng 3.000 USD/1.000m3. Mức chênh là 40 lần", ông Novak nói thêm.

Phó Thủ tướng Nga cũng dự báo, giá cả khí đốt ở châu Âu sẽ còn tăng, trong bối cảnh Bắc bán cầu chuẩn bị đương đầu với một mùa Đông lạnh giá, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất thường. "Chúng ta đang chứng kiến sự sụp đổ của thị trường năng lượng của châu Âu", ông nói thêm.

Bình luận về Nord Stream 1, ông Novak khẳng định, chính Liên minh châu Âu (EU) chịu trách nhiệm cho những rắc rối khiến tuyến đường ống dẫn khí đốt chính chạy dưới đáy biển Baltic này phải dừng hoạt động, đồng thời hối thúc EU ngưng đổ mọi lỗi lầm cho Moscow.

"Mọi rắc rối từ phía đó (EU) mà ra thôi. Bởi vì tất cả các điều khoản của hợp đồng sửa chữa đã bị vi phạm hoàn toàn, các điều khoản về vận chuyển cũng bị vi phạm", ông nói thêm.

Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức, vận chuyển khoảng 160 triệu m3 khí đốt mỗi ngày. Tuy nhiên, tuyến đường ống đã dừng hoạt động vô thời hạn do vấn đề kĩ thuật và việc các tuabin nén khí không được bảo dưỡng, bàn giao đúng hạn.

Người châu Âu
Sơ đồ tuyến Nord Stream 1. Ảnh: ITN

Theo Interfax, các tuabin nén khí do tập đoàn Rolls-Royce chế tạo được lắp đặt tại trạm Portovaya ở Tây Bắc nước Nga để bơm khí vào Nord Stream từ lâu. Rolls-Royce bán mảng tuabin cho tập đoàn Siemens của Đức cách đây vài năm và Siemens chịu trách nhiệm bảo dưỡng tuabin theo hợp đồng với Nga.

Tháng 12/2021, một tuabin được đưa từ Portovaya sang nhà máy của Siemens ở Canada để đại tu. Nó được lên kế hoạch đưa lại Nga vào tháng 5/2022. Tuy nhiên, tuabin đã không lên đường về Nga đúng hạn do tác động của các biện pháp cấm vận mà Canada áp đặt chống Gazprom.

Tháng 7/2022, theo đề nghị của Đức, Canada đồng ý cho tuabin nói trên rời lãnh thổ Canada, nhưng giấy phép lại được cấp cho chi nhánh Siemen ở Canada. Gazprom nói họ không có quan hệ hợp đồng với Siemen ở Canada. Động cơ sau đó lại được chuyển về Đức mà không phải Nga.

Phía Nga lập luận rằng, nếu tuabin được đưa từ Đức sang Nga, điều đó sẽ vi phạm lệnh trừng phạt của Canada. Ngoài ra, do tuabin đang ở trên lãnh thổ một quốc gia EU, nó cũng đang là đối tượng của một lệnh cấm cung cấp động cơ tuabin cho Nga mà EU ban bố. Gazprom khẳng định chỉ nhận lại tuabin nếu EU và Canada miễn trừ trừng phạt.

Thái Hà
.
.
.