Gói trừng phạt “đổ mồ hôi sôi nước mắt” của EU
Sau những bất đồng kéo dài liên quan đến vòng trừng phạt thứ sáu của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga, các lãnh đạo khối mới đây đã nhất trí về nguyên tắc cấm 2/3 dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ nhập khẩu từ Moscow. Bước đi này được cho là sẽ đánh trực tiếp vào nguồn tài chính khổng lồ của Kremlin, nhằm gia tăng áp lực tối đa để chính quyền Tổng thống Putin chấm dứt chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, các áp lệnh năng lượng lên Nga về lâu dài có thể là nguồn cơn gia tăng bất đồng nội khối và EU sẽ phải tìm kiếm các giải pháp chính trị - ngoại giao khác.
“Chật vật” phá thế bế tắc
Truyền thông quốc tế ngày 31/5 đưa tin, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thông báo trên Twitter rằng các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của EU đã nhất trí về gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga, bao gồm lệnh cấm vận nhập khẩu với 2/3 lượng dầu từ Moscow và ngắt Sberbank – ngân hàng lớn nhất nước Nga, khỏi hệ thống kết nối tài chính quốc tế SWIFT, lệnh cấm phát sóng tại EU với ba kênh truyền thông nhà nước Nga cũng như bổ sung thêm nhiều quan chức nước này vào danh sách những người bị đóng băng tài sản và không thể nhập cảnh EU.
Tuyên bố nêu trên được đưa ra sau ngày họp đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh đột xuất của EU về Ukraine tại Brussels (Bỉ). Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, gói trừng phạt thứ 6 là một quyết định chính trị quan trọng, đặc biệt là việc đạt được đồng thuận cấm vận 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Moscow.
Cụ thể, EU thống nhất sẽ cắt giảm 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga khi Ba Lan và Đức - những nước đang mua dầu qua đường ống Druzhba, ngừng mua vào cuối năm nay. Nhập khẩu bằng đường biển vốn chiếm 2/3 tổng nguồn cung của EU từ Nga sẽ ngừng ngay lập tức. Phần còn lại sẽ tạm được miễn cấm vận để Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech – những nước có kết nối với đoạn phía Nam của đường ống Druzhba, tìm cách thay thế nguồn cung.
Bà Ursula von der Leyen khẳng định, việc đạt được gói cấm vận này sau nhiều tuần đàm phán bất thành, phản ánh rằng các thành viên của liên minh đã đồng ý chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt, dầu và than đá của Nga càng sớm càng tốt, đồng thời truyền đi một tín hiệu rất mạnh mẽ rằng EU không thiếu sự đoàn kết và sẽ bảo vệ các giá trị của khối đến cùng.
Trước đó, Hungary, một quốc gia không giáp biển vốn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Nga, đã liên tiếp phản đối mọi đề xuất cấm vận hoàn toàn dầu mỏ của EU lên Nga, trừ phi nước này được miễn trừ thực hiện trong ít nhất 4 năm để có thời gian chuẩn bị và EU phải tài trợ 800 triệu Euro để Budapest sửa chữa các nhà máy lọc dầu nhằm phù hợp với các nguồn dầu thô khác.
Nguy cơ hằn sâu bất đồng nội khối
Mặc dù các lãnh đạo EU hoan nghênh lệnh cấm vận nhập khẩu với 2/3 lượng dầu từ Nga, nhưng khối này không nêu rõ sẽ áp lệnh trong thời gian bao lâu và chỉ nói rằng đây là bước đi tạm thời. Hiện bà Ursula von der Leyen cho biết EU đã đồng ý đầu tư lớn vào năng lượng tái tạo để bù đắp cho việc cắt giảm dầu Nga.
Trên thực tế, triển vọng tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế sau hàng thập kỷ phụ thuộc vào Nga từ lâu đã là một vấn đề khó khăn với châu Âu. Thậm chí, quá trình này sẽ ngày càng chông gai hơn giữa bối cảnh giá tiêu dùng tăng do chiến tranh cùng với một loạt nhân tố khác như sự gián đoạn kinh tế trong đó có các vấn đề về chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 gây nên.
Không những vậy, việc EU cấm nhập khẩu phần lớn dầu Nga cũng có thể gây ảnh hưởng đáng kể tới tính cạnh tranh trên thị trường dầu của khối này và tình trạng lạm phát nóng ở nhiều nước. Các nhà máy lọc dầu kết nối với đường ống từ Nga được hưởng lợi thế về giá. Dầu thô Urals của Nga đang được giao dịch ở mức khoảng 93 USD/thùng, thấp hơn so mức giá khoảng 120 USD/thùng của dầu thô Brent (được xem là tiêu chuẩn cho giá dầu thế giới). Trong khi đó Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) dự kiến vẫn bám sát kế hoạch ban đầu là chỉ tăng sản lượng dầu lên 432.000 thùng/ngày trong tháng 7.
Theo thông tin từ Cao ủy EU về chính sách An ninh và Đối ngoại Josep Borrell, tính từ ngày Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina hôm 24/2 đến nay, EU đã trả 56 tỉ Euro để mua nhiên nhiên liệu hóa thạch của Nga, trong đó gần một nửa là dầu.
Đánh giá về tác động của các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga, chuyên gia kinh tế Sofia Donets nhận định: “Ảnh hưởng của lệnh cấm vận dầu mỏ mà châu Âu đưa ra có thể dẫn đến việc tăng chiết khấu được trả cho dầu của Nga ở khu vực châu Á. Trong khi đối với các nhà nhập khẩu châu Âu, giá nhiên liệu rõ ràng sẽ tăng”.
Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh lạm phát tại các nước châu Âu đều đang tăng cao, chính phủ các nước EU chịu sức ép lớn về kinh tế nên nếu có một sự phân biệt đối xử, cạnh tranh không bình đẳng trong chính nội bộ EU thì chắc chắn sự đoàn kết của khối sẽ bị lung lay. Trong trường hợp này, Uỷ ban châu Âu có lẽ sẽ buộc phải chuẩn bị thêm một biện pháp khác nhằm bù đắp cho các nước thành viên EU chấp nhận việc cắt ngay lập tức nguồn dầu mỏ từ Nga, và như thế châu Âu sẽ lại có thêm một gánh nặng tài chính mới.
Do đó, về lâu dài EU có lẽ sẽ phải tìm kiếm các giải pháp khác về chính trị-ngoại giao khác, nhằm sớm chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine thay vì các lệnh trừng phạt kinh tế tốn kém với Nga.
Trong một diễn biến có liên quan, sau Ba Lan, Bulgaria thì Phần Lan, Hà Lan, Đan Mạch và Đức là những cái tên nối dài danh sách bị Nga cắt nguồn cung khí đốt. Động thái này được cho là đòn trả đũa mới của Moscow đối với các lệnh trừng phạt của phương Tây.