Cuộc chạy đua quân sự âm thầm tại châu Á - Thái Bình Dương
Nhiều nước khắp châu Á đang tiến hành một cuộc chạy đua vũ trang thầm lặng, một nỗ lực để tránh bị bỏ lại phía sau, tuy vậy, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng bất kỳ tính toán sai lầm nào cũng có thể dẫn đến một cuộc xung đột tại khu vực tiềm ẩn bất ổn do tranh chấp biên giới này.
Tại khu vực Đông Á, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang nhanh chóng hiện đại hóa quân đội nhằm đối phó với những mối đe dọa đến từ Trung Quốc và Triều Tiên. Tuần trước, sau khi Hàn Quốc thử một loại tên lửa mới, Triều Tiên ngay lập tức lên tiếng cảnh báo “tham vọng liều lĩnh” này của Seoul.
Trong khi đó, việc Ấn Độ tăng cường đầu tư quân sự sau các cuộc đụng độ với Trung Quốc ở biên giới đang tranh chấp trên dãy Himalaya có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng với đối thủ lâu năm của nước này là Pakistan.
Ngoài ra, nhiều nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cũng đang có những biện pháp nhằm duy trì hiện trạng ngoại giao trong bối cảnh những hành động gây hấn và quyết liệt của Trung Quốc tại khu tuyến vận tải biển chiến lược này.
Malcolm Davis, nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia, cho biết khu vực này đang bị mắc kẹt trong “tình thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh” - một vòng xoáy địa chính trị nơi các quốc gia liên tục củng cố quân đội của mình để đối phó với sự lớn mạnh của lực lượng các nước láng giềng. Chuyên gia này nhận định, nguy cơ về một cuộc chiến quyền lực lớn đang gia tăng.
Sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc
Trong những năm qua, quân đội Trung Quốc lớn mạnh không ngừng.
Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hiện sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, máy bay chiến đấu tàng hình công nghệ tiên tiến và kho vũ khí hạt nhân ngày càng được nâng cấp. Tuy nhiên, quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc mới chỉ đang bắt đầu.
Ngân sách quân sự của Trung Quốc vẫn đang tăng lên hàng năm, có thể vượt mốc 200 tỷ USD vào năm 2021. Dù con số này vẫn còn khiêm tốn so với 740 tỷ USD của Mỹ, tuy nhiên, PLA đang thu hẹp khoảng cách về công nghệ với quân đội Mỹ.
Cùng với việc đóng tàu sân bay thứ ba ở Thượng Hải, Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc gần đây đã thử nghiệm một tên lửa siêu thanh.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley bày tỏ quan ngại sâu sắc về những gì Mỹ cho là cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh của Trung Quốc. Về phần mình, Bắc Kinh cho biết đây không phải là một tên lửa mà là một “cuộc thử nghiệm tàu vũ trụ thông thường”.
Không chỉ trong hành động đầu tư ngày càng mạnh cho quân sự, thái độ và lời nói của Trung Quốc cũng khiến các nước trong khu vực quan ngại.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Bắc Kinh sẽ không còn bị “bắt nạt, áp bức hoặc khuất phục” và bất kỳ ai cố gắng làm điều đó sẽ “đâm đầu vào bức tường thép vĩ đại”.
Trong cuộc hội đàm trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tuần trước, ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ thực hiện “các biện pháp kiên quyết” nếu lực lượng ở Đài Loan vượt qua “lằn ranh đỏ”, theo thông cáo của Bắc Kinh về cuộc hội đàm. “Những động thái như vậy là cực kỳ nguy hiểm, giống như đang đùa với lửa. Bất kỳ ai đùa với lửa sẽ bị bỏng”, ông Tập tuyên bố.
Trong vài năm qua, ngày càng nhiều nhà ngoại giao trẻ của Trung Quốc có biệt danh là “những chiến binh sói”, xuất hiện tại các cuộc họp báo và cả mạng xã hội nhằm lên tiếng phản đối mạnh mẽ bất kỳ sự coi thường nào đối với Trung Quốc.
Arzan Tarapore, học giả nghiên cứu Nam Á tại Đại học Stanford, cho biết chính sách ngoại giao và đường lối hiếu chiến của Bắc Kinh trong những năm qua đang khiến các nước láng giềng cảnh giác và quan ngại. “Đây không chỉ là một sự nhanh nhạy của các nhà ngoại giao “chiến binh sói” mà còn là sự sẵn sàng khẳng định các tuyên bố lãnh thổ của mình bằng vũ lực”, chuyên gia này cho biết.
Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, Mỹ tham gia các liên minh an ninh chặt chẽ với Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines với tuyên bố mục tiêu đảm bảo an ninh khu vực.
Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Donald Trump với các chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông đã khiến lòng tin của nhiều đồng minh của Mỹ tại khu vực ít nhiều bị suy giảm.
Dù kể từ khi đắc cử, ông Biden tái khẳng định cam kết với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, tuy nhiên, nhiều đối tác của Mỹ vẫn chưa yên lòng và tiếp tục tăng cường tiềm lực quân sự, chuyên gia Tarapore cho biết.
Nhật Bản và Hàn Quốc không muốn bỏ lại phía sau
Hai trong số các quốc gia có tốc độ quân sự hóa nhanh nhất tại châu Á là những quốc gia gần Trung Quốc nhất về mặt địa lý: Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trước khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 10, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã hứa sẽ tăng gấp đôi ngân sách quân sự, lần đầu tiên tăng lên mức 2% GDP kể từ Thế chiến thứ Hai.
Chưa rõ Nhật Bản sẽ áp dụng mức ngân sách cho quân sự cao kỷ lục này vào lúc nào, nhưng điều này sẽ cho phép chính phủ Nhật Bản nhanh chóng tăng cường lực lượng vào thời điểm Tokyo đang chịu sức ép ngày càng lớn từ các nước láng giềng như Triều Tiên và Trung Quốc.
Nhật Bản gần đây đã công bố kế hoạch triển khai thêm tên lửa vào năm 2022 tới chuỗi đảo Okinawa, nằm cách đất liền Trung Quốc chỉ vài trăm km.
Nước này cũng đã tăng số lượng các máy bay chiến đấu F-35 được cấp phép hoặc mua từ Mỹ, cùng với các tàu sân bay. Lực lượng Phòng vệ của nước này cũng đang lên kế hoạch bổ sung tàu ngầm, tàu khu trục và máy bay chiến đấu tàng hình công nghệ cao vào kho vũ khí của mình.
Trong khi nước láng giềng Triều Tiên thường xuyên tung tin về chương trình tên lửa, thì Hàn Quốc cũng đang nhanh chóng mở rộng lực lượng. Seoul đang nỗ lực xây dựng quân đội, một phần để giảm bớt sự phụ thuộc vào đối tác an ninh lâu năm là Mỹ.
Vào tháng 9, Seoul thông báo thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), một trong những vụ thử vũ khí lớn đầu tiên kể từ khi ông Biden đồng ý chấm dứt hiệp ước hạn chế chương trình vũ khí của Hàn Quốc.
Những giới hạn đối với chương trình vũ khí được đưa ra năm 1979 để ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang giữa hai miền Triều Tiên. Việc chấm dứt hiệp ước là một bước để Hàn Quốc hướng tới độc lập quân sự, điều này có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt hơn với Triều Tiên. Hàn Quốc đã có kế hoạch đưa vào hoạt động hàng không mẫu hạm đầu tiên, để triển khai vào năm 2033.
Trong khi cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều là đối tác an ninh lâu năm của Mỹ, với mối quan hệ không mấy êm đẹp với Trung Quốc và Triều Tiên, quan hệ song phương giữa hai nước đôi khi bị suy yếu bởi những vấn đề về lịch sử và tranh chấp lãnh thổ.
Tuy nhiên, không phải tất cả đồng minh của Mỹ đều tìm cách độc lập quân sự. Hồi tháng 9, Australia đã tăng cường hợp tác với Washington bằng cách thành lập một liên minh an ninh mới với Mỹ và Anh ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, được gọi là AUKUS.
Theo thỏa thuận, các đồng minh sẽ chia sẻ thông tin và công nghệ, điều này đồng nghĩa với việc Australia có thể mua và có được hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của riêng mình, giúp nước này mở rộng phạm vi tiếp cận Biển Đông đồng thời củng cố chỗ đứng vững chắc cho London và Washington trong khu vực.
Tuy nhiên, thỏa thuận này cũng khiến nhiều nước Đông Nam Á không vừa lòng. Cả Malaysia và Indonesia đều công khai lên tiếng về thỏa thuận AUKUS, trong đó Jakarta bày tỏ quan ngại rằng thỏa thuận có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Đại sứ Mỹ tại Indonesia, Sung Kim, phản bác rằng những lo ngại này là không chính đáng.
Bản thân Indonesia cũng đang trong nỗ lực hiện đại hóa quân đội. Tổng thống Joko Widodo đã kêu gọi đầu tư 125 tỷ USD vào tháng 6 cho quân sự và đã tăng cường các cuộc tuần tra quân sự trên Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với một vùng lãnh thổ khổng lồ chồng lên các khu vực mà các quốc gia khác tuyên bố chủ quyền.
Nhiều chuyên gia đều cho biết một trong những điểm nóng quân sự nguy hiểm nhất ở châu Á là biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Gần đây nhất là vào tháng 6/2020, hàng chục binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ ở Thung lũng Galwan, một khu vực mà Trung Quốc tuyên bố là một phần của Tân Cương và Ấn Độ cũng coi đây là một phần của Ladakh. Kể từ đó, nhiều báo cáo chưa được xác nhận cho thấy cả Bắc Kinh và Delhi đã điều quân đội đến biên giới.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, Ấn Độ có ngân sách quân sự lớn thứ ba trên thế giới, khoảng 72 tỷ USD và có quân đội hơn 3 triệu binh sĩ.
Nước này cũng đã tham gia vào “cuộc đua” hiện đại hóa quân đội, mua thiết bị mới, bao gồm 56 máy bay vận tải C295 của Airbus và 83 máy bay chiến đấu sản xuất trong nước.
Ấn Độ có một tàu sân bay tự sản xuất, có tên INS Vikrant, đang thử nghiệm trên biển và đang tiến hành các cuộc thử nghiệm tên lửa để cải thiện kho vũ khí đạn đạo của mình.
Dù sự hiện đại hóa quân đội của Ấn Độ vẫn còn nhiều hạn chế, tuy nhiên, bất kỳ động thái bổ sung nào của Ấn Độ nhằm tăng cường lực lượng vũ trang có thể bị nước láng giềng Pakistan coi là “mối đe dọa”. Hai nước có vũ khí hạt nhân này có nhiều tranh chấp biên giới trên đất liền.
Liệu châu Á có trở nên an toàn hơn?
Không có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ ngừng hiện đại hóa quân đội và Bắc Kinh cho rằng một phần nguyên nhân chính là do Mỹ.
Trong những năm gần đây, quân đội Mỹ gia tăng sự hiện diện ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm việc tiến hành các hoạt động tự do hàng hải thường xuyên tại khu vực Biển Đông.
Vào tháng 7, Mỹ đã cử hơn 20 máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến F-22 đến Guam để tập trận, trong khi tàu USS Carl Vinson, tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Mỹ được trang bị máy bay chiến đấu F-35C, tiến hành cuộc tập trận với Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trên Biển Đông vào tháng 9.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thường xuyên cáo buộc Washington phải chịu trách nhiệm về tình hình quân sự hóa ở châu Á - Thái Bình Dương. Và khi Trung Quốc xây dựng lực lượng để đáp trả, các nước láng giềng cũng có động thái tương tự.
Do đó, việc quân sự hóa trong khu vực chưa có dấu hiệu chấm dứt, và theo hầu hết các chuyên gia, còn có thể sẽ còn tiếp tục diễn ra, làm tăng khả năng xảy ra việc tính toán sai của các nước, hậu quả dẫn đến xung đột.
Các chính trị gia và chuyên gia trong khu vực đã so sánh cuộc chạy đua vũ trang và căng thẳng ở châu Á - Thái Bình Dương với tình hình ở châu Âu trong những năm 1930, ngay trước khi Thế chiến thứ Hai bắt đầu.
Peter Layton, nhà nghiên cứu tại Viện châu Á của Đại học Griffith, cho biết khả năng xảy ra chiến tranh giữa các cường quốc ở khu vực châu Á trong 10 năm tới đang tăng lên, nhưng ông hy vọng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và các nước khác ở châu Á, cũng như Mỹ, có thể giúp ngăn chặn bất kỳ hành động quân sự nào.
Theo nhà phân tích Davis của Viện Chính sách Chiến lược Australia, trong khi cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á sẽ khiến khu vực này trở nên nguy hiểm hơn, ông cho rằng các nước trong khu vực không có nhiều sự lựa chọn.