Châu Âu “phân cực” vì mũi tiêm vaccine tăng cường

Chủ Nhật, 17/10/2021, 11:10

Một loạt chiến dịch tiêm tăng cường mũi vaccine ngừa COVID-19 đang được triển khai trên khắp Liên minh châu Âu (EU) ngay cả trước Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đưa ra các quy định về việc liệu chúng có an toàn và hiệu quả hay không. Trong khi đó, một số quốc gia EU lại đang chờ EMA đưa ra quyết định chính thức về việc này.

Bức tranh “phân cực” ở châu Âu này phản ánh cách tiếp cận khác nhau như đã thấy trong việc triển khai tiêm chủng ở một trong những khu vực giàu nhất thế giới hồi đầu năm nay. Họ cũng nhấn mạnh sự thiếu đồng thuận giữa các nhà khoa học về mức độ cần thiết của tiêm chủng, trong khi chính phủ các nước tìm cách vực dậy nền kinh tế ốm yếu của họ, đối phó với biến thể Delta dễ lây nhiễm hơn và tránh việc phải phong tỏa trở lại vào mùa Đông.

Châu Âu “phân cực” vì mũi tiêm vaccine tăng cường -0
Các nước châu Âu chưa đồng thuận về việc tiêm mũi vaccine tăng cường cho người dân. Ảnh: Reuters

Nhấn mạnh những nguy cơ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết tỷ lệ phủ vaccine trong khu vực vẫn còn quá thấp và có nguy cơ gia tăng đáng kể các ca mắc COVID-19, nhập viện và tử vong trong 6 tuần tới. Chỉ có 61% tổng dân số đã được tiêm chủng đầy đủ và chỉ có 3 quốc gia - gồm Malta, Bồ Đào Nha và Iceland - đã tiêm chủng cho hơn 75% dân số của họ. Con số này chênh lệch quá lớn so với chưa đến 1/4 dân số của Bulgaria, một trong những quốc gia tụt hậu lớn trong việc tiêm chủng của EU. Tuy nhiên, sự thúc đẩy của khối đối với kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường sẽ khuấy động cuộc tranh luận về việc sử dụng vaccine của các quốc gia giàu trong khi các quốc gia nghèo hơn gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung cấp và tiêm chủng cho công dân của họ.

Nếu EMA ủng hộ sử dụng vaccine của Pfizer để tiêm mũi bổ trợ thứ ba, EU gồm 27 quốc gia thành viên sẽ tham gia cùng với Mỹ, Anh và Israel thực hiện kế hoạch tiêm mũi vaccine tăng cường.

Các quốc gia này đã dựa trên dữ liệu từ Israel, nơi dân chúng đã được tiêm mũi tăng cường, cho thấy hơn 1,1 triệu người từ 60 tuổi trở lên đã được tiêm một mũi tăng cường là vaccine của Pfizer, dẫn đến giảm số ca nhiễm trùng nói chung cũng như các ca bệnh nặng do COVID-19 trong nhóm đó. Pfizer và Moderna cũng từng công bố phân tích dữ liệu thử nghiệm lâm sàng cho thấy hiệu quả các vaccine của họ đạt trên 90% đối với các bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng, và sau đó sẽ giảm dần theo thời gian nhưng có thể được cải thiện với liều bổ trợ thứ 3.

Nhiều chuyên gia về vaccine cho biết, dữ liệu cho đến nay chỉ cho thấy nhu cầu tiêm mũi tăng cường ở người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch bị tổn thương. Còn ECDC thì cho biết, những người có hệ thống miễn dịch suy yếu nghiêm trọng có thể được tiêm mũi bổ sung vì họ có thể không được bảo vệ đầy đủ với số mũi tiêm tiêu chuẩn. Để phòng ngừa, những người già yếu, đặc biệt là những người sống trong các viện dưỡng lão, cũng có thể được tiêm mũi tăng cường, trong khi các nhân viên y tế và những người khác thường xuyên tiếp xúc với virus cũng có thể được xem xét tiêm mũi này. Tuy nhiên, ECDC cho biết họ vẫn đang đánh giá dữ liệu về khả năng miễn dịch suy giảm sau khi tiêm chủng và hiệu quả của vaccine giảm đối với biến thể Delta.

Trong khi đó, các nước EU đang thực hiện các chính sách riêng. Italy đã bắt đầu triển khai tiêm mũi tăng cường cho những người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi và nhân viên y tế, những người dễ bị tổn thương hoặc có nguy cơ lây nhiễm cao, nhắm vào tổng số khoảng 9 triệu người. Ngược lại, Hà Lan đang hạn chế tiêm mũi tăng cường đối với những người bị ức chế miễn dịch - ước tính khoảng 400.000 người - và đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiêm đủ 2 mũi.

Hội đồng y tế Hà Lan nêu rõ: “Hiện tại, vaccine ngừa COVID-19 cung cấp khả năng bảo vệ cao chưa từng có đối với virus. Dấu hiệu duy nhất cho đến nay về việc vaccine giảm dần hiệu quả theo thời gian đến từ Israel, nhưng bản thân những dấu hiệu này vẫn cung cấp quá ít cơ sở cho một chiến dịch tiêm mũi tăng cường ở Hà Lan”.

Tại Đan Mạch, chính phủ đang theo đuổi một chiến lược tương tự nhưng có kế hoạch tiêm mũi tăng cường cho nhân viên y tế và những người trên 65 tuổi nếu được EMA “bật đèn xanh”. Thụy Sĩ sẽ không tiến hành tiêm mũi bổ trợ vào lúc này vì nhà chức trách cho biết họ không thấy khả năng bảo vệ giảm dần theo thời gian, nhưng họ vẫn đang theo dõi dữ liệu. Việc ra quyết định của EMA cũng đã bộc lộ những chia rẽ trong nội bộ các quốc gia.

Các bộ trưởng y tế liên bang và khu vực của Đức đã lo ngại về việc tỷ lệ tiêm chủng chậm lại và đã ủng hộ việc tiêm mũi tăng cường cho một bộ phận lớn dân chúng. Nhưng hội đồng chuyên gia về vaccine của Đức (STIKO) chỉ chấp thuận tiêm mũi tăng cường cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch, chẳng hạn như bệnh nhân ung thư hoặc những người được cấy ghép nội tạng. Họ cho biết, đang xem xét mở rộng sang các nhóm khác và sẽ đưa ra khuyến nghị trong những tuần tới.

Những tranh cãi về tiêm mũi vaccine tăng cường ở châu Âu diễn ra trong bối cảnh các nước nghèo trên thế giới đang phải chật vật tiếp cận nguồn cung cấp vaccine. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia trì hoãn tiêm mũi vaccine tăng cường cho đến khi nhiều người trên thế giới được tiêm chủng.

Mỹ cũng “băn khoăn” về mũi tiêm tăng cường

Hồi tuần trước, một số thành viên của hội đồng chuyên gia tư vấn cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ bày tỏ lo ngại rằng, các cuộc thảo luận về mũi tiêm tăng cường đang khiến giới chức nước này phân tâm khỏi nhu cầu cấp bách hơn là đưa nhiều người Mỹ đi tiêm chủng hơn. Tiến sỹ Pablo Sanchez, làm việc tại trường Đại học Bang Ohio nói: “Chúng ta có vaccine hiệu quả, song việc nói về mũi tiêm tăng cường giống như là thừa nhận vaccine không hiệu quả”. Tại cuộc họp với các chuyên gia, một quan chức của CDC đã công bố dữ liệu mới từ việc thăm dò 1.000 tình nguyện viên gần đây cho thấy chiến dịch cung cấp mũi tiêm tăng cường có thể sẽ khiến 25% người Mỹ chưa được tiêm phòng ít có khả năng tiêm phòng hơn.

Trong khi đó, một cuộc thăm dò do Quỹ Kaiser Family tiến hành với hơn 1.500 người trưởng thành cho thấy 71% số người chưa được tiêm chủng thừa nhận những thông tin về mũi tiêm tăng cường gần đây khiến họ nghĩ rằng vaccine là vô tác dụng. Allie French, người sáng lập tổ chức dân sự Nebraskans ở Omaha, Nebraska, phản đối sự can thiệp quá mức của chính phủ, cho rằng việc tiêm nhắc lại càng củng cố niềm tin mạnh mẽ của cô rằng tiêm chủng là không cần thiết, đặc biệt là đối với những người biết chăm sóc bản thân. Tara Dukart - một chủ trang trại 40 tuổi đến từ Hazen, North Dakota và là thành viên hội đồng quản trị của Health Freedom North Dakota, một tổ chức đã đấu tranh với các yêu cầu về khẩu trang và vaccine - nói: “Tôi nghĩ rằng có rất nhiều sự do dự bởi tại sao phải tiêm mũi thứ ba nếu 2 mũi trước hiệu quả?”.

Một số chuyên gia bên ngoài cũng nhận thức được vấn đề này. Tiến sỹ James Conway, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Trường Đại học Wisconsin, cho rằng, nếu những người sẵn có tâm lý hoài nghi vaccine “bắt đầu có ý tưởng rằng hiệu quả của vaccine sẽ chỉ kéo dài trong 6, 8 hoặc 10 tháng, họ có thể tiếp tục củng cố hơn sự hoài nghi của mình”. Dù mọi số liệu ghi nhận sự sụt giảm các ca liên quan đến COVID-19 đều đáng được hoan nghênh, song thực tế này có thể làm giảm nỗ lực của các quan chức y tế trong việc khơi dậy cảm giác khẩn cấp đối với người chưa được tiêm chủng. Tiến sỹ Alex Jahangir, Giám đốc khoa phẫu thuật chấn thương chỉnh hình tại Trung tâm Y tế Trường Đại học Vanderbilt, người đứng đầu đội đặc nhiệm COVID-19 ở Nashville, Tennessee - nhớ lại việc ông phẫu thuật cho một người đàn ông lớn tuổi bị thương trong một vụ tai nạn hồi mùa Hè. Người đàn ông sống sót sau khi được chữa trị những vết thương, song cuối cùng lại chết vì COVID-19. Ông không thể quên thực tế là gia đình của người đàn ông này dường như chỉ tiếp nhận sự thật về sự nguy hiểm của COVID-19 khi mọi chuyện đã quá muộn. “Chỉ khi bị tác động tiêu cực, họ mới tìm kiếm sự thật”, ông nói.

Minh Hải

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.