Bước ngoặt trên chính trường Italia
Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với vô vàn thách thức, cuộc bầu cử Quốc hội Italia trở nên đặc biệt, được EU theo dõi chặt chẽ. Kết quả bầu cử, với việc gọi tên nữ chính trị gia Giorgia Meloni, được mong mỏi sẽ mang đến tương lai mới cho nền kinh tế lớn thứ 3 EU, khi bà trở thành nữ Thủ tướng Italia đầu tiên.
Hai tháng kể khi từ chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi tuyên bố từ chức, Italia bước vào cuộc tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội mới – cuộc tổng tuyển cử khá đặc biệt với nhiều “lần đầu tiên”. Khác với thông lệ hơn 100 năm qua, đây là lần đầu tiên Italia tổ chức bầu cử quốc hội vào tháng 9, và cũng là lần đầu tiên công dân trong độ tuổi 18-25 được bầu các đại diện của mình ở cả Thượng viện. Đáng chú ý, lần đầu tiên số nghị sỹ được bầu tại cả hạ viện và thượng viện giảm xuống lần lượt 400 và 200 khiến sự cạnh tranh càng trở nên gấp rút và khốc liệt hơn. Tuy nhiên, không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát, đảng Anh em Italia (FdI) đã vươn lên dẫn đầu cuộc đua với 26% số phiếu, theo kết quả kiểm phiếu ở 99% số điểm bỏ phiếu tính đến chiều 26/9 (giờ Việt Nam).
Trong khi đó, hai đồng minh lớn khác là Liên đoàn (Lega) chiếm khoảng 9% và Tiến lên Italia (Forza Italia) chiếm khoảng 8% số phiếu, giúp liên minh trung hữu giành được gần 45% số phiếu bầu của cử tri. Đây được coi là một dấu ấn lịch sử, khi FdI từ một đảng đối lập trong quốc hội đã trở thành nhân tố chính dẫn dắt và củng cố sức mạnh cho liên minh trung hữu.
Với kết quả này, bà Giorgia Meloni sẽ là nữ Thủ tướng đầu tiên tại Italia và lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II, nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực đồng Euro sẽ có một nhà lãnh đạo theo đường lối cực hữu. Phát biểu trước những người ủng hộ vào sáng 26/9, bà Meloni nhấn mạnh việc các cử tri Italia đã trao nhiệm vụ rõ ràng cho liên minh của bà để thành lập chính phủ tiếp theo, đồng thời kêu gọi sự thống nhất để cùng đối mặt với các vấn đề lớn của đất nước. “Đây là một đêm đáng tự hào đối với FdI nhưng đó là điểm khởi đầu chứ không phải về đích”, bà nói.
“Nếu chúng tôi được trao quyền lãnh đạo quốc gia này, chúng tôi sẽ làm điều đó vì tất cả người dân Italia, với mục đích đoàn kết người dân, tôn trọng những gì đoàn kết họ hơn là những gì chia rẽ họ. Chúng tôi sẽ không phản bội lòng tin của bạn", bà dõng dạc tuyên bố. Tân Thủ tướng Italia đồng thời cho rằng đây là lúc phải chịu trách nhiệm trước tình hình “đặc biệt phức tạp” của Italia và EU.
Nhận định của bà Meloni là hoàn toàn có cơ sở, khi chính phủ mới của Italia sẽ phải đối mặt với một loạt khó khăn, bao gồm giá năng lượng tăng vọt, tình hình chiến sự ở Ukraine và sự suy thoái mới của Italia, theo The Guardian. Sarah Carlson, Phó Chủ tịch Cơ quan xếp hạng toàn cầu Moody's, cho biết chính phủ mới của Italia sẽ phải xoay sở với gánh nặng nợ "dễ bị ảnh hưởng bởi diễn biến tăng trưởng âm, chi phí tài trợ và lạm phát".
Dự kiến, quốc hội mới của Italia sẽ được triệu tập vào ngày 13/10 để bầu ra Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện. Sau đó, Tổng thống Sergio Mattarella có thể bắt đầu tham vấn với các lãnh đạo đảng để thảo luận về chính phủ mới. Thủ tướng được bổ nhiệm sẽ đưa ra một danh sách các bộ trưởng, sẽ phải được Tổng thống phê chuẩn và sau đó là quốc hội đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm.
Sự thay đổi chính trị tại Italia cũng là mối quan tâm lớn với các thành viên EU, The Guardian nhận định, bởi chiến thắng của bà Meloni sẽ đặt ra câu hỏi về mối quan hệ giữa Italia và EU, nhất là khi lục địa già đang chuẩn bị bước vào mùa đông có khả năng sẽ bị chi phối bởi bài toán giá năng lượng. Mặc dù chiến thắng của bà Meloni nhận được sự ủng hộ từ phía Ba Lan và Hungary nhưng lại đối diện cái “nhíu mày” từ phía Đức và Pháp, theo Reuters, nhất là khi Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Đức vào tuần trước đã cảnh báo rằng chiến thắng của bà Meloni sẽ “có hại” cho sự hợp tác của châu Âu. Bên cạnh đó, chính phủ mới tại Italia cũng sẽ phải tìm cách thuyết phục được EU để có thể giải ngân được gói trợ giúp phục hồi kinh tế hậu đại dịch lên tới hàng trăm tỷ euro mà châu Âu dành cho Italia.
Trên thực tế, trong số các cường quốc kinh tế tại châu Âu, Italia luôn có truyền thống bất ổn chính trị. Italia đã trải qua đến 43 đời thủ tướng kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II và sắp có Thủ tướng thứ 4 trong vòng 4 năm qua. Do đó, việc chính trường Italia ghi nhận các sự kiện bất ngờ không phải là điều hiếm gặp. Tuy nhiên, điều mà người dân Italia, EU và cộng đồng quốc tế mong mỏi lúc này là liệu chính phủ của bà Meloni có thể tiếp tục duy trì sự yên bình hiếm hoi như trong giai đoạn cầm quyền của Thủ tướng Draghi hay không, hay chính trường Italita lại tiếp tục rơi vào bão táp. Sự yên bình ấy chắc chắn không chỉ tác động tới người dân Italia mà còn tới cả châu Âu.