Bắt đầu cuộc đua trên chính trường Nhật Bản
Ngày 17/9, cuộc đua quyết liệt vào chiếc ghế Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản đã chính thức bắt đầu. Nếu ai giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu dự kiến vào ngày 29/9, sau khi “sát hạch” một lần nữa tại Quốc hội, sẽ chính thức trở thành tân Thủ tướng của đất nước mặt trời mọc.
Mỗi người mỗi vẻ
Đúng 10h ngày 17/9 (giờ địa phương), danh sách ứng cử viên tham gia vào cuộc bầu cử Chủ tịch LDP đã được chính thức niêm yết. Có 4 ứng cử viên tham gia vào cuộc đua lần này là đương kim Bộ trưởng Cải cách kiêm phụ trách tiêm chủng Koro Taro; cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng Ban nghiên cứu chính sách LDP Fumio Kishida; cựu Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông, Hạ nghị sĩ Takaichi Sanae và quyền Tổng Thư ký LDP Seiko Noda.
Những ứng cử viên này đã giành được sự ủng hộ của các phái trong đảng và đang tranh thủ sự ủng hộ của các nghị sĩ Quốc hội. Ông Koro Taro, người được đánh giá là ứng cử viên sáng giá trong cuộc đua này, nhận được sự ủng hộ của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba – người đang đứng đầu phái Suigetsukai và thường đứng ở vị trí số 2 trong các cuộc thăm dò dư luận về người có khả năng kế vị Thủ tướng Suga.
Bên cạnh đó, ông cũng nhận được sự ủng hộ từ Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi, đang là một trong những chính trị gia được người dân Nhật Bản ưa thích. Giới phân tích cho rằng với sự ủng hộ của hai chính trị gia có ảnh hưởng này, ông Kono Taro có thể sẽ giành thêm các lá phiếu từ các đảng viên thường trong LDP. Ứng cử viên triển vọng Fumio Kishida được hậu thuẫn từ phái Kochikai do chính ông đứng đầu. Đây là phái lớn thứ tư trong LDP với 46 nghị sỹ và đã từng có 4 thành viên giữ vị trí thủ tướng. Bên cạnh đó, ông Kishida cũng nhận được sự ủng hộ từ một số nghị sỹ trong phái Shishokai.
Trong khi đó, nữ chính trị gia đầu tiên tuyên bố tham gia vào cuộc đua năm nay, bà Takaichi Sanae nhận được sự hậu thuẫn từ cựu Thủ tướng Abe Shinzo, người được coi là thủ lĩnh trên thực tế của Seiwa Seisaku Kenkyukai – phái lớn nhất trong LDP với 96 nghị sỹ. Tuy nhiên, không phải tất cả nghị sỹ trong phái này sẽ bỏ phiếu cho bà, vì phái đã quyết định cho phép các thành viên tự do bỏ phiếu. Mặc dù vậy, nữ Hạ nghị sĩ này có thể nhận được sự ủng hộ từ các nghị sỹ bảo thủ. Về phần mình, ứng cử viên Takaichi Sanae cũng giành được sự ủng hộ của cựu Thủ tướng Abe Shinzo và cựu Chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia.
Các ứng cử viên lần lượt đã bày tỏ những chiến lược, chính sách của mình nếu trở thành Thủ tướng Nhật Bản. Họ đều có điểm chung là cam kết nỗ lực hết sức trong hoạt động ngăn ngừa dịch COVID-19 lây lan. Ngoài ra, các ứng cử viên sẽ trình bày và tranh luận về chính sách liên quan đến tài chính, kinh tế, đối ngoại… từ nay đến ngày bỏ phiếu. Ứng cử viên Kishida Fumio cho rằng, ngoài chính sách ra, ông sẽ nỗ lực hết sức để cải cách đảng, đồng thời sẽ thực hiện đường lối đối ngoại tôn trọng và rộng mở.
Bà Takaichi Sanae thì từng bày tỏ mong muốn trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản. Bà muốn đưa ra các chính sách để chống lại sự đe dọa về công nghệ của Trung Quốc, củng cố nền kinh tế, giải quyết các vấn đề các chính quyền trước đây chưa giải quyết ra luật “ngăn chặn rò rỉ thông tin nhạy cảm sang Trung Quốc”. Bà Seiko Noda là người luôn bảo vệ quyền lợi phụ nữ. Bà cũng đã là người tranh cử chức Chủ tịch đảng năm 2015 cùng với cựu Thủ tướng Abe Shinzo nhưng không đủ số phiếu ủng hộ cần thiết.
Kết quả thăm dò dư luận do hãng tin Kyodo thực hiện trong các ngày 4 và 5/9 cho thấy có 31,9% số người được hỏi đánh giá ông Kono Taro là người phù hợp nhất để trở thành thủ tướng Nhật Bản và 18,8% ủng hộ ông Fumio Kishida. Tỷ lệ ủng hộ đối với bà Seiko Noda là 4,4% và bà Takaichi Sanae là 4%. Tuy nhiên, tỷ lệ này có thể sẽ thay đổi trong thời gian diễn ra chiến dịch tranh cử. LDP dự kiến sẽ tổ chức bỏ phiếu bầu chủ tịch mới vào ngày 29/9. Bất cứ ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này sẽ gần như chắc chắn trở thành Thủ tướng Nhật Bản do LDP đang nắm đa số ghế tại hạ viện.
Và sự lo lắng của Mỹ
Quyết định không tham gia tranh cử của đương kim Thủ tướng Nhật Bản đang đặt ra nhiều câu hỏi, không chỉ về lý do ông đưa ra quyết định mà nhiều người xem là có phần đột ngột này, hay đâu là ứng cử viên kế nhiệm tiềm năng, mà còn cả những ảnh hưởng của nó đối với các mối quan hệ đồng minh, nhất là với Mỹ. Quyết định đột ngột của ông Suga Yoshihide đã khiến Washington không khỏi lo lắng, nhất là trong bối cảnh họ kỳ vọng Tokyo sẽ tránh được xu thế “thay đổi lãnh đạo” và duy trì vị thế là một đối tác ổn định, thân thiết với Mỹ để cùng đối phó với các thách thức toàn cầu, trong đó có những rủi ro từ phía Trung Quốc.
Trong chưa đầy một năm cầm quyền, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đầu tư rất nhiều nỗ lực để xây dựng một mối quan hệ mạnh mẽ với Chính phủ Thủ tướng Suga Yoshihide và củng cố liên minh với Nhật Bản trong bối cảnh Washington tăng cường sự tập trung cho khu vực. Nhiều người thậm chí còn kỳ vọng về khả năng diễn ra cuộc gặp 2+2 khác giữa hai nước đồng minh trước cuối năm nay, và Hội nghị Thượng đỉnh trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo Bộ Tứ vào cuối tháng này.
Tuy nhiên, với kế hoạch ra đi của ông Suga Yoshihide, và khả năng một gương mặt mới lên nắm quyền cũng như cuộc tổng tuyển cử mùa thu này, lịch trình nói trên - cùng những tiến triển trong thảo luận với Nhật Bản về việc tăng cường năng lực phòng thủ - rõ ràng đã bị ảnh hưởng không nhỏ, đòi hỏi Mỹ giờ đây lại phải chuẩn bị cho một mối quan hệ mới.
Ông James Schoff, cựu chuyên gia về Đông Á của Lầu Năm Góc, bình luận: “Đó là một bước lùi mà chúng ta sẽ phải rất nỗ lực nếu muốn vượt qua”. Theo ông, mối quan hệ liên minh Mỹ-Nhật đã vấp phải “những trì trệ đáng kể trong hàng loạt vấn đề quan trọng”, một phần là do quá trình xác nhận người thắng cử bị kéo dài tại Mỹ, các ưu tiên dành cho cuộc chiến chống dịch ở cả 2 nước và cả việc Mỹ phải dành sự tập trung cho vấn đề Afghanistan. Ông James Schoff, hiện làm việc tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho rằng các đồng minh “sẽ mất khoảng 2 tháng trong mùa bầu cử này, và cuộc gặp 2+2 tiếp theo có thể sẽ là cuộc gặp đầu tiên của các bên, thay vì một sự kiện tiếp nối”.
Các cựu quan chức và giới quan sát Mỹ cho rằng các vấn đề về tính liên tục và ổn định đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của Washington, bởi ông Suga Yoshihide đã sẵn sàng viết tiếp tên mình vào một danh sách dài các nhà lãnh đạo Nhật Bản ra đi chỉ sau khoảng một năm tại vị. Ông Michael Green, cựu Giám đốc cấp cao phụ trách châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia, và ông Nicholas Szechenyi, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, viết: “Sự xáo trộn bất ngờ trên chính trường Nhật Bản... đặt câu hỏi về khả năng nảy sinh các bất ổn chính trị, những chuỗi lãnh đạo ngắn hạn sau các giai đoạn cầm quyền dài hạn của nhiều thủ tướng trước đây”.
Trong khi quỹ đạo chiến lược của Nhật Bản “đã chắc chắn”, hai nhà phân tích trên cho rằng “câu hỏi đặt ra sau sự ra đi đột ngột của ông Suga Yoshihide là liệu Nhật Bản có thể có được một nhà lãnh đạo mới đủ quyền lực để thực hiện các sáng kiến liên minh hay không”.