An ninh được tái lập trên khắp Kazakhstan
Cuộc sống bình thường đang trở lại với hầu hết người dân Kazakhstan sau khi chính quyền quốc gia Trung Á này xác nhận trật tự được tái thiết lập trên khắp đất nước nhờ nỗ lực của lực lượng an ninh và sự trợ giúp của các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn dắt.
Một tuần từ thời điểm làn sóng biểu tình bạo lực nổ ra, Cơ quan An ninh quốc gia Kazakhstan ngày 10/1 ra tuyên bố chính thức khẳng định, tình hình tại quốc gia Trung Á hiện đã ổn định, an ninh được tái thiết lập và nằm trong tầm kiểm soát; mọi cơ sở quan trọng, chiến lược và các khu vực cất giữ vũ khí được đảm bảo an toàn, thông tấn Nga TASS đưa tin.
“Các sở chỉ huy chiến dịch chống khủng bố cấp khu vực và cấp quốc gia đã loại bỏ các điểm nóng đe doạ khủng bố. Toàn bộ các toà nhà hành chính tại thành phố Almaty, Kyzylorda, Taldykorgan và thành phố Taraz đã được dọn sạch những kẻ cực đoan”, tuyên bố nêu rõ. Theo cơ quan này, lực lượng an ninh Kazakhstan hiện đang truy quét tại “những nơi mà các phần tử tham gia bạo loạn ẩn náu” và thu thập chứng cứ để xử lý theo pháp luật.
Bất ổn bùng phát tại Kazakhstan từ đầu tháng, sau khi hàng ngàn người dân xuống đường phản đối chính phủ quyết định ngừng trợ giá khí đốt hóa lỏng (LPG), khiến giá loại nhiên liệu này ở nhiều nơi tăng gấp đôi. Biểu tình sau đó nhanh chóng lan rộng ra các địa phương rồi leo thang thành bạo loạn ở Almaty, thành phố lớn nhất Kazakhstan và nhiều địa phương. Trước đòi hỏi của người biểu tình, Tổng thống Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev quyết định áp trở lại giá trần năng lượng, nhưng bạo lực không hạ nhiệt.
Đến ngày 6/1, nhà lãnh đạo Kazakhstan xác nhận ông đã đề nghị Nga và Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn dắt triển khai lực lượng tới hỗ trợ. Nga và CSTO đã đáp ứng đề nghị trên và khẩn trương triển khai hàng ngàn binh sĩ tới làm nhiệm vụ gìn giữ hoà bình, yếu tố được xem là then chốt giúp vãn hồi trật tự ở Kazakhstan.
Theo RiaNovosti, thông cáo trên được cơ quan an ninh Kazakhstan loan báo cùng thời điểm diễn ra cuộc họp trực tuyến của lãnh đạo các nước thành viên CSTO. Tại cuộc họp, Tổng thống Kazakhstan gọi hành vi bạo loạn là một “âm mưu đảo chính”. “Những kẻ vũ trang chờ thời cơ hành động đã tham gia biểu tình, với mục tiêu chính là phá hoại trật tự hiến pháp, phá hủy các thể chế chính phủ và chiếm đoạt quyền lực. Đó là một âm mưu đảo chính”, ông Tokayev nói.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả, “công nghệ Maidan”, ám chỉ cuộc chính biến ở Ukraine giai đoạn 2013-2014, đã được sử dụng ở Kazakhstan; và rằng nhiều thành phần tham gia bạo đã được đào tạo ở nước ngoài. Ông Putin cũng cho biết, lực lượng gìn giữ hòa bình do Moscow dẫn đầu được triển khai tới Kazakhstan sẽ không ở lại lâu dài. “Tôi muốn nhấn mạnh: Lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO chỉ được triển khai có thời hạn”, ông Putin khẳng định.
Hiện thiệt hại chi tiết của Kazakhstan sau một tuần hỗn loạn vẫn chưa được thống kê đầy đủ. TASS dẫn nguồn tin địa phương nói rằng, 164 người, bao gồm hàng chục thành viên lực lượng an ninh, đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ; khoảng gần 8.000 người đã bị bắt vì tham gia bạo loạn. Theo thông báo của Cơ quan An ninh Quốc gia, giới chức nước này cũng đã bắt một nhóm công dân nước ngoài tích cực tham gia vào bạo loạn. Nhóm này bị nghi có liên hệ với các tổ chức khủng bố nước ngoài. Các phần tử này đã nhập cảnh vào Kazakhstan và chuẩn bị cho kế hoạch tấn công dữ dội nhằm vào các mục tiêu chính phủ. Về kinh tế, hơn 100 doanh nghiệp và ngân hàng bị tấn công, cướp bóc và hơn 400 phương tiện giao thông bị đốt phá, thiệt hại được cho là lên đến khoảng 200 triệu USD.
Ngay sau khi chính quyền Kazakhstan xác nhận trật tự được lập lại, Internet và sóng viễn thông đã được khôi phục ở thành phố Almaty. Trước đó, truy cập mạng tại thủ đô Nur-Sultan cũng được dỡ bỏ hạn chế. Dù tình trạng khẩn cấp vẫn được duy trì, người dân có thể sử dụng phương tiện giao thông, ra ngoài mua sắm, gặp gỡ và trở lại công sở, các dịch vụ tài chính cũng được đảm bảo thông suốt trên hầu khắp đất nước. Truyền thông khu vực những giờ qua đăng tải hình ảnh cho thấy ôtô nối đuôi nhau chờ đổ nhiên liệu tại một cây xăng tại Almaty, đám đông cũng kiên nhẫn chờ đợi trước một xưởng làm bánh. Cuộc sống bình thường được cho là đang trở lại với hàng triệu người dân Kazakhstan.
Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Kazakhstan Tokayev hôm 9/1 sa thải 2 phó giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Kazakhstan, gồm các ông Marat Osipov và Daulet Ergozhin. Osipov và Ergozhin từng nhiều năm hoạt động dưới quyền cựu Giám đốc Karim Massimov, người bị bắt hôm 8/1 vì cáo buộc phản quốc. Ông Massimov từng là Thủ tướng Kazakhstan và được cánh truyền thông mô tả là thân cận với cựu Tổng thống Nursultan Nazarbayev, 81 tuổi.
Trong một tuyên bố nhằm dập tắt tin đồn về những rạn nứt nội bộ, người phát ngôn của ông Nazarbayev khẳng định vị cựu lãnh đạo của Kazakhstan ở thủ đô Nur-Sultan trong suốt cuộc khủng hoảng. Ông Nazarbayev đã chuyển giao vị trí Chủ tịch Hội đồng an ninh tối cao cho Tổng thống đương nhiệm Kassym-Jomart Tokayev hôm 5/1.
Kazakhstan hiện chưa đưa ra tên của nhân vật hay tổ chức nào bị tình nghi đứng sau bạo loạn. Hôm 7/1, trong cuộc phỏng vấn với Reuters, cựu chính khách, nhà tài phiệt lưu vong người Kazakhstan Mukhtar Ablyazov tự nhận mình là thủ lĩnh của đám đông biểu tình, song vai trò của ông này chưa được xác nhận.