“Máu rừng” xứ Thanh vẫn chảy...

Thứ Sáu, 17/03/2023, 07:33

Thời gian qua, tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn phức tạp, nhiều cây rừng vẫn bị đốn hạ một cách không thương tiếc. Dường như, công tác quản lý, bảo vệ rừng tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh có lúc còn lơ là... Phá rừng là tội của “lâm tặc”, song chủ rừng và các cơ quan bảo vệ rừng cũng không thể vô can.

Theo thống kê, từ tháng 1/2023 đến nay, trên diện tích rừng do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Thường Xuân (BQL RPH Thường Xuân) quản lý xảy ra 4 vụ vi phạm (tương ứng 66% tổng số vụ vi phạm trên toàn địa bàn huyện Thường Xuân trong cùng kỳ), bao gồm 1 vụ phá rừng, 3 vụ khai thác rừng trái pháp luật.

Tổng diện tích rừng bị phá 3.367 m2; khối lượng lâm sản thiệt hại 14,418 m3 gỗ thông thường các loại; 1.040 cây nứa; cả 4 vụ vi phạm nêu trên đều do lực lượng Kiểm lâm kiểm tra, phát hiện; BQL RPH Thường Xuân không kiểm tra, phát hiện kịp thời, không báo cáo với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.

z4155399568122_908efb372302d7ebcf916d4d4368a0d0.jpg -0
Cơ quan chức năng kiểm đếm số lượng gỗ thu được sau vụ phá rừng tại xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh.

Để xảy ra tình trạng nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thanh Hóa xác định, nguyên nhân chủ yếu là do lãnh đạo BQL RPH Thường Xuân thực hiện không hết trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ rừng được quy định tại Điều 74 Luật Lâm nghiệp 2017. Có biểu hiện buông lỏng quản lý, không chủ động kiểm tra an ninh rừng, để rừng bị phá, bị khai thác trái pháp luật trong thời gian dài, gây mất ổn định an ninh rừng.

Ngoài ra, các Trạm bảo vệ rừng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của BQL RPH Thường Xuân chưa thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ được giao. Chưa thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra an ninh rừng; chưa chủ động phối hợp với các lực lượng và chính quyền địa phương để tổ chức tuần tra, kiểm tra an ninh rừng nên không kịp thời phát hiện vi phạm.

Mới đây, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa yêu cầu: Giám đốc BQL RPH Thường Xuân tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc phụ trách, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ rừng và các cá nhân có liên quan trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ công tác bảo vệ diện tích rừng được Nhà nước giao.

Thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của chủ rừng theo quy định tại Điều 74 Luật Lâm nghiệp; các quy định trong Quy chế quản lý rừng tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ rừng được nêu trong phương án quản lý rừng bền vững đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Củng cố lại hoạt động của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho viên chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng trong đơn vị, đảm bảo đủ sức đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ rừng ngay từ cơ sở.

Chủ động phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân, các lực lượng chức năng khác và chính quyền địa phương nơi có rừng thuộc BQL, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về lâm nghiệp đến cộng đồng dân cư, để nhân dân biết, thực hiện; thường xuyên tuần tra BVR, phát hiện sớm các hành vi xâm hại tài nguyên rừng, để kịp thời có phương án xử lý ngay khi vụ việc mới phát sinh, không để vụ việc tương tự tái diễn.

Trước đó, từ ngày 7 - 9/1/2023, Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Lang Chánh đã tiến hành kiểm tra 50 lô rừng thuộc thôn Tráng và thôn Yên Thành. Sau kiểm tra, phát hiện 198 cây gỗ (gồm 12 cây gỗ cao su, cây gỗ vườn nhà; 73 cây gỗ tự nhiên tái sinh trên đất trống, trong rừng trồng keo, luồng; 113 cây trong rừng tự nhiên nghèo kiệt phục hồi là rừng sản xuất) thuộc loại gỗ thông thường từ nhóm VII - VIII bị khai thác chỉ còn lại gốc. Đa số cây có đường kính mặt cắt gốc trung bình 20 - 25cm và một số cây 30 - 40cm. Phần lớn gỗ, củi đã được lấy khỏi hiện trường. Số còn lại được cắt thành 130 khúc dạng củi, đường kính đầu lớn 8 - 9cm, dài 1m, trọng lượng 1,1 tấn (tương đương 1,1m3).

Khối lượng 186 cây gỗ tự nhiên (được áp dụng phương pháp xác định thể tích thân cây gỗ chỉ còn lại gốc chặt cắt ngang mặt đất theo Tiêu chuẩn Việt Nam, TCVN 13459:2021) là 22,698m. Các cây gỗ bị khai thác nằm rải rác trên diện tích của 50 lô rừng, được giao cho 12 hộ gia đình, 4 nhóm hộ (gồm 18 hộ gia đình) và Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa.

Tiếp tục mở rộng kiểm tra ở 14 lô rừng khác, lực lượng chức năng phát hiện 146 cây gỗ thông thường thuộc rừng tự nhiên tái sinh nghèo và trung bình (đa số cây ưa sáng mọc nhanh từ nhóm VII - VIII) có đường kính mặt cắt gốc trung bình 12 - 20cm; một số cây đường kính gốc 30 - 40cm. Phần lớn gỗ, củi sau khai thác đã được đưa ra khỏi rừng. Số còn lại được cắt ngắn (dạng củi) dài 50 - 60cm, hình thù phức tạp, trọng lượng 5,5 tấn (tương đương 5,5 m3) trong đó, đã thu hồi 3,0 tấn, đang tiếp tục thu hồi 2,5 tấn.

Đoàn kiểm tra xác định, khối lượng các cây gỗ bị khai thác trái phép chỉ còn lại gốc chặt bằng phương pháp tính trên cơ sở Tiêu chuẩn Việt Nam, TCVN 13459:2021 là 10,209m. Diện tích rừng nói trên, đã được giao cho 9 hộ gia đình. Qua vết chặt, gốc cây và số củi còn tại rừng xác định thời gian khai thác từ tháng 8/2022 đến tháng 12/2022.

Kết quả về phúc tra và kiểm tra mở rộng, lực lượng chức năng đã kiểm tra 64 lô, 16 khoảnh, 4 tiểu khu; số chủ rừng là 21 hộ gia đình, 4 nhóm hộ (gồm 18 hộ gia đình) và Công ty TNHH MTV Cao su Thanh Hóa; có 332 cây gỗ thông thường thuộc rừng tự nhiên bị khai thác trái phép; trong đó có 73 cây tái sinh trên đất trống và trong rừng trồng; 259 cây tái sinh trong tự nhiên nghèo và trung bình là rừng sản xuất; khối lượng gỗ củi tính theo cơ sở Tiêu chuẩn Việt Nam, TCVN 13459:2021 là 32,90m; số còn tại rừng 2,5 tấn dạng củi (tương đương 2,5m3); số đã thu hồi 4,1 tấn (tương đương 4,1m3).

Trả lời báo chí, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết, đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lang Chánh, Phó Hạt trưởng phụ trách tuyến, địa bàn; Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Yên Thắng, Kiểm lâm viên công tác tại địa bàn xã Yên Thắng trong việc chưa thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo; quản lý địa bàn, phối hợp tuần tra, kiểm tra an ninh rừng để rừng bị khai thác trái pháp luật nhưng phát hiện chậm, xử lý không dứt điểm.

Trần Thắng
.
.
.