Trung tướng, Giáo sư Nguyễn Xuân Yêm người thắp lửa và truyền cảm hứng
- Học viện CSND chung sức “Nâng bước em đến trường”
- Học viện CSND khai giảng hệ đào tạo thạc sĩ năm 2018
- Học viện CSND trao quà cho học sinh vùng mưa lũ
Khi bắt đầu viết những dòng đầu tiên về Trung tướng, Giáo sư Nguyễn Xuân Yêm, nguyên Giám đốc Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND), tôi đã nhớ đến câu nói nổi tiếng của nhà văn Mỹ William Arthur Ward: “…Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”. Để làm được điều đó, người thầy cần một tầm vóc về khoa học uyên thâm, chuẩn mực về đạo đức và có nền tảng của tình yêu thương.
Và tôi nghĩ, Giáo sư Nguyễn Xuân Yêm đã trở thành “người truyền cảm hứng” cho nhiều cán bộ, giảng viên và học viên. Thầy đã khơi dậy trong tập thể nhà trường một ngọn lửa của đam mê công việc và học tập, đưa Học viện CSND trở thành trường đại học được 2 lần đón nhận danh hiệu Anh hùng.
“Học viện CSND là nơi tôi phải đến!”
Giáo sư Nguyễn Xuân Yêm sinh trưởng trong một gia đình nghèo nhưng có truyền thống hiếu học. Bố đẻ thầy là cụ Nguyễn Nho, một cựu thanh niên xung phong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một nhà giáo lão thành được nhiều thế hệ học trò kính trọng của vùng quê nghèo Đồng Thịnh, Sông Lô, Vĩnh Phúc.
Trung tướng Nguyễn Xuân Yêm chúc mừng các cán bộ, giảng viên Học viện CSND được bổ nhiệm |
Năm 1978, thầy Nguyễn Xuân Yêm tốt nghiệp Khoa Địa lý - Địa chất, khoá K19, chuyên ngành Địa hóa của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng rồi duyên phận đã đưa thầy trở thành một sỹ quan Cảnh sát nhân dân. Để giờ đây, ngành Công an có một Trung tướng, Giáo sư, một Giám đốc Học viện CSND - cơ sở giáo dục đào tạo hàng đầu của lực lượng CAND.
Hơn 40 năm công tác trong lực lượng Công an, Giáo sư Nguyễn Xuân Yêm có trên 24 năm đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, trong đó có gần 9 năm đảm nhiệm chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện CSND. Thầy còn là Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng chức danh Giáo sư ngành Khoa học An ninh 2 khóa 2009-2014 và 2014-2019. Năm 1996, khi mới 39 tuổi, thầy đã được phong chức danh Phó Giáo sư. Và chỉ sau 6 năm, thầy vinh dự được Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước xét tặng chức danh Giáo sư, một trong những Giáo sư khoa học xã hội trẻ nhất Việt Nam.
Trước khi về công tác tại Học viện CSND, Giáo sư Nguyễn Xuân Yêm đã trải qua nhiều đơn vị công tác nhưng như thầy nói: “Học viện CSND mới là nơi tôi phải đến”. Năm 2005, Giáo sư Nguyễn Xuân Yêm được lãnh đạo Bộ Công an giao nhiệm vụ về làm Phó Giám đốc Học viện CSND, và sau đó trở thành Giám đốc cơ sở đào tạo này. Ở đó, Giáo sư được phát huy tất cả những năng khiếu, sở trường, kinh nghiệm thực tiễn của bản thân.
Lấp dần những “khoảng trống”
Làm Giám đốc một học viện lớn, vinh dự bao nhiêu Giáo sư Yêm lại lo lắng bấy nhiêu bởi lúc đó Học viện CSND khó khăn bộn bề, gần như chưa “có tên” trong hệ thống các trường đại học danh tiếng của Việt Nam.
Khuôn viên nhà trường quá nhỏ hẹp trong khi số lượng cán bộ, giảng viên, sinh viên rất đông; chỗ làm việc, học tập thiếu trầm trọng, ký túc xá không đủ chỗ cho sinh viên ở. Nhà trường chưa có thư viện theo đúng nghĩa.
Nhưng điều làm Giáo sư lo lắng nhất là đội ngũ giảng viên trình độ cao của Học viện rất thiếu, đặc biệt yếu về năng lực ngoại ngữ. Suốt một thời gian dài, Học viện CSND hầu như “trắng” về hợp tác quốc tế.
“Sẽ bắt đầu từ đâu đây?”, câu hỏi đó khiến Giám đốc Nguyễn Xuân Yêm trăn trở. Với kinh nghiệm thực tiễn và một tầm nhìn xa, Giáo sư đã chọn điểm đột phá đầu tiên là đầu tư cho đội ngũ. Ông quan niệm “muốn có trò giỏi thì phải có những người thầy giỏi”.
Cũng từ đó, một phong trào học tập, nâng cao trình độ, chuẩn hóa các chức danh bắt đầu lan tỏa trong Học viện mạnh mẽ chưa từng có. 100% giáo viên có nhu cầu đi học đều được Ban giám đốc Học viện tạo điều kiện tốt nhất. Cả trường phát triển phong trào học ngoại ngữ buổi tối (hiện giảng viên ở nhiều Khoa của Học viện đã có thể giảng dạy bằng tiếng Anh).
Thầy Xuân Yêm còn quyết liệt trong việc nâng cao tính gương mẫu của người đứng đầu. Thầy luôn động viên cán bộ giảng viên trẻ và vạch cho họ một lộ trình phấn đấu để hoàn thiện các tiêu chí chức danh. Thầy tâm niệm, phải đối xử tốt nhất với đồng chí, đồng đội, với đội ngũ cán bộ trẻ. Sự quan tâm ấm áp, ân tình của thầy đã làm bừng lên khát vọng học tập nghiêm túc của nhiều cán bộ, nghiên cứu sinh...
Dưới sự chỉ đạo, động viên, khích lệ của thầy Xuân Yêm, phong trào nghiên cứu khoa học của nhà trường phát triển vô cùng mạnh mẽ. Học viện đã tổ chức hàng ngàn hội thảo khoa học, thực hiện các đề tài khoa học lớn. Học viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ 4 chương trình lớn mà Chính phủ giao cho Bộ Công an chủ trì.
Thầy đã đưa ra ý tưởng và chỉ đạo các đơn vị trong Học viện, tập hợp trí tuệ của các nhà khoa học trong và ngoài lực lượng cho ra đời các sản phẩm khoa học để đời, là cơ sở lý luận vô cùng quan trọng cho hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Đó là bộ sách Khoa học Công an Việt Nam gồm 8 tập; bộ sách Khoa học trinh sát Việt Nam 3 tập; bộ sách Khoa học hình sự Việt Nam 5 tập; bộ sách Tội phạm học Việt Nam 3 tập, và 5 bộ từ điển chuyên ngành: Từ điển Công an Nga - Việt, Anh - Việt, Việt - Lào, Trung - Việt, Pháp - Việt. Đây là 5 cuốn Từ điển nghiệp vụ đầu tiên được xây dựng trong lực lượng CAND Việt Nam.
Hạnh phúc vô giá của “một đời làm thầy”
Những ai đến Học viện CSND những ngày này đều cảm nhận một sự đổi thay vượt bậc, từ con người đến cơ sở vật chất, điều kiện đảm bảo việc đào tạo chất lượng của nhà trường. Trong nhiều thành quả ấn tượng đó đều mang dấu ấn đậm nét của thầy Nguyễn Xuân Yêm, mang lại một sức sống mới, một tầm vóc mới cho nhà trường.
Giám đốc Học viện CSND Nguyễn Xuân Yêm tặng quà lưu niệm cho ngài Giai-mê Ba-xí-li-ô Mông-tê-rô, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Cộng hoà Mô-dăm-bích |
Học viện CSND cũng là cơ sở duy nhất trong các trường CAND thành lập được Trung tâm huấn luyện thực hành quy mô và hiện đại, để cho giáo viên, sinh viên được “học đi đôi với hành”. Ở đó có máy bay để diễn tập chống khủng bố, có trụ sở Công an phường, có mô hình ngân hàng, có chùa Phật giáo, nhà thờ (để dạy môn Tôn giáo), có khu khám nghiệm hiện trường, có công trình văn hóa, nhà sàn,v.v...
Thầy Xuân Yêm luôn ấp ủ và quyết tâm xây dựng một môi trường giáo dục nhân văn, coi trọng truyền thống, lịch sử. Trong thời gian này, dưới sự chỉ đạo của “thuyền trưởng” Nguyễn Xuân Yêm, hoạt động hợp tác quốc tế của Học viện đã phát triển mạnh.
Chính phủ Nhật Bản đầu tư cho Học viện thực hiện Dự án đào tạo cán bộ cảnh sát giao thông và Chính phủ Hàn Quốc tài trợ cho nhà trường xây dựng thư viện điện tử. Học viện hiện đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với 27 học viện, trường cảnh sát, công an trên thế giới.
Từ năm 2009 đến nay, Học viện có khoảng 5.000 lượt cán bộ, sinh viên đi tham quan, học tập nghiên cứu tại 27 nước và vùng lãnh thổ. Sắp tới, Học viện sẽ liên kết với một tạp chí của Cộng hòa Pháp để phát triển trang thông tin điện tử của trường…
Giờ nhắc đến Học viện CSND là nhắc đến một “cơ sở đào tạo trọng điểm của ngành Công an”. Nhắc đến Học viện CSND là nhắc đến một nhà trường “thông minh” khi đã ứng dụng thành công nhiều công nghệ tuyệt vời vào việc “quản lý, dạy và học”. Còn gì vinh dự tự hào hơn cho tất cả những ai từng được học tập, trưởng thành tại một cơ sở đào tạo 2 lần đón danh hiệu Anh hùng. Đó cũng là hạnh phúc vô giá “một đời làm thầy” của Giáo sư Nguyễn Xuân Yêm.
Khi trò chuyện với tôi, Giáo sư Nguyễn Xuân Yêm đã nhắc tới các bậc “tiền nhân”với sự ngưỡng mộ, lòng biết ơn sâu sắc và chân thành, trong đó có thầy giáo, Đại tá Lê Quân. Thầy Lê Quân cũng là Hiệu trưởng đầu tiên của Trường CSND (tiền thân của Học viện CSND). Giờ thầy đã về nơi thiên cổ, nhưng các thế hệ giảng viên, học viên của nhà trường đều nhớ công ơn thầy đã xả thân lăn lộn trong những năm tháng đất nước chiến tranh gian khổ, để đào tạo được một đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng được yêu cầu đào tạo của ngành và của đất nước. Giáo sư Nguyễn Xuân Yêm tâm niệm: “Tôi luôn biết ơn các thầy Lê Quân, thầy Trần Đức Trường, thầy Trần Ngọc Lương, thầy Đồng Quang Khao, thầy Phạm Minh... Tôi cũng luôn kính trọng các thầy Hiệu trưởng, Giám đốc tiền nhiệm Nguyễn Duy Hùng, Nguyễn Trung Thành và tập thể các thầy, cô đi trước… Tài năng và nhân cách của các thầy đã để lại những dấu ấn và kỷ niệm đẹp trong lòng các thế hệ, cán bộ học viên nhà trường. Những gì chúng tôi tạo dựng được cho nhà trường như ngày hôm nay, cũng là một cách để tri ân sâu sắc công lao của những bậc thầy tiền nhân”. |