Những người đón xuân trên đường cao tốc

Thứ Ba, 05/02/2019, 15:12
Đó là các cán bộ chiến sĩ Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ - Cục Cảnh sát giao thông. Với nhiệm vụ quản lý, tuần tra kiểm soát (TTKS) đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho 7 tuyến cao tốc trên cả nước, mỗi dịp tết đến xuân về, trong khi mọi người được về sum họp đón tết với gia đình thì phần lớn CBCS của phòng vẫn thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên các cung đường.


Trụ sở Tổ TTKS số 1 tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh của Đội TTKS giao thông đường bộ cao tốc số 2 nằm ngay gần trạm soát vé ở đầu Hà Nội. Gọi trụ sở cho… sang chứ đó chỉ là căn phòng chừng hơn chục mét vuông trong khu nhà điều hành và nơi ở cho nhân viên trạm thu phí đường cao tốc của Tổng công ty Vidifi. 

Đại uý Lê Hồng Phong, Đội phó Đội 2 kiêm tổ trưởng bảo rằng vì trụ sở của đội đặt ở đường Hà Huy Tập, quận Long Biên, cách nơi này gần 30km, trong khi anh em lại phải thay nhau tuần tra trên tuyến 24/7, vì vậy Vidifi cho mượn căn phòng này để làm việc và tiếp khách và một phòng nữa làm chỗ nghỉ.
Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT.

Trong câu chuyện với chúng tôi, Đại úy Phong cho biết Đội 2 có hơn 40 CBCS nhưng được giao quản lý 2 tuyến cao tốc là Hà Nội- Thái Nguyên và Hà Nội-Hải Phòng. Từ 1-9-2018 tới nay, khi cao tốc Hải Phòng-Hạ Long thông xe, toàn tuyến Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh dài hơn 130km, để đảm bảo công tác TTKS liên tục, Cục CSGT giao luôn cho đội quản lý tiếp đoạn này, vì thế bây giờ 80% quân số của Đội 2 “rải” trên trên truyến Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh. Đội phải chia thành 3 tổ quản lý theo từng đoạn tuyến: Hà Nội-Hải Dương, Hải Dương-Hải Phòng và Hải Phòng-Hạ Long, mỗi tổ giao cho một chỉ huy đội phụ trách.

Nhưng không chỉ riêng Đội 2 mới phải làm việc trong cảnh ở nhờ như vậy. Trên tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình, Đội TTKS đường bộ cao tốc số 7 cũng đang ở nhờ tại trụ sở nhà điều hành đường cao tốc của Tổng công VEC. Trung tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội phó Đội 7 cho biết do không có trụ sở riêng nên không có nhà bếp mà anh em phải đặt cơm tháng ở bên ngoài.

Dù sinh hoạt trong cảnh như vậy nhưng công việc của các đội tuần tra cao tốc không nhàn chút nào bởi trên các tuyến cao tốc, tình trạng vi phạm TTATGT vẫn còn phổ biến khi xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng.

Nếu như việc TTKS quốc lộ được giao cho Phòng CSGT Công an các địa phương thực hiện, thì với 7 tuyến cao tốc hiện nay đều do lực lượng của Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ - Cục CSGT đảm nhiệm. 

Vì vậy, hơn 130 km tuyến Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh đi qua 67 xã thuộc 14 huyện, thị xã của 5 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh) nhưng đều do hơn 30 CBCS Đ ội 2 quản lý; 79 km tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình đi qua 4 tỉnh, thành (Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình) do 32 CBCS Đội 7 đảm nhiệm. 

Trong câu chuyện với chúng tôi, Đại úy Lê Hồng Phong cho biết đoạn tuyến Hà Nội-Hải Dương do tổ của anh phụ trách dài 50km, tổ chia thành 3 ca tuần lưu liên tục suốt ở cả hai chiều. Đường cao tốc dù đã có từ cách đây cả chục năm nhưng nhiều lái xe vẫn chưa có thói quen đi cao tốc. Đơn giản nhất như việc chạy xe trên đường cao tốc là phải dừng đỗ đúng chỗ quy định, nhưng với nhiều lái xe, cứ thích là dừng mà nhiều khi lý do đơn giản là để… “giải quyết nỗi buồn”, nhưng họ không biết rằng hành động ấy nhiều khi không khác gì tự sát và còn gây nguy hiểm cho người khác. Thậm chí mới đây trên tuyến cao tốc này, một người lái xe con đã dừng xe giữa làn đường cho phép chạy tốc độ 100km/ h để… thay lốp. Đó là chưa kể đủ các loại sự cố, tai nạn khác, bởi các xe lưu thông trên đường cao tốc thường chạy rất nhanh nên nguy cơ xảy ra tai nạn cũng rất cao nếu phương tiện bị trục trặc kỹ thuật.

Ngoài đảm bảo an toàn giao thông, các tổ CSGT trên tuyến còn có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ phòng chống tội phạm từ bắt hàng lậu tới bắt tội phạm ma túy… Chỉ riêng năm 2018, qua công tác TTKS trên 7 tuyến cao tốc, các đội đã phát hiện 7 vụ phạm pháp hình sự, bắt giữ 8 đối tượng; thu giữ 10kg ma túy đá, 1.980,97g ma túy tổng hợp, 2 xe ô tô; 1 súng K54; 2 khẩu súng dạng tự chế; 3,310 kg xương hổ, 2 xe mô tô và nhiều loại hàng hóa khác... Vì thế trong ca trực các anh  phải tuần lưu liên tục để xử lý vi phạm và giải quyết sự cố.

Tổ công tác của Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ số 2 làm nhiệm vụ trên đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng.

Vào cuối tuần hay những dịp lễ tết, lượng phương tiện luôn tăng đột biến nên những ngày ấy tất cả quân số đều phải trực và ra đường làm nhiệm vụ. Đại úy Phong kể rằng có năm dù chỉ cách nhà hai chục cây số nhưng thay vì ở nhà, anh lại đón giao thừa trên đường. Không chỉ riêng anh Phong mà mấy chục anh em ở tuyến này cũng đều đã từng có những cái tết trên đường như thế.

Nhưng, so với Đội 7 thì Đội 2 vẫn còn… nhàn. Đội 7 quản lý tuyến Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình, đây là tuyến đường cửa ngõ phía Nam, đã thế đoạn Pháp Vân-Cầu Giẽ lại vừa khai thác vừa thi công mở rộng nên ngày mưa thì bẩn, ngày nắng bụi mù mịt và cảnh ùn tắc xảy ra hàng ngày, còn vào các dịp lễ tết thì chuyện ùn tắc không chỉ là nỗi ám ảnh của người đi đường mà của cả CSGT. 

Theo Trung tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội phó Đội 7, trước kia tuyến đường này chỉ tắc vào những ngày cuối tuần, dịp lễ tết, nhưng thời gian gần đây do việc thi công nên tắc đường có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Mặt đường hẹp nên chỉ cần có tai nạn, thậm chí một chiếc xe bị hỏng giữa đường thôi là có thể tắc hàng chục cây số. 

Trung tá Thắng từng có một kỷ niệm “nhớ đời” khi có lần nhận thông báo 4 giờ chiều sẽ có đoàn xe đặc biệt đi từ Hà Nội về Hà Nam. Trong khi phương án bảo vệ đã hoàn tất thì bất ngờ một chiếc xe tải bị nổ lốp lật giữa đường. 

“Chỉ hơn chục phút mà làn đường phía từ Hà Nội về Hà Nam đã tắc dài, hôm ấy tôi phải vừa đi vừa chạy suốt 5 cây số vừa chỉ đạo anh em phân luồng, rồi gọi xe cẩu đến cẩu chiếc xe bị lật để giải phóng mặt đường mới kịp để đoàn xe bảo vệ đi qua an toàn”.  

Vì thế vào các dịp lễ tết, ngoài việc tuần lưu, đội cũng phải huy động hết lực lượng ra chốt tại các lối vào cao tốc để ngăn không cho xe máy đi vào cao tốc. Đã có lần tổ công tác 3 người của Trung tá Thắng phải đứng cả buổi ở nút giao Thường Tín để ngăn xe máy, mặc cho nhiều người bức xúc, thậm chí chửi bậy, anh em vẫn phải vừa cương quyết vừa mềm mỏng thuyết phục mọi người quay đầu. 

Anh Thắng kể rằng những chuyến tuần tra ngày cuối năm luôn mang cảm xúc rất đặc biệt, có lần ngày 30 tết khi đi tuần tra, các anh đã phải đứng ra “bảo lãnh” cho một nhóm công nhân được lên xe về quê ở miền Trung chỉ vì tết mà họ không được trả lương nên không có tiền về.

Hỏi  kế hoạch nghỉ tết, anh Thắng cười bảo mọi người được nghỉ tết 9 ngày chứ với anh em ở đội, ưu tiên lắm thì cũng chỉ được nghỉ ngày mùng 1, mùng 2 thôi, sáng mùng 3 là phải có mặt ở đơn vị, nên trong thời gian ít ỏi ấy chỉ ở bên gia đình chứ không đi đâu xa được. Còn Trung tá Nguyễn Huy Hùng, cán bộ Đội 7, thì kể có năm đêm 30 tết anh vẫn đi tuần lưu ngoài đường, trong khi vợ anh là bác sĩ ở Bệnh viện Việt Đức cũng phải đi trực, vậy là đành đưa con về nhờ ông bà trông hộ...

Một cái tết lại sắp về, giữa dòng người hối hả trở về sum họp với gia đình, vẫn còn những người “ăn” tết trên những chiếc xe tuần tra để đảm bảo bình yên cho những cung đường.

Trao đổi với phóng viên chuyên đề Cảnh sát toàn cầu, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, hiện nay điều kiện làm việc của cán bộ, chiến sỹ trên các tuyến đường bộ cao tốc còn nhiều khó khăn, nhất là trụ sở làm việc trên các tuyến cao tốc.

Cục Cảnh sát giao thông đã và đang có những kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền cũng như các chủ đầu tư khi xây dựng đường cao tốc và các tuyến đường khác phải đảm bảo có nơi làm việc cho lực lượng Cảnh sát giao thông gắn với Trung tâm điều hành giao thông tuyến bên cạnh các đơn vị quản lý, khai thác, bảo trì, vì các lực lượng này ở gần đường cao tốc sẽ thuận lợi cho công tác đảm bảo an toàn giao thông và phối hợp giải quyết kịp thời các sự cố xảy ra trên tuyến cao tốc.

Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng trao đổi, năm 2019 lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm với việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, sử dụng các thiết bị kỹ thuật, hệ thống camera để giám sát, ghi hình, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, quản lý công tác bảo đảm TTATGT. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý xử lý các vi phạm qua hình ảnh.

Nguyễn Thiêm - Anh Hiếu
.
.
.