Người đội trưởng “không sợ khó, không ngại khổ”
- Người đội trưởng đánh án ma túy nổi tiếng vùng Tây Bắc
- Người đội trưởng giỏi đánh án
- Người Đội trưởng đánh án giỏi
- Người đội trưởng gắn bó với nhiều chuyên án
Sinh ra trong một gia đình “Cách mạng nòi”, ông nội tham gia chống Pháp và chống Mỹ, cha đi bộ đội và là Chính ủy của một sư đoàn, nên lý tưởng phải góp sức cho dân cho nước luôn cháy mãnh liệt trong con người Lê Đức Túy.
Từ nhỏ, anh đã quen với vất vả do cha ở trong bộ đội, và là anh cả trong 3 anh em trai nên anh phải làm việc cật lực để đỡ đần cho mẹ. Dù vậy, ý chí cầu tiến và ham muốn học hỏi không bao giờ tắt trong anh. Khi đó quê của anh ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa còn khá vất vả, cả xã anh năm đó chỉ có 3 người đi học lên cấp 3, trong đó có anh.
Cha là bộ đội, nhưng Lê Đức Túy lại muốn theo ngành Công an. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông anh đã đăng ký thi vào Đại học Cảnh sát ở Hà Nội. Tuy nhiên, do bị thiếu nửa điểm anh đành tạm gác lại giấc mơ làm một chiến sĩ CAND để theo nghiệp cha, khoác áo lính nhập ngũ vào Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 ở miền Nam.
Đi bộ đội nhưng ước mơ được làm một chiến sĩ CAND vẫn không bao giờ tắt trong Lê Đức Túy. Vì vậy anh đã cố gắng ôn lại kiến thức và sau đó thi đậu vào Trung cấp Cảnh sát Nhân dân 2, TP Hồ Chí Minh. Ra trường, Túy lại quay về Quân đoàn 4, làm ở bộ phận điều tra hình sự của đơn vị. Tuy nhiên, do bộ phận điều tra trong quân đội ít việc, năm 1998 anh xin chuyển về công tác ở Công an quận 12 để có thể đóng góp được nhiều hơn.
Lúc đầu, Lê Đức Túy công tác ở Đội CSĐT Công an quận 12 (6/1998-12/2004), sau đó là Đội CSĐTTP VTTXH (1/2005-12/2006), và Đội CSĐTTPVMT từ tháng 1/2007 đến nay. Gần 20 năm gắn bó với Công quận 12, anh đã lần lượt hoàn thành các “kế hoạch 5 năm” của mình như tiếp tục học lên cao học (hiện anh đã học xong Cao học về tội phạm học và điều tra tội phạm), xây nhà, cưới vợ…
Trong tất cả các lĩnh vực điều tra của ngành Công an, điều tra về tội phạm ma túy được cho là “khó” và “khổ” nhất, bởi tội phạm về ma túy được anh em trong ngành mệnh danh là “tội phạm của tội phạm”.
Vì sau khi trở thành “nô lệ” của ma túy, người ta dễ dàng trở thành tội phạm. Sử dụng ma túy thường dẫn đến hành vi tàng trữ ma túy, sau đó là buôn bán ma túy, rồi trộm cắp, cướp giật và thậm chí là cướp của giết người cũng từ ma túy mà ra. Đặc biệt, các tội phạm về ma túy hầu hết đều có tâm lý “bất cần đời”, nên độ rủi ro của các chiến sĩ CAND về tội phạm loại này khá cao.
Vừa “khổ” vừa “khó”, nhưng anh Lê Đức Túy không bao giờ nản lòng. Thứ nhất vì anh luôn giữ vững lý tưởng, một lòng muốn góp sức xây dựng một xã hội lành mạnh. Thứ hai, vì xuất thân cực khổ từ nhỏ nên anh đã quen với đức tính cần cù chịu khó. “Mình không phải là người tài năng, nên phải cần cù chịu khó để bù lại”, anh Túy khiêm tốn.
Có những hôm anh phải theo dõi tội phạm tới 2-3 giờ sáng mới về nhà. Hoặc có những chuyên án anh cùng đồng đội phải bám địa bàn 2-3 ngày không về nhà. Có lần, vợ anh Túy xót chồng khổ cực quá nên khuyên anh ở nhà theo chị làm ăn.
Tuy nhiên, anh Túy trả lời: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”. Đây cũng là câu anh thường đem ra để tự động viên mình và anh em trong đội. Anh Túy quan niệm, nếu công việc không khó, không khổ thì lãnh đạo đã không cần đến những người cần cù chịu khó như anh và các cán bộ chiến sĩ trong đội.
Nhân nhắc đến vợ, anh Túy cho biết anh có thể toàn tâm toàn ý cho công việc một phần cũng nhờ có sự ủng hộ của chị - là hậu phương vững chắc của anh. Trước đây chị làm cho một công ty, thu nhập khá tốt nhưng không có nhiều thời gian rảnh, mà anh thì lại đi công tác suốt, nên chị đã nghỉ làm ở nhà chăm sóc con cái và gia đình. Sau đó, chị mở công ty riêng để đỡ đần cho chồng về mặt kinh tế, vừa chủ động được thời gian đưa đón con.
Quận 12 giáp ranh với nhiều quận, huyện của TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, lại là địa bàn đang có tốc độ phát triển, đô thị hóa nhanh nên có nhiều dân nhập cư từ nhiều tỉnh, thành khác đến sinh sống, học tập và làm việc; cộng với xu hướng giãn dân từ các quận nội thành ra nên dân số ngày càng đông, thế nhưng cộng đồng dân cư nhiều nơi trên địa bàn lại chưa gắn kết với nhau.
Thêm vào đó, địa bàn quận có nhiều bến bãi xe khách, xe tải hoạt động, nhiều khách sạn, nhà nghỉ, nhà cho thuê giá rẻ, nhiều khu vực công cộng, khu vực giáp ranh với địa bàn khác còn nhiều đất trống, ít dân cư sinh sống và qua lại. Do đó, có rất nhiều đối tượng từ nơi khác đến lợi dụng để ẩn náu và hoạt động tội phạm ma túy.
Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo sáng suốt của lãnh đạo Công an thành phố, sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ huy Công an quận và tinh thần đoàn kết, không sợ khó không ngại khổ, 21 chiến sĩ Đội CSĐTTPVMT Công an quận 12 đã 6 năm liền đạt danh hiệu đơn vị quyết thắng.
Một năm qua, dưới sự dẫn dắt của Trung tá Lê Đức Túy thời gian qua đã lập được nhiều chiến công đáng khen ngợi. Đội đã trực tiếp khám phá 29 vụ, bắt 106 đối tượng mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; đã khởi tố 29 vụ, 46 đối tượng, trong đó chuyển PC47 Công an thành phố 7 vụ, 14 đối tượng; xử lý hình sự 60 con nghiện; khám phá 4 chuyên án (đạt 100% chỉ tiêu đăng ký); khám phá 7 hiềm nghi (đạt 116,66% chỉ tiêu); triệt xóa 18 vụ án ma túy lưu động (vượt chỉ tiêu 3 vụ, đạt 120%).
Ngoài ra, Đội đã phối hợp với các lực lượng khác bắt 12 vụ, 21 đối tượng mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy; khởi tố 11 vụ, 13 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; xử lý hành chính 1 vụ, 8 con nghiện, thu giữ gần 4 kg ma túy… đặc biệt trong đó có tới 1.312,757 gr ma túy chưa xác định được là loại ma túy gì. Điều đó cho thấy các đối tượng đã chuyển hướng hoạt động, thay đổi chất ma túy mà trước đây chúng mua bán, tàng trữ và sử dụng.
Về công tác thu gom và giáo dục người nghiện, từ tháng 12-2014 TP Hồ Chí Minh được phép thí điểm thu gom người nghiện lang thang theo NQ 77 của UBTVQH. Trong năm 2017, Đội đã thu gom được 879 người nghiện lang thang, trong đó đưa đi cai nghiện ở Nhị Xuân 725 người, còn lại 154 người giáo dục tại địa phương.
Ngoài ra, có 273 người nghiện cư trú tại địa phương, đội đã áp dụng NĐ 94 cho cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng, hoặc áp dụng NĐ 111 cho giáo dục tại địa phương, những trường hợp nặng hơn phải chuyển tòa để đưa đi cai nghiện bắt buộc.
Nhờ sự chỉ đạo sáng suốt đồng chí Trưởng Công an và Ban chỉ huy Công an quận, cộng với sự nỗ lực của tập thể cán bộ chiến sĩ Đội CSĐTTPVMT Công an quận, đến nay tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn quận 12 cơ bản được trấn áp, 2 năm qua không còn các hoạt động tội phạm về ma túy công khai. Tội phạm ma túy giảm cũng góp phần giảm tội phạm hình sự. Năm 2016, Công an quận 12 đã nhận được danh hiệu đơn vị Quyết thắng.
Vững tin vào lý tưởng và không sợ khó, không ngại khổ chính là “bí quyết” thành công của Đội trưởng Lê Đức Túy và tập thể cán bộ chiến sĩ Đội CSĐTTPVMT Công an quận 12 thời gian vừa qua.