Nghệ thuật cảm hóa, khai thác phạm nhân của trinh sát trại giam

Thứ Tư, 25/05/2016, 08:04
Với tên giả, tội danh nhẹ hơn… các đối tượng tưởng đã ẩn mình trong vỏ bọc mới, che giấu quá khứ lỗi lầm. Chúng không ngờ, dù đã núp sau vỏ bọc chắc chắn vẫn bị phát hiện chân tướng trước các trinh sát trại giam tinh thông nghiệp vụ.


Lật tẩy kẻ giết người đang "yên vị" trong tù

Đặng Văn Chung (SN 1974), trú ở Yên Sơn, Tuyên Quang thi hành án ở Trại giam Quyết Tiến về tội trộm cắp tài sản. Mặc dù cải tạo ở Trại giam Quyết Tiến trong một khoảng thời gian ngắn nhưng Chung liên tục vi phạm nội quy, thường xuyên có mặt tại phòng kỷ luật về các hành vi chửi bậy, đe dọa và gây gổ với các phạm nhân khác.

Do Chung là đối tượng có 3 tiền án, có nhiều đối tượng để đối phó với cán bộ nên Trung tá Đỗ Văn Nhật, Đội trưởng Đội Trinh sát Trại giam Quyết Tiến đã cùng đồng đội lập kế hoạch giáo dục đối tượng này.

Theo hồ sơ phạm nhân thì Đặng Văn Chung sinh ra trong một gia đình nghèo, có hai anh em trai. Bố mất sớm, Chung thường lêu lổng, công việc chủ yếu là đi xẻ gỗ thuê và đánh bạc. Đầu năm 2008, Chung về quê ăn Tết. Vì mẹ già sống với gia đình anh trai nên Chung cũng qua đây ăn Tết. Dù đi làm ăn xa về nhưng Chung chẳng những không đưa cho anh trai đồng nào mà còn thường xuyên lôi bạn về nhậu, chẳng đỡ đần gì việc thu vén cửa nhà nên chị dâu Chung tỏ thái độ không hài lòng.

Tức chị dâu, Chung bỏ đi, không có tiền nên nảy sinh ý định trộm cắp. Chung chèo thuyền vào nhà anh Bộ ở Ba Xứ, huyện Yên Sơn vì biết ở đây mọi người hay tụ tập đánh bạc, giả như người vào chơi bạc, tăm tia tài sản của những người có mặt. Vì biết Chung cũng máu me cờ bạc, vài lần cũng tới đây sát phạt rồi nên không ai nghi ngờ gì anh ta cả. Chính vì thế nên khi mọi người biết là bị mất trộm thì Chung đã ra khỏi đấy từ lâu rồi.

Cán bộ hướng dẫn phạm nhân tìm hiểu pháp luật.

Tuy nhiên, chỉ mấy ngày sau, qua những thông tin do nhóm người này cung cấp, Chung bị Công an huyện Yên Sơn bắt giữ. Anh ta bị tuyên phạt 30 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản. Tháng 5/2008, Chung về Trại giam Quyết Tiến cải tạo tại phân trại số 2. Trong thời gian cải tạo, Chung liên tục gây ra những vụ đánh chửi nhau với các phạm nhân cùng buồng.

Kinh nghiệm nhiều năm làm trinh sát đã cho Trung tá Đỗ Văn Nhật nhận ra rằng không thể chủ quan với bất cứ một phạm nhân, nhất là những đối tượng có bề dày án tích, đi tù nhiều thì càng phải cảnh giác. Qua việc tiếp xúc, gặp gỡ với các phạm nhân khác, người đội trưởng này nhận được thông tin trước đó, trong thời gian đi xẻ gỗ, Chung từng chém một người dân chỉ vì một xích mích nhỏ. Đặc biệt, trong một lần “dằn mặt” một đối tượng từng là dân “anh chị” mới vào trại, Chung “khoe” từng chém chết người.

Lời nói tưởng như khoác lác đó của Chung đã khiến anh Nhật lưu tâm. Chính vì vậy, sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ, anh Nhật đã lên kế hoạch làm việc với Chung. Sau hơn 20 buổi trò chuyện, Chung đã thấy được tội lỗi của mình, thú nhận chuyện từng gây ra án giết người.

Trung tá Đỗ Văn Nhật cho biết, ban đầu để tạo cảm giác thân mật, anh chỉ hỏi thăm về  gia đình, quá trình cải tạo… xem Chung có thắc mắc gì để cán bộ giải đáp. Sau vài lần tiếp xúc, anh đã nắm được sơ qua tâm tư nguyện vọng của phạm nhân Đặng Văn Chung liền hỏi thêm về quá trình lao động ngoài xã hội. Đương nhiên là Chung tỏ ra vui vẻ trả lời như thể không có gì đáng phải giấu giếm. Anh ta còn bộc bạch cả những bức xúc của mình khi bị vợ chồng anh trai coi thường, coi đó là nguyên nhân khiến mình phạm tội. Trung tá Nhật nghe hết, phân tích hết.

Cho đến một hôm, anh Nhật nhìn thẳng vào mắt Chung rồi hỏi: “Còn điều gì anh vẫn giấu giếm không” thì phạm nhân này bỗng lặng đi giây lát nhưng lấp liếm ngay: “Em không giấu cán bộ điều gì đâu, cán bộ tốt thế, em coi cán bộ như người thân của mình”. “Tôi cũng coi anh như em ruột mình nên mới khuyên anh hãy cởi bỏ những gì đã mắc phải. Còn giấu giếm là còn mắc nợ mà như thế thì lương tâm không bao giờ thanh thản được. Cho anh 3 ngày về suy nghĩ”, anh Nhật nói thế rồi cho Chung về phân trại.

Ba ngày sau, Chung xin gặp cán bộ Nhật. Nhìn đôi mắt trũng sâu, thâm quầng của Chung, anh Nhật khẽ thở phào, nhẹ nhõm. Cuộc gặp hôm đó, Chung đã kể về vụ giết người mà anh ta đã che giấu hơn 20 năm qua. Đó là 1 đêm anh ta chèo thuyền đi chơi, lúc đến xã Xuân Vân thì va chạm với một thuyền chài khác. Bị thanh niên trên chiếc thuyền kia chửi bới, Chung đã lấy con dao có trên thuyền, chém người kia rồi đẩy xác xuống sông sau đó quay về nhà.

Cán bộ trại giam kiểm tra đèn bão phục vụ công tác bảo vệ trại.

Để che giấu tội lỗi, hôm sau Chung đi ăn trộm, cố tình để bị bắt. Ra tù, Chung lại tiếp tục trộm cắp, lại bị bắt. Tưởng rằng quá khứ giết người vĩnh viễn chôn vùi, không ngờ, lòng nhân của cán bộ trinh sát trại giam đã khiến Chung bộc bạch tội lỗi. Với tội ác trên, Đặng Văn Chung được trích xuất về trại tạm giam Công an tỉnh Tuyên Quang để cơ quan chức năng lấy lời khai, bị tuyên án chung thân, sau đó quay lại Trại giam Quyết Tiến thi hành bản án mới.

Dùng tên giả để che giấu tội lỗi gần 30 năm vẫn bị phát hiện

Đó là trường hợp của phạm nhân Lê Hoàng Thọ, (SN 1968), trú ở Long Tân, Nhơn Trạch, Đồng Nai. Thọ phạm tội trộm cắp tài sản, bị bắt ngày 20/7/1989, bị tuyên phạt mức án 2 năm tù giam, thi hành án ở Trại giam A2, Bộ Công an. Dù mức án thấp như vậy, nhưng với bản tính ham ăn chơi, lười lao động, không muốn cải tạo nên Thọ đã tìm cách trốn trại. Theo đó, ngày 26/3/1990, lợi dụng sơ hở của cán bộ quản giáo trong lúc cho các phạm nhân đi lao động bên ngoài, Thọ đã trốn thoát.

Trong suốt nhiều năm liền, Trại giam A2 đã lập nhiều kế hoạch truy bắt Thọ nhưng không thành công, không thể xác minh được đối tượng này “biến” đi đâu. Tại địa phương quê Thọ, không có đối tượng này, cũng không có tung tích gì. Với quyết tâm bắt giữ bằng được đối tượng này, Trại giam A2 đã rà soát, lần tìm mọi đầu mối liên quan đến Thọ, cử 2 cán bộ là đồng chí Huỳnh Trí và đồng chí Trương Minh Điệu đi xác minh tại nhiều địa phương Thọ có thể lẩn trốn như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh…

Cán bộ trinh sát kiểm tra, phòng ngừa phạm nhân cất giấu đồ cấm.

Do đối tượng trốn đã lâu, việc nhận dạng gặp nhiều khó khăn, ảnh cũ của đối tượng chỉ là tấm ảnh đen trắng đã cũ, ngả màu nên đến cả các cán bộ ở địa phương quê Thọ cũng không nhận dạng được đối tượng này. Qua gặp gỡ các bạn tù từng quen biết Thọ, tổ công tác được biết, Thọ là đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự, thuộc loại lưu manh chuyên nghiệp, khi phạm tội đã khai man tên, họ, quan hệ gia đình để che giấu thân phận.

Một lần nữa, tổ công tác đã quay lại quê Thọ xác minh. Được sự giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương trong việc tra cứu các thông tin liên quan. Đến lúc này, lực lượng chức năng đã phát hiện Lê Hoàng Thọ không phải là tên thật của đối tượng. Tên của hắn là Lê Văn Thành. Để che giấu thân phận nên Thành đã lấy họ tên người em con dì ruột của mình. Tuy nhiên, Thành cũng không có ở địa phương, thường xuyên lang thang, không có nơi ở nhất định.

Thông tin hé mở dường như lại vụt tắt, bởi việc truy tìm đối tượng không có manh mối. Lực lượng chức năng lại cùng với Công an xã, Công an huyện “rà” hết các manh mối về Thành cũng như nắm tình hình tại địa bàn, gặp gỡ bà con gần nơi gia đình Thành sinh sống. Từ đó, tổ công tác đã phát hiện đối tượng này từng đi cơ sở giáo dục Huy Khiêm (nay là Trại giam Huy Kiêm) với tên là Lê Văn Thành (thường gọi là Thành xăm). Sau khi đi lao động cải tạo về, Thành “xăm” làm nghề “xăm”.

Thông tin trên đã như “bật” bóng điện cho hành trình truy bắt của anh Điệu và anh Trí. Lập tức, các anh phối hợp với Công an một số địa phường rà soát các đối tượng làm nghề “xăm” trên địa bàn. Từ đó, các anh phát hiện có người tên là Thành, làm nghề “xăm” tại phường Long Bình, TP Biên Hoà, Đồng Nai. Có được thông tin quý giá trên, anh Trí và anh Điệu đã quay ngược lên TP Biên Hoà tiếp tục xác minh.

Công an phường Long Bình đã phối hợp xác minh, phát hiện Thành “xăm” chính là đối tượng quản lí của Công an phường, từng đi cơ sở giáo dục Huy Khiêm. Tổ công tác đã nhờ Công an phường triệu tập đối tượng Thành đến trụ sở làm việc. Qua nhận dạng, tổ công tác xác định Lê Văn Thành chính là đối tượng Lê Hoàng Thọ đã trốn truy nã 26 năm qua.

Nghe cán bộ gọi tên “Lê Hoàng Thọ”, Thành giật mình bối rối nhưng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh “cán bộ nhầm rồi, em là Thành. Các anh Công an phường ở đây biết mà, em tên là Thành”. Anh Trí động viên: “Chúng tôi đã tìm anh nhiều nơi, nhiều năm qua, chúng tôi có đủ chứng cứ xác định anh chính là Lê Hoàng Thọ. Anh nên nhận tội sẽ được hưởng khoan hồng”. Nghe thế, Thành cúi mặt “vâng, em chính là Thọ”. Hắn không ngờ, chuyện tưởng đã đi vào quá khứ, tưởng trải qua bao nhiêu năm rồi mà tội trốn trại của hắn vẫn còn bị lưu giữ, phát hiện.

Phương Thủy
.
.
.