Những người thầy cảm hóa phạm nhân

Thứ Bảy, 13/12/2014, 16:15
Tuy không được đào tạo nghề sư phạm, không có bục giảng như ở các giảng đường... nhưng các “nhà giáo” ở trại giam luôn phải làm việc thật sự như những giáo viên chuyên nghiệp. Cuộc sống và việc làm của họ hằng ngày gắn với những “học trò” đặc biệt. Bởi, tất cả “học trò”ở đây là những đối tượng phạm tội nên không chỉ dạy chữ, dạy nghề, dạy người, dạy lẽ sống ở đời cho các đối tượng học tập, để có điều kiện sửa chữa lỗi lầm mà còn giúp các phạm nhân phải biết vượt qua chính mình, vượt qua được những đau thương, mặc cảm để đứng lên làm lại cuộc đời...

Trung tá Đỗ Hữu Liên, người đã hơn 25 năm làm công tác giáo dục phạm nhân ở Trại giam Gia Trung, Bộ Công an (đóng ở địa bàn Mang Yang, Gia Lai) luôn trăn trở với nghề, làm sao để giáo dục tốt nhất cho từng phạm nhân khi mới bước vào trại. Để có giải pháp giáo dục đúng đối tượng, trước hết phải “giải mã” được những đặc tính của từng phạm nhân. Bởi lẽ thường tình, nếu vẽ lên một trang giấy trắng thì dễ cảm nhận hơn vẽ lên một trang giấy đã chằng chịt những vết bẩn. Với các phạm nhân, tuy mỗi cuộc đời, hoàn cảnh khác nhau nhưng có chung lỗi lầm về những hành vi phạm tội nên không dễ để giáo dục cảm hóa như người bình thường. Vì vậy, công việc hằng ngày của những cán bộ quản giáo là cứu vớt những con người lầm lỗi, giúp họ vươn lên trở thành người tốt, sống có ích cho gia đình và xã hội sau này.

Giáo dục phạm nhân bằng cả lương tâm và trách nhiệm.

Chuyện của phạm nhân Hoàng Quốc Huy ở Ia Grai, Gia Lai, đang cải tạo ở Trại giam Gia Trung vì trước đó đã gây án cướp tài sản của một phụ nữ đi đường. Ngày mới vào trại, Huy có những hành động thô lỗ, lúc thì chán nản bi quan... Qua tìm hiểu kỹ về lai lịch, nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội của đối tượng, các cán bộ làm công tác giáo dục ở Trại giam Gia Trung đã dần thuyết phục và cảm hóa được Huy có nhận thức và hành động đúng.

Thượng úy Phạm Văn Thịnh làm công tác giáo dục cải tạo phạm nhân ở Trại giam Gia Trung hơn 15 năm qua cho biết, mỗi đối tượng vào trại là một số phận, một mảnh đời và tính cách khác nhau. Nhiều trường hợp phạm tội do vô tình hay vì một phút bồng bột, song cũng có không ít đối tượng côn đồ hung hãn, xảo quyệt… Do vậy, chúng tôi phải rất linh hoạt trong giáo dục, cải tạo phạm phân, chủ động tìm hiểu nắm bắt tâm lý của phạm nhân để có biện pháp giáo dục thích hợp. Tuy nhiên, có điều chung là những gì xuất phát từ trái tim yêu thương, chia sẻ đúng cách thì đều sẽ đi đến được với trái tim của những người lầm lỗi.

Chuyện của phạm nhân Nguyễn Văn Thắng lãnh mức án tù chung thân về hành vi giết người, xảy ra vào năm 2007 tại quán karaoke Lối Xưa ở TP Kon Tum là ví dụ điển hình về sự giáo dục, cảm hóa những mảnh đời lầm lỗi trở thành người hướng thiện. Được biết, thời gian đầu vào cải tạo ở Trại giam Gia Trung, Thắng manh động và hầu hết bị xếp loại kém với nhiều lần vi phạm nội quy trại giam. Các cán bộ làm công tác giáo dục ở trại giam đã giám sát chặt chẽ đối tượng để nắm bắt tâm lý và từng bước làm thay đổi thái độ ứng xử của đối tượng trong việc chấp hành nội quy trại. Sau một thời gian, Thắng ăn năn và tự sám hối về hành vi tội lỗi của mình. Thắng xin được đọc sách Kinh Phật, sách hướng thiện sau những giờlao động cải tạo... 

N.Như
.
.