Hà Nội sẽ bao phủ vaccine mũi 2 trong tháng 11
Phát biểu tại ngày làm việc thứ 2, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, dự kiến đến tháng 11, TP sẽ tiêm bao phủ mũi vaccine thứ 2 trên cơ sở vaccine được phân bổ và xúc tiến tìm nguồn vaccine cho trẻ em.
Điểm lại kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh 8 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp, nhưng kinh tế - xã hội của TP vẫn đạt được kết quả tích cực, một số mục tiêu, chỉ tiêu dự kiến đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Theo Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh, quyết định áp dụng giãn cách xã hội trên toàn địa bàn từ ngày 24/7 là một quyết định rất khó khăn, do vậy, vừa triển khai, vừa đánh giá, liên tục điều chỉnh từ thực tế để xây dựng và triển khai một cách chủ động, sáng tạo, linh hoạt các phương án, kịch bản với cấp độ cao hơn để sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống, ưu tiên cao nhất cho việc đảm bảo sức khỏe và đời sống của nhân dân. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, qua 4 đợt giãn cách xã hội, TP đã cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Số ca F0 trung bình trong ngày đã giảm dần qua các đợt giãn cách. Trong đó, số ca F0 trong cộng đồng đã giảm và từng bước được kiểm soát; số điểm phong tỏa giảm mạnh, số "vùng đỏ" giảm, "vùng xanh" tăng…
Đặc biệt, đến cuối tháng 8, Hà Nội mới tiêm được cho hơn 1.973.000 người, đạt tỷ lệ 23,8% dân số. Được sự quan tâm của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, TP đã triển khai thần tốc xét nghiệm diện rộng và tổ chức tiêm chủng cho người dân từ 18 tuổi trở lên một cách an toàn, hiệu quả. Tính đến ngày 20/9, toàn TP đã tiêm được hơn 6,3 triệu mũi cho người dân trên 18 tuổi. Trong đó, tiêm hơn 5,6 triệu mũi 1 (đạt 94,5% dân số trên 18 tuổi, chiếm 68,6% tổng dân số TP) và tiêm hơn 690 nghìn mũi 2 (đạt 11,2% dân số trên 18 tuổi, chiếm 8,4% tổng dân số). Số lượng còn lại chủ yếu là đối tượng không được chỉ định tiêm sau khi khám sàng lọc.
Cũng theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, những thành công bước đầu trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19 là tiền đề để TP triển khai các quyết sách nhằm phục hồi kinh tế, quyết tâm hoàn thành những mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra cho cả năm 2021, góp phần tạo nên những kết quả tích cực về kinh tế - xã hội Thủ đô 8 tháng đầu năm. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý II tăng 6,61%, cao hơn quý I (tăng 5,17%), cao hơn mức trung bình của cả nước (5,64%). Một số chỉ tiêu 8 tháng đầu năm tăng khá, như thu ngân sách đạt 164.483 tỷ đồng, bằng 69,8 % dự toán Trung ương giao, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất công nghiệp tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng 0,77% so với tháng 7...
Đặc biệt, với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau" và phương châm "bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu", Hà Nội đã quan tâm hỗ trợ cho đối tượng gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19. Cụ thể, Hà Nội đã quyết định hỗ trợ gần 1.144 tỷ đồng, trong đó, nguồn từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ các đối tượng quy định tại Nghị quyết 68 của Chính phủ và Nghị quyết 15 của Thường trực HĐND TP là hơn 866 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hóa là hơn 277,7 tỷ đồng đã hỗ trợ cho khoảng 1,918 triệu lao động, người sử dụng lao động, hộ kinh doanh.
Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu tăng trưởng năm 2021, cùng với việc tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế. Đồng thời đề nghị các cấp, các ngành tập trung thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2021. Trước hết, cần xây dựng các kịch bản cụ thể trên cơ sở rà soát khả năng, nguồn lực phát triển từng lĩnh vực; phấn đấu thực hiện thành công "mục tiêu kép", vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
“Hà Nội đặt mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; quyết tâm bảo vệ an toàn cho Thủ đô, bảo đảm ngăn chặn, đẩy lùi, không để dịch bệnh diễn biến phức tạp…”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định.
Dành 650.000 tỷ đồng cho đầu tư công
Cũng trong sáng 23/9, các đại biểu HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của TP. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, TP dự kiến sẽ dành 650.000 tỷ đồng cho đầu tư công. Trên cơ sở tính toán, cân đối ngân sách TP, dự kiến tổng mức vốn trung hạn khoảng 304.779,7 tỷ đồng, trong đó kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp TP là 218.962,7 tỷ đồng và cấp huyện là 85.837 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Hà Nội thực hiện mục tiêu phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông; đầu tư, nâng tỷ lệ quỹ đất cho giao thông đô thị khoảng 12-15% diện tích đất đô thị. Cân đối bố trí vốn 5 năm cho lĩnh vực giao thông gồm 83.337 tỷ đồng để thực hiện 255 dự án. TP dành một khoản kinh phí cho 14 dự án lớn đang đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn hằng năm theo tiến độ thực tế dự án.
Phương án phân bổ ưu tiên đầu tư theo đúng định hướng đầu tư ngành giao thông và mục tiêu phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội như các đường Vành đai 2,5, Vành đai 3, Vành đai 3,5, Vành đai 4…; các cầu lớn qua sông (Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Thượng Cát); các trục hướng tâm, liên kết vùng (quốc lộ 6, nâng cấp quốc lộ 32, quốc lộ 1A cũ, quốc lộ 21B, đường nối từ cao tốc Láng - Hòa Lạc với đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình); các trục chính đô thị thuộc kết cấu hạ tầng khung và các đường tỉnh lộ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch…
N.Y