Công tác vận hành liên hồ chứa cắt giảm lũ trên sông Hương, sông Bồ được tiến hành như thế nào?

Thứ Bảy, 18/11/2023, 16:39

Cơ quan chức năng tính toán, nếu không có hồ Tả Trạch và thủy điện Bình Điền vận hành giảm lũ, mực nước trên sông Hương tại trạm thủy văn Kim Long có thể vượt mức +5,5m, vận hành hồ đã cắt giảm khoảng 1,16m đỉnh lũ sông Hương.

Chiều 18/11, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh về công tác vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương trong đợt mưa lũ từ ngày 13 đến 16/11 vừa qua.

Theo báo cáo này, từ ngày 13 đến 16/11, trên sông Hương mưa tại vùng đồi núi sau hệ thống đập các hồ chứa và vùng đồng bằng đo được từ 489-960mm. Vào lúc 19h ngày 14/11, tổng lưu lượng về hồ Tả Trạch và Bình Điền cùng thời điểm lên đến 8.289m3/s (cao hơn lũ tháng 10/2020 là 6.375m3/s).

Công tác vận hành liên hồ chứa cắt giảm lũ trên sông Hương, sông Bồ như thế nào? -0
Đợt mưa lũ từ 13 đến 16/11 làm khoảng 17.453 nhà dân ở Thừa Thiên Huế bị ngập từ 0,3-1,2m.

Tổng lưu lượng lớn nhất 2 hồ vận hành về hạ du cùng thời điểm 4.505m3/s lúc 21h ngày 14/11, cắt giảm 46% đỉnh lũ (năm 2020 là 4.205m3/s). Tổng lượng nước về 2 hồ Tả Trạch và Bình Điền là 773 triệu m3, tổng lượng nước 2 hồ vận hành giảm lũ cho hạ du là 246 triệu m3, tổng lượng nước về hạ du 527 triệu m3. Mực nước cao nhất trên sông Hương tại trạm thủy văn Kim
Long ở mức +4,34m lúc 17h ngày 15/11 (lũ tháng 10/2020: +4,17m, lũ tháng 11/1999: +5,81m).

Cơ quan chức năng tính toán, nếu không có hồ Tả Trạch và thủy điện Bình Điền vận hành giảm lũ, mực nước trên sông Hương tại trạm thủy văn Kim Long có thể vượt mức +5,5m, vận hành hồ đã cắt giảm khoảng 1,16m đỉnh lũ sông Hương.

Công tác vận hành liên hồ chứa cắt giảm lũ trên sông Hương, sông Bồ như thế nào? -0
Lực lượng Công an tỉnh Thừa Thiên Huế di dời người dân ở vùng ngập lụt nguy hiểm đến nơi an toàn.

Cụ thể, công tác vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương được thực hiện như sau. Vào lúc 7h ngày 13/11, mực nước hồ Tả Trạch về mức +38,78m, mưa bắt đầu xuất hiện trên lưu vực hồ với tổng lượng mưa đo được tại các trạm trong lưu vực hồ Tả Trạch từ ngày 13-16/11 là từ 960-1.132mm/4ngày, đặc biệt trong ngày 14/11 lượng mưa các trạm đo trong lưu vực hồ Tả Trạch từ 658-831mm/24 giờ.

Trong quá trình vận hành cắt giảm lũ, làm chậm lũ cho vùng hạ du hồ Tả Trạch, mực nước từ +38,78m lên +46,19m, tăng 7,41m. Tổng lượng nước đến hồ 472 triệu m3, tổng dung tích hồ cắt lũ cho hạ du khoảng 186 triệu m3, tổng lượng nước vận hành về hạ du 286 triệu m3, cắt giảm 39% tổng lượng nước về hạ du.

Công tác vận hành liên hồ chứa cắt giảm lũ trên sông Hương, sông Bồ như thế nào? -0
Nước lũ dâng cao trong đêm, cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Thừa Thiên Huế giúp dân di dời tài sản tránh lũ.

Lưu lượng về hồ Tả Trạch lớn nhất 4.992m3/s lúc 19h ngày 14/11, lưu lượng vận hành về hạ du lớn nhất 2.300m3/s lúc 24h ngày 14/11, cắt giảm 54% đỉnh lũ. Thời gian lưu lượng về hồ Tả Trạch trên 1.000m3/s duy trì liên tục trong 52 giờ từ 3h ngày 14/11 đến 7h ngày 16/11; thời gian lưu lượng về hồ trên 2.000m3/s duy trì liên tục trong 24 giờ từ 6h ngày 14/11 đến 6h ngày 15/11; thời gian lưu lượng về hồ trên 3.000m3/s duy trì liên tục trong 6 giờ từ 15-21h ngày 14/11.

Lúc 7h ngày 13/11, mực nước hồ Bình Điền về mức +80,16m, mưa bắt đầu xuất hiện trên lưu vực hồ với tổng lượng mưa đo được tại các trạm trong lưu vực hồ Bình Điền từ 13-16/11/2023 từ 645- 1.252mm/4 ngày. Trong quá trình vận hành điều tiết cắt giảm lũ, làm chậm lũ cho vùng hạ du, hồ Bình Điền mực nước từ +80,16m lên +83,87m, tăng 3,71m, tổng lượng nước đến hồ 301 triệu m3, tổng dung tích hồ cắt lũ cho hạ du khoảng 60 triệu m3, tổng lượng nước vận hành về hạ du 241 triệu m3, cắt giảm 20% tổng lượng nước về hạ du.

Công tác vận hành liên hồ chứa cắt giảm lũ trên sông Hương, sông Bồ như thế nào? -0
Nước lũ trên sông Hương dâng cao làm hơn 85% địa bàn TP Huế bị ngập.

Còn lũ trên lưu vực hồ Hương Điền (thượng nguồn sông Bồ) xuất hiện 2 đợt, trong quá trình vận hành cắt giảm lũ, làm chậm lũ cho vùng hạ du mực nước hồ từ +55,08m lên +58,00m, tăng 2,80m, tổng lượng nước đến hồ 527 triệu m3, tổng dung tích hồ cắt lũ cho hạ du khoảng 97 triệu m3, tổng lượng nước vận hành về hạ du 430 triệu m3, cắt giảm 18,4% tổng lượng nước về hạ du.

Ông Đặng Văn Hòa, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, quá trình vận hành liên hồ chứa gặp nhiều khó khăn do độ chính xác của các bản tin dự báo mưa. Đây là khó khăn khách quan chung do tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu và dự báo định lượng mưa cực khó, mưa không đều giữa các khu vực, mưa cực đoan trong thời gian ngắn, mưa cực đoan khu vực hạ du sau đập.

Ngoài ra, việc chấp hành của các chủ hồ chứa trong quá trình vận hành còn có lúc chưa đảm bảo yêu cầu; chưa có thiết bị đo kiểm soát, giám sát lưu lượng vận hành qua tràn.

Công tác vận hành liên hồ chứa cắt giảm lũ trên sông Hương, sông Bồ như thế nào? -0
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Thừa Thiên Huế tìm kiếm nạn nhân mất tích giữa dòng nước lũ.

“Trước diễn biến mưa lũ hết sức phức tạp, mưa cực đoan trong thời gian ngắn ở vùng núi như tại Thượng Quảng thuộc lưu vực hồ Tả Trạch mưa kỷ lục 819mm/17 giờ trong khoảng thời gian từ 1-18h ngày 14/11, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã tổ chức trực ban theo dõi sát diễn biến thời tiết để chủ động xây dựng, điều chỉnh kịch bản vận hành liên hồ chứa, tham mưu kịp thời, qua đó giảm thiểu thiệt hại cho vùng hạ du các sông trước đợt mưa kéo dài liên tục với lượng mưa rất lớn”, ông Đặng Văn Hòa cho hay.

Theo thống kê, đợt mưa lũ vừa qua ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm cho 3 người chết, 2 người bị thương do sạt lở đất. Mưa lũ làm khoảng 17.453 nhà dân bị ngập từ 0,3-1,0m; hơn 85% địa bàn TP Huế ở hạ du sông Hương bị ngập.

Anh Khoa

.
.