Thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ qua công nghệ thông tin

Thứ Sáu, 08/11/2019, 07:18
Ngày 7-11, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban liên Chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) tổ chức Hội thảo về thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ thông qua công nghệ thông tin hướng tới thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững.


Hội thảo là một hoạt động ưu tiên năm 2019 của AICHR, được tổ chức với sự hỗ trợ của Quỹ Hội nhập ASEAN – Nhật Bản (JAIF).

Hội thảo lần này tập hợp các cơ quan chuyên ngành của ASEAN, các tổ chức khu vực và quốc tế, các tổ chức nhân dân liên quan; các học giả, doanh nghiệp, giới trẻ và các chuyên gia trong lĩnh vực để trao đổi về các khuôn khổ hợp tác thúc đẩy bình đẳng giới; những cơ hội, thách thức đến từ việc phát triển công nghệ thông tin trong thời đại số đối với tăng quyền cho phụ nữ.

Đây là lần đầu tiên AICHR khai thác khía cạnh công nghệ thông tin và số hóa trong thúc đẩy và bảo vệ quyền của các nhóm yếu thế như phụ nữ.

Các đại biểu tại buổi hội thảo. Ảnh: TTXVN

Đại sứ, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thái Yên Hương, Đại diện Việt Nam tại AICHR, khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền ASEAN. Đồng thời bà Nguyễn Thái Yên Hương mong muốn Hội thảo sẽ là bước đầu mở ra một diễn đàn trao đổi về các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới thông qua công nghệ thông tin giữa các cơ quan ASEAN, giới học giả, các tổ chức nhân dân, tổ chức quốc tế và các bên liên quan.

Còn Giáo sư, Tiến sĩ Amara Pongsapich, Chủ tịch AICHR 2019, thì cho rằng trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng, việc thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ trong ASEAN sẽ tạo ra nhiều cơ hội để tiếp tục các nỗ lực chung, đóng góp vào việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trong khu vực.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Cố vấn cao cấp Ủy ban Quốc gia về ASEAN 2020, Chủ tịch Danh dự Cộng đồng Phụ nữ ASEAN tại Hà Nội, Đại diện Việt Nam tại Nhóm Phụ nữ ASEAN vì Hòa bình, đánh giá Hội thảo diễn ra đúng thời điểm AICHR kỷ niệm 10 năm thành lập và năm 2020 có ý nghĩa quan trọng trong các nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ ở phạm vi khu vực và toàn cầu.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cũng chia sẻ cách tiếp cận mới về bình đẳng giới trong thời đại số, nhấn mạnh tiềm năng to lớn của ASEAN trong việc tận dụng các thành tựu kinh tế số và đề xuất các khuyến nghị thúc đẩy chương trình nghị sự sáng tạo thúc đẩy bình đẳng giới trong ASEAN.

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, là địa phương năng động bậc nhất Việt Nam, Thành phố Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác bình đẳng giới, điều này được thể hiện qua việc tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV của thành phố nhiệm kỳ 2016-2020 đạt 30%, tăng 3,3% so với nhiệm kỳ 2011-2016.

Số lượng nữ đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay cũng đạt 43%, tăng gấp đôi so với nhiệm kỳ 2011-2016. Tuy nhiên, bà Phan Thị Thắng cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác bình đẳng giới ở một số lĩnh vực, ngành nghề. Đặc biệt, vẫn tồn tại quan niệm cho rằng lĩnh vực công nghệ thông tin chỉ dành riêng cho nam giới.

Trong khi đó, ngành này là công cụ không thể thiếu trong việc phát triển kinh tế - xã hội trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Do đó, trong thời gian tới, thành phố tiếp tục nỗ lực có những biện pháp giảm thiểu tình trạng chênh lệch giới tính quá cao trong lĩnh vực khoa học này.

Hội thảo thúc đẩy bình đẳng giới và tăng quyền cho phụ nữ thông qua công nghệ thông tin diễn ra đến hết ngày 8-11-2019 với 3 phiên thảo luận chính và cuộc tham quan Tập đoàn FPT-Software. Kết thúc Hội thảo, các đại biểu sẽ đề xuất danh mục các khuyến nghị chính sách khai thác công nghệ thông tin trong thời đại số nhằm mục tiêu thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ để các đại diện AICHR tham khảo trong quá trình hoạt động.

Đinh Hằng
.
.
.