Ô nhiễm không khí ở Hà Nội lên ngưỡng cực kỳ có hại cho sức khỏe con người
Trong hai ngày 29-9 và sáng 30-9, theo số liệu của QAir AirVisual, tổ chức tổng hợp lớn nhất về dữ liệu chất lượng không khí, chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí trung bình một ngày) tại mốt số điểm đo ở Hà Nội đã lên ngưỡng tím, ngưỡng cực kỳ có hại cho sức khỏe của con người. Và Hà Nội liên tiếp đứng đầu danh sách thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
- Cây robot lọc ô nhiễm không khí
- Ô nhiễm không khí ở Hà Nội vượt mức cho phép
- Xe máy - 'thủ phạm' chính gây ô nhiễm không khí các đô thị1
Những ngày gần đây, ô nhiễm không khí tại Hà Nội tăng lên mức nghiêm trọng, bụi như lớp sương mù khiến người dân không khỏi lo lắng.
Bụi và ô nhiễm đều vượt ngưỡng an toàn
Theo Qair AirVisual, ngay cả trên ứng dụng Pam Air, tất cả các điểm đo đều vượt ngưỡng an toàn. Một màu đỏ rực và lác đác vài điểm lên ngưỡng tím. Cứ về tối, chất lượng không khí lại càng xuống thấp, gây ngột ngạt cho người dân. Thậm chí, bằng mắt thường, có thể dễ dàng thấy tầm nhìn xa bị chắn bởi những lớp bụi mịn, nhìn thoáng qua giống sương mù.
Tuy nhiên, trong phần thông tin gửi báo chí từ Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội lại đánh giá chưa đến mức độ nghiêm trọng. Theo đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường, tại Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc, ô nhiễm bụi thường tăng cao tập trung vào thời gian mùa đông, đầu xuân và vào những thời điểm chuyển mùa. Đây cũng là hiện tượng thường gặp trong nhiều năm qua.
Và theo số liệu quan trắc của hệ thống trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong những ngày qua, chất lượng không khí của Hà Nội, ở nhiều thời điểm trong ngày, nằm ở mức "Kém", trong đó, chủ yếu là ô nhiễm bụi. “Trên thực tế, nồng độ bụi chỉ tăng cao tức thời ở một vài thời điểm, tuy nhiên, do điều kiện khí tượng không thuận lợi, xuất hiện hiện tượng sương mù bao phủ toàn TP kéo dài liên tục trong nhiều ngày nên bụi không thể thoát lên trên pha loãng và phát thải hoặc bị vận chuyển đi nơi khác mà bị giữ lại tại lớp không khí gần mặt đất nên chất lượng không khí trên toàn TP giảm xuống”, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết.
Theo Airvisual, Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới |
Nguyên nhân tình trạng ô nhiễm được đơn vị này cho rằng chủ quan do TP Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, nhiều công trình đang xây dựng phát sinh bụi. Ngoài ra, mật độ các phương tiện tham gia giao thông lớn, xuất hiện nhiều điểm ùn tắc giao thông, còn tồn tại nhiều các phương tiện cũ, xe chở vật liệu và phế thải không che chắn đúng quy định... cũng khiến tình trạng ô nhiễm không khí tăng cao.
Đánh giá về số liệu quan trắc từ tổ chức Air Visual khi đưa TP Hà Nội lên đầu danh sách ô nhiễm nhất Thế giới, Chi cục Bảo vệ Môi trường cho rằng, Tổ chức Air Visual lấy dữ liệu từ trạm quan trắc đặt tại Đại sứ quán Mỹ (Trạm quan trắc này quan trắc duy nhất chỉ tiêu PM2.5, nằm trên trục giao thông chính, gần ngã 4 Láng Hạ - Đê La Thành và xung quanh đang có các công trình xây dựng với quy mô lớn).
Vì vậy, không thể đại diện cho toàn địa bàn TP Hà Nội, chỉ mang tính đại diện cho duy nhất 1 địa điểm quan trắc. Để biết chính xác chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội, đề nghị tham khảo trên website của UBND Thành phố Hà Nội (http://hanoi.gov.vn) và website của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (http://tnmtnd.hanoi.gov.vn/), website: moitruongthudo.vn.
Cảnh báo nhiều nguy hiểm cho sức khỏe con người
PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp - Tổng thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó giám đốc Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai cho biết, ô nhiễm không khí, hiện tượng mây mù và các chỉ số về ô nhiễm không khí tại Hà Nội trong những ngày qua đã vượt mức cho phép theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đây là điều hết sức lưu ý bởi ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân nói chung, đặc biệt là những người dễ bị cảm thụ, trong đó có người già, phụ nữ có thai, trẻ em và những người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch…
PGS Giáp cho biết, trong các thành phần của không khí ô nhiễm thì các hạt bụi có vai trò quyết định chất lượng không khí. Thông thường các hạt bụi mà chúng ta nhìn thấy hay cảm nhận được là các hạt bụi kích thước lớn. Còn các hạt bụi siêu mịn, kích thước dưới 2,5 micromet thì chúng ta sẽ không cảm nhận được rõ ràng, khi hít vào phổi, chúng sẽ đi theo đường máu đến các cơ quan trong cơ thể và gây ra phản ứng viêm và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau.
Theo WHO, ô nhiễm không khí được coi là kẻ giết người thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí. Tương tự như vậy, tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%. Riêng đối với bệnh lý hô hấp, các đối tượng bị ảnh hưởng sẽ nhiều hơn rất nhiều, ước tính khoảng 43% các trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Người mắc bệnh về hô hấp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính không nên ra ngoài khi không có việc thực sự cần thiết vào thời điểm không khí ô nhiễm nặng |
Do đó WHO đã khuyến cáo nếu chúng ta không có biện pháp để bảo vệ môi trường, giữ cho bầu không khí trong lành, chất lượng không khí tốt thì con người sẽ là đối tượng đầu tiên phải gánh chịu hậu quả và tiếp theo sẽ là thế hệ tương lai của chúng ta.
PGS Giáp đặc biệt lưu ý với những người vốn có bệnh lý về hô hấp, đây là những người sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên và rõ rệt nhất. Người bệnh sẽ thấy khó thở nhiều hơn, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của đợt cấp sẽ xuất hiện. Các nghiên cứu cho thấy ở những thời điểm thời tiết khắc nghiệt hoặc có ô nhiễm không khí cao thì tần suất bệnh nhân nhâp viện do các căn nguyên về hô hấp và tim mạch tăng cao hơn.
“Do vậy bác sĩ khuyến cáo những người đã mắc bệnh về hô hấp không nên ra ngoài khi không có việc thật sự cần thiết trong những thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng" - PGS Giáp nói.
Với các bệnh nhân mắc bệnh hô hấp, ngoài bụi thì khói và các mùi hắc khó chịu cũng là tác nhân gây các đợt cấp cho nên người dân mắc các bệnh hô hấp khi đi ra ngoài nên đeo khẩu trang để tránh khói từ các phương tiện giao thông, bụi từ các công trình xây dựng hoặc các mùi hắc khó chịu, lưu ý phải chọn lựa khẩu trang có thể lọc được bụi mịn (khẩu trang y tế thông thường thì không thể cản được hạt bụi siêu mịn).
Theo PGS Giáp, điều quan trọng là phải giữ cho môi trường trong sạch bằng cách: Trồng thêm cây xanh, không đốt vàng mã, đốt nhang quá nhiều; không đốt rơm rạ ở khu vực ngoại thành; sử dụng nhiên liệu sạch để đun nấu; khi dừng đèn đỏ, hãy tắt các phương tiện giao thông; thấy xe ô tô nào phát thải nhiều khói bụi, công trình xây dựng nào không che chắn kỹ, chúng ta cần lên tiếng nhắc nhở.