Xe máy - 'thủ phạm' chính gây ô nhiễm không khí các đô thị

Thứ Bảy, 22/08/2015, 08:28

Hiện cả nước có khoảng 1,5 triệu ôtô và 38,6 triệu phương tiện xe máy tham gia giao thông. Trong đó, TP Hồ Chí Minh có trên 8 triệu xe máy và TP Hà Nội khoảng 6 triệu xe máy đang lưu thông. Vào giờ cao điểm, tại các ngã tư, nút giao thông lớn, các điểm ùn tắc luôn có hàng trăm phương tiện ôtô, môtô, xe buýt, taxi nổ máy chờ đèn xanh đèn đỏ xả thải khói mù mịt cùng với bụi bặm khiến cho không khí tại những khu vực này trở nên bức bối, khó chịu, nhất là những ngày nắng nóng.

Dự thảo “Chiến lược đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030” được Bộ GTVT công bố đánh giá số xe gắn máy cả nước đến năm 2020 sẽ đạt 36 triệu chiếc. Thực tế, tuy số xe gắn máy trên toàn quốc đã vượt con số 38,6 triệu chiếc, vượt xa dự báo, đang là nguy cơ gia tăng lượng khí thải độc hại ra môi trường tại các đô thị.

Nhiều phương tiện cá nhân không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hành, bảo dưỡng định kỳ, làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường với mức độ độc hại nghiêm trọng. Đặc biệt, nhiều phương tiện giao thông cũ nát, quá hạn sử dụng rất lâu vẫn ngang nhiên tồn tại và tham gia giao thông. Ước tính khoảng 70% khí thải gây ô nhiễm môi trường bắt đầu từ các phương tiện giao thông, từ xe tải, xe ben, xe buýt, xe gắn máy và các loại xe ba bốn bánh, tự chế…

Điều này không chỉ đe dọa đến sự an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí của các đô thị, đe dọa đến sức khỏe và cuộc sống của người dân.

Khí thải từ phương tiện giao thông - “thủ phạm” gây ra ô nhiễm môi trường, không khí các đô thị.

Tại TP Hồ Chí Minh, do nhu cầu mưu sinh, tất bật của người dân lao động mà nhiều phương tiện đã quá cũ kỹ và hết hạn sử dụng đã lâu vẫn được trưng dụng làm xe để chở hàng hóa. Hằng ngày, trên đường phố, người lưu thông kinh hoàng khi gặp những chiếc ba gác, xe ba, bốn bánh, xe tự chế, xe mù, xe máy không có biển số, trơ cả khung sắt xương xẩu với động cơ ngang nhiên lưu thông phun khói đen như nhả đạn vào môi trường.

Mới đây, tại hội thảo về: “Công tác bảo vệ môi trường - ứng phó biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay” do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức, các nhà khoa học đã báo động về tình trạng ô nhiễm không khí, đặc biệt là sự gia tăng nồng độ các chất độc hại trong không khí với những thông số đáng lo ngại. 

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh cho biết: Hiện nồng độ bụi đặc trưng PM10 có nơi đạt tới 80 microgram/m³, trong khi nồng độ cho phép nhỏ hơn con số này nhiều lần. Nồng độ SO2 lên đến 30 microgram/m³, nồng độ benzen có nơi đạt 35 - 40 microgram/m³. Hằng năm, tại Việt Nam, các phương tiện giao thông đã thải ra 6 triệu tấn CO2, 61.000 tấn CO, 35.000 tấn NO2, 12.000 tấn SO2... Nồng độ các chất có hại trong không khí ở các đô thị lớn vượt quá mức cho phép nhiều lần, riêng SO2 cao gấp 2-3 lần.

Từ năm 1995, Việt Nam đã ban hành quy định kiểm soát khí thải ôtô, trong đó ngành GTVT tập trung quản lý mức khí thải của phương tiện ôtô và kiểm soát chất lượng phương tiện đối với xe máy. 

Trên thực tế, hiện nay chỉ kiểm soát được khí thải từ khâu sản xuất, lắp ráp, lưu hành và nhập khẩu đối với ôtô, nhưng chưa có quy định cụ thể về niên hạn, kiểm soát khí thải đối với phương tiện xe máy đang lưu hành. Bộ GTVT đã xây dựng Đề án kiểm soát khí thải xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương. Tuy nhiên, vẫn còn chờ một lộ trình chính thức để thực hiện.

Để giải quyết có hiệu quả vấn đề ô nhiễm không khí do khí thải từ phương tiện giao thông, cần có những chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những phương tiện vi phạm. Bên cạnh đó, cần khuyến khích người tham gia giao thông, sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường.

Hoàng Châu
.
.
.