Khuyến khích xu hướng đầu tư khởi nghiệp

Thứ Bảy, 04/06/2016, 07:07
Hiện nay, có rất nhiều kênh đầu tư đem lại lợi nhuận hấp dẫn thu hút nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, một trong những số đó có xu hướng đầu tư vào các dự án khởi nghiệp bởi sự hấp dẫn trong đầu tư mạo hiểm này có thể kiểm soát được, và nó mang lại những giá trị vô hình và hữu hình khá lớn sau này thông qua những khoản lợi nhuận mang lại và sự thành công của doanh nghiệp (DN) khi đã phát triển lớn mạnh sau giai đoạn khởi nghiệp. 

Theo quy trình trên thế giới, một công ty khởi nghiệp thường có 7 giai đoạn phải trải qua và để có thể đưa công ty này đi vào hoạt động trở thành một DN thực thụ và IPO được trên thị trường thì phải hoàn tất được 7 giai đoạn này.

Trong 7 giai đoạn thì giai đoạn 1 là khó khăn nhất bởi là giai đoạn khởi điểm. “Ở giai đoạn đầu, các nhà đầu tư thường thống nhất không nên lấy nhiều, chỉ lấy 10% cổ phần trở xuống để các bạn khởi nghiệp. Trong giai đoạn sau sẽ lấy 10 – 15% cổ phần. Càng về sau cổ phần càng bị lấy nhiều nhưng lúc đó số tiền đầu tư của bạn đã lớn rồi”, bà Thạch Lê Anh, Giám đốc Sillicon Valley Vietnam cho biết.

Bà Thạch Lê Anh cho biết, hàng năm có khoảng 400 triệu USD cho khởi nghiệp nhưng chỉ có 20 thương vụ được chọn ra để đầu tư, trong đó các dự án chọn được tại Việt Nam hầu như rất ít. Trước đây thường có quan niệm cho rằng Việt Nam bao giờ cũng là điểm tối rất khó chọn ra các dự án để được đầu tư vì các nhà đầu tư thường cho rằng các dự án start up của Việt Nam có chất lượng chưa cao, chưa đủ để thu hút các nhà đầu tư bỏ vốn mạo hiểm vào đầu tư.

Tuy nhiên, sau khi khảo sát tìm hiểu thì quan niệm này là hoàn toàn không đúng. Không nên vơ đũa cả nắm như vậy, ngày càng nhiều dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ Việt Nam cho thấy có chất lượng tốt, ý tưởng rất sáng tạo và có tính khả thi, vì vậy đầu tư vào khởi nghiệp là lĩnh vực ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư.

Lý giải vấn đề này, bà Anh cho rằng, mỗi quỹ đầu tư mạo hiểm có 1 khẩu vị đầu tư khác nhau tùy theo mục đích, có quỹ chỉ đầu tư ở giai đoạn vốn mồi, song có quỹ có thể đầu tư từ 1-10 triệu USD cho cả 7 giai đoạn cho đến khi thành lập được DN và đưa ra IPO trên thị trường. Càng ở giai đoạn đầu thì nên khuyến khích người sáng lập có thể “sống và duy trì phát triển” được, do đó các nhà đầu tư mạo hiểm thống nhất cần có sự hỗ trợ cho người khởi nghiệp để họ có động lực phát triển tiếp, theo đó, tiền đầu tư vào giai đoạn này không quá nhiều mà chủ yếu là hỗ trợ về công nghệ thông tin.

Vốn cấp ban đầu là để chi trả cho nhóm sáng lập để các thành viên không phải đi làm mà có thể tập trung vào dự án của mình. Thường mức đầu tư giai đoạn này ở Mỹ vào khoảng 20-25 nghìn USD/nhóm, còn ở Việt Nam là khoảng 10-15 nghìn USD. Ngoài ra, vốn đầu tư vào giai đoạn đầu này chủ yếu để nhóm khởi nghiệp thử nghiệm thị trường trong vòng 4 tháng để có thể chạy một số quảng cáo, thuê mở rộng mạng lưới, thử nghiệm, hỗ trợ định hình mô hình kinh doanh, lên kế hoạch tài chính, có kỹ năng mềm và hoàn thiện hồ sơ để làm việc với nhà đầu tư.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, đầu tư vào khởi nghiệp tuy là mạo hiểm nhưng rất có tính nhân văn và cần khuyến khích. “Dòng vốn đầu tư vào start up tuy gọi là mạo hiểm nhưng mạo hiểm trong tính toán, không phải liều lĩnh như chơi đa cấp. Trên cơ sở những dự án khởi nghiệp tiềm năng, họ sẽ bỏ tiền chung, tìm những sản phẩm mà mình nghĩ rằng trong tương lại sẽ thành công. Những cổ phần tham gia ban đầu sẽ lấy lại thành gấp nhiều lần sau này”, ông Đông lý giải.

Phan Đức
.
.
.