Hàn Quốc sẽ tiếp nhận 3.500 lao động Việt từ năm 2016

Thứ Ba, 17/05/2016, 21:25
Ngày 17-5 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Bộ Việc làm và Lao động Hàn quốc Lee Ki Kweon đã chính thức ký kết Bản ghi nhớ bình thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS sau 3 năm hạn chế tiếp nhận lao động Việt do tỷ lệ lao động cư trú và làm việc bất hợp pháp cao.

Bản ghi nhớ lần này đánh dấu việc phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc trở lại bình thường. Bản ghi nhớ bao gồm các điều khoản thống nhất chung về cơ quan phái cử và tiếp nhận, quy định về tiêu chuẩn của người dự tuyển, nguyên tắc xác định và thông tin về chi phí phái cử; quy trình phái cử và tiếp nhận.

Đặc biệt, bản ghi nhớ nêu rõ, số lượng lao động Việt Nam được phía Hàn Quốc tiếp nhận hàng năm phụ thuộc vào mức độ giảm tỷ lệ lao động Việt Nam đang cư trú và làm việc không hợp pháp tại Hàn Quốc. Năm 2016, Hàn Quốc tiếp nhận 3.500 lao động sang Hàn Quốc làm việc.

Việc ký kết Bản Ghi nhớ về phái cử và tiếp nhận lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS mở ra cơ hội đối với nhiều lao động Việt Nam có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn quốc, kể cả các lao động cư trú và làm việc không hợp pháp tại Hàn quốc tự nguyện hồi hương.

Sau lễ ký kết, cơ quan chức năng của hai bên sẽ phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Hàn, kiểm tra tay nghề…đối với người lao động có nguyện vọng tham gia chương trình.

Hai Bộ trưởng thống nhất hai bên tiếp tục hợp tác thực hiện các giải pháp giảm tỷ lệ lao động cư trú và làm việc không hợp pháp; Chính thức ký kết Bản ghi nhớ bình thường về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình.

Được biết, trong khuôn khổ chương trình EPS, từ năm 2004 đến nay đã có hơn 75.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc với việc làm và thu nhập ổn định, trung bình từ 1000 đến 1.500 USD/người/tháng. Lao động Việt Nam được người sử dụng lao động Hàn Quốc đánh giá cao về sự chăm chỉ, cần cù, sáng tạo.        

Hải Châu
.
.
.