Gặp nữ chiến sĩ Công an từ chối điều trị ung thư dành sự sống cho con

Thứ Sáu, 15/07/2016, 17:41
Đậu Thị Huyền Trâm – một người mẹ trẻ công tác ở Công an tỉnh Hà Tĩnh đã làm xúc động hàng vạn trái tim khi đánh đổi mạng sống cho đứa con đang lớn dần trong bụng. Em bé buộc phải ra đời sớm khi tính mạng của cả hai mẹ con đang bị đe dọa. Và, sự sống của sinh linh nhỏ bé ấy đã viết lên câu chuyện kỳ diệu về tình mẫu tử thiêng liêng.

Thử thách của số phận

Trong phòng Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện K Trung ương, bà Lan - mẹ Trâm và anh Hà – chồng Trâm thay phiên nhau chăm sóc Trâm. Dù có sự trợ giúp của máy móc nhưng em vẫn thở một cách khó nhọc. Nằm dựa lưng một lúc Trâm kêu mỏi, đòi ngồi dậy. Anh Hà nhẹ nhàng xoa lưng vợ.

Cuối giường, bà mẹ lặng lẽ bóp chân cho con gái mà đôi mắt đỏ hoe. Bà là một người mẹ đã chịu nhiều đau khổ, luôn đồng hành cùng con gái trên mọi chặng. Có lẽ với bà, đây cũng là một trong những thời điểm vô cùng khó khăn của cuộc đời vốn mang nhiều trắc trở.

Đậu Thị Huyền Trâm đang chống chọi với căn bệnh ung thư sau ca phẫu thuật cứu con.

Nghe mẹ Trâm kể về hoàn cảnh gia đình mà chúng tôi không cầm được nước mắt. Chưa đến 60 tuổi, nhưng nhìn bà già hơn nhiều so với tuổi của mình, bởi sự vất vả, lo toan, một mình gánh vác gia đình và nuôi hai đứa con khôn lớn. Chồng bà mất vì ung thư dạ dày khi anh con trai lớn mới 7 tuổi, còn Trâm lúc đó vẫn đỏ hỏn trên tay tròn 3 tháng rưỡi.

Lúc ấy ông đang là Trưởng Công an huyện ẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Thấu hiểu những vất vả của mẹ, hai anh em Trâm đều chăm ngoan, học giỏi. Và cũng vì hoàn cảnh gia đình, nên ngay từ nhỏ, bà đã động viên các con thi vào Công an, nối tiếp truyền thống của người cha giỏi giang nhưng số phận ngắn ngủi.

Trâm thường phải ngồi thở khi quá mệt.

Trâm cũng từng tâm sự rằng, ngay từ nhỏ, em đã mê mẩn với bộ quân phục của bố mà mẹ treo ngay cạnh bàn thờ bố. Trâm luôn ao ước sẽ được vào trường của bố, mặc bộ quân phục của bố. Năm đầu tiên em không thi đỗ Học viện CSND, nhưng năm thứ 2, Trâm quyết tâm vừa học Đại học Vinh, vừa tiếp tục ôn thi vào Học viện CSND.

Nhớ lại quãng thời gian vất vả của cô con gái, mẹ Trâm lại không cầm được nước mắt. Bà bảo, bà thương con đứt ruột, tiếc công con đã bao ngày đêm cố gắng để thực hiện giấc mơ của cả gia đình.

Ngày Trâm đỗ Học viện CSND chuyên ngành giao thông có lẽ là ngày vui, ngày đáng nhớ nhất cuộc đời bà. Ra trường, Trâm về công tác tại Đội nghiên cứu chuyên đề Cảnh sát Phòng tham mưu Công an tỉnh Hà Tĩnh tháng 7-2015.

Tưởng rằng cuộc đời công bằng với bà khi chồng mất sớm nhưng có được hai đứa con ngoan ngoãn, học giỏi, công việc ổn định, con trai sinh năm 1984 nhưng đã giữ chức Trưởng Công an phường 2 năm nay, thì đùng cái Trâm phát hiện bị ung thư.

“Tuần 11 phát hiện hạch ở cổ, em có ra Hà Nội khám nhiều nơi nhưng mãi không phát hiện ra bệnh. Đến khi thai 27 tuần tuổi mới phát hiện ra bị ung thư. Suốt mấy tuần nằm điều trị, lúc nào tôi cũng lo lắng sợ mất cả mẹ cả con”, mẹ Trâm kể trong nước mắt.

Ban ngày, bà ở lại viện trông nom cô con gái, còn tối đến, chị chồng và chồng Trâm thay nhau ở viện. Tối nào bà cũng tranh thủ rẽ lên thăm đứa cháu ngoại bé tẹo nằm trong lồng kính. Bé Trần Gấu tuy còn phải đặt ống thở nhưng hôm nay cũng đã tăng lên 1,5 kg và vẫn đang phải chăm sóc đặc biệt vì nhỏ quá. Bà bảo, có lúc Trâm đau quá đòi tự tử, lúc ấy bà lại nghẹn lòng. Giờ bé Trần Gấu đã ra đời, bà hi vọng việc chữa trị cho Trâm sẽ tiến triển.

Những trái tim kết nối trái tim

Chúng tôi vào Bệnh viện K tìm gặp Trâm và vô tình được tiếp xúc những người chẳng hề quen biết nhưng gặp nhau ở cùng một điểm hẹn là trái tim. Một phụ nữ là giảng viên trường đại học giấu tên tìm đến Bệnh viện K trong buổi chiều hè hoi bức ngày 15-7.

Nói chuyện với anh Hà - chồng Trâm, chị hỏi chi tiết tình trạng của Trâm và bé Gấu. Chị chuyển cho anh một khoản tiền của mình và của người bạn gửi chia sẻ khó khăn chi phí điều trị.

Bà Lan luôn tay xoa bóp chân cho con gái.

Khi biết Trâm đang nằm ở khu đặc biệt, nghĩ rằng sẽ khó được vào thăm Trâm, chị bảo: “Anh ôm Trâm một cái hộ tôi nhé!” – rồi chị nghẹn ngào không nói tiếp được. Tôi hiểu phần nào tâm trạng của chị, cảm xúc đang dâng trào trong chị là sự khâm phục nghị lực người mẹ trẻ, là sự xót xa cho số phận của người cùng giới nữ, là sự cảm thông sâu sắc với nỗi đau mà Trâm và gia đình đang trải qua.

Cảm động trước tấm lòng của người phụ nữ mới quen, anh Hà dẫn chị vào tận giường vợ. Chị cầm tay Trâm, rưng rưng nước mắt mà chỉ thì thào được câu: “Cố lên em nhé!”. Trâm gật chớp chớp mắt, gật đầu nhẹ trong sự xúc động của những người xung quanh.

Vợ chồng Trâm mới bắt đầu cuộc sống gia đình từ tháng 1-2016. Cả hai cùng rất trẻ, họ gặp nhau khi cùng nhận công tác tại Công an tỉnh Hà Tĩnh. Hà bảo tôi: “Chị đừng kêu gọi ủng hộ trên Báo nhé. Bọn em đều cùng trong ngành mà!”.

Tôi hiểu sự tế nhị của Hà, nhưng cũng hiểu sự khó khăn, vất vả trước mắt mà vợ chồng anh và cả bé Trần Gấu phải đối mặt. Vậy nên, khi biết thông tin về mẹ con bé Gấu, một số bạn đọc đã đến tòa soạn Báo gửi tiền giúp đỡ, chúng tôi đều nhận và sẽ chuyển đến cho mẹ con Trâm.

Dù biết cuộc đấu tranh sinh tồn của mẹ con Trâm còn gian nan lắm, nhưng tôi tin rằng, cuộc đời này sẽ không lấy mất đi của Trâm quá nhiều. Bên Trâm có gia đình, có những trái tim biết đồng cảm, sẻ chia nỗi đau. Bất giác tôi nhớ đến câu nói của một người chồng có vợ mắc bệnh ung thư đã tác động mạnh đến dư luận cách đây hơn 10 năm: “Ở đâu có sự sống, nơi đó còn hy vọng”.

Trâm đã làm được một điều tuyệt vời nhất với thiên chức người mẹ, chị đã tạo thêm một cuộc đời, thêm một sự sống. Bởi thế, chị đã làm nên hy vọng. Gia đình chị và những trái tim tràn đầy yêu thương có quyền hy vọng về tương lai của bé Gấu, về những điều tốt đẹp mà người mẹ trẻ đã cố gắng dành sự sống cho con.

Mọi giúp đỡ mẹ con chị Đậu Thị Huyền Trâm xin gửi về Quỹ Xã hội từ thiện, Báo CAND, số 92 Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; điện thoại: 04.39420595; hoặc qua tài khoản của Báo CAND: 0021000019774, Ngân hàng Ngoại thương Hà Nội.

Việt Hà – Ngọc Trâm
.
.
.