Những chiêu trò của “ma men” chống đối CSGT

Thứ Ba, 09/07/2019, 10:17

Không chịu thổi vào máy đo nồng độ cồn, chê vòi thổi ngắn, không ký vào biên bản xử phạt hoặc năn nỉ “xin tha”; nhưng khi “xin tha” không được đã quay ra chửi bới, chống đối… Đó là những chiêu trò của "ma men” đối phó với CSGT, cần được xử lí nghiêm.


Sau liên tiếp những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra thời gian gần đây trên địa bản tỉnh Đắk Lắk mà nguyên nhân chính liên quan đến tình trạng tài xế sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Đắk Lắk đã triển khai các kế hoạch tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm về nồng độ cồn.

Lực lượng CSGT tiến hành đo nồng độ cồn một “ma men” vi phạm

Thực hiện kế hoạch trên, tối 8-7, phóng viên Báo CAND đã theo chân các CBCS Phòng CSGT Công an tỉnh Đắk Lắk làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, xử lý nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột. Chỉ trong vòng hơn một giờ, tổ công tác đã kiểm tra nồng độ cồn và xử lý hơn 10 trường hợp. Trong đó có 8 trường hợp tài xế đã sử dụng rượu bia nhưng vẫn lưu thông ra đường.

Khi bị CSGT dừng xe kiểm tra, anh Trần Duy Khoa (trú ở thôn 1, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột) thừa nhận vừa đi liên hoan có uống vài cốc bia trước khi lái xe về nhà. Mức đo nồng độ cồn của tài xế này sau khi sử dụng máy cho ra kết quả đã vượt mức quy định từ 0.25 đến 0.40 miligam/1 lít khí thở. Được tổ công tác giải thích, tài xế này đã nhận ra được lỗi vi phạm của mình và tiến hành ký vào biên bản.

Và tiến hành giải thích, tuyên truyền đến người vi phạm về những tác hại của việc uống rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông

Tuy nhiên, khoảng 15 phút sau, tại ngã tư giao nhau giữa đường Lý Thái Tổ và Giải phóng, tổ công tác ra hiệu lệnh dừng xe máy nhãn hiệu Wave mang BKS 47B2-007.94. Người đàn ông điều khiển xe loạng choạng bước xuống, miệng nồng nặc men rượu. Khi được lực lượng CSGT thông báo kế hoạch kiểm tra nồng độ cồn và yêu cầu người điều khiển phương tiện phối hợp đo nồng độ cồn, thay vì chấp hành, người điều khiển này không chỉ không chịu thổi vào máy đo mà còn lớn tiếng chửi bới, văng tục. Sau 20 phút giải thích và thuyết phục, người này vẫn không chịu hợp tác nên tổ công tác buộc phải đưa phương tiện về trụ sở để xử lý.

Khoảng 15 phút sau, người này được người nhà chở đến trụ sở Công an để làm việc. Sau khi được giải thích, tuyên truyền, người điều khiển xuất trình CMND là Nguyễn Công Khôi (trú tại đường Hà Huy Tập, TP Buôn Ma Thuột). Tuy nhiên, người này vẫn không chịu thổi vào máy đo nồng độ cồn. Đến khi CSGT thông báo, nếu Khôi không phối hợp sẽ tiến hành lập biên bản, lúc bấy giờ người này mới chịu thổi lâu hơn và cho kết quả 0,440 miligam/1lít khí thở.

Đại uý Hà Cao Hoàng, cán bộ xử lý Phòng CSGT thông báo cho tài xế biết, với vi phạm nồng độ cồn vi phạm 0,440 miligam/1lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 3-4 triệu đồng, đồng thời áp dụng hình thức xử lý bổ sung, tạm giữ xe 7 ngày và tước GPLX 3-5 tháng theo quy định của Nghị định số 46/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt. Cũng trong tối 8-7, hàng chục trường hợp khác đã bị xử phạt vì có hành vi đã sử dụng rượu bia trước đó nhưng vẫn lái xe ra đường.

Chia sẻ khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đại uý Hà Cao Hoàng cho biết, việc người dân sử dụng bia rượu rồi tham gia giao thông có nhiều mức độ, tuỳ theo quy định mà xử phạt. Tuy nhiên, về căn cơ giải pháp an toàn nhất vẫn phải đến từ ý thức của người dân, khi đã uống bia rượu tốt nhất không nên trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông. Bởi một khi trong người đã có cồn, con người sẽ ít nhiều mất bình tĩnh để xử lý các tình huống xảy ra trên đường. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn thương tâm.

Một trường hợp say xỉn tìm cách chống đối lực lượng CSGT khi được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn

“Cùng với đó, quá trình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch kiểm tra, các tổ công tác của lực lượng CSGT tỉnh Đắk Lắk vẫn còn gặp không ít trường hợp quá say xỉn hoặc vì bất mãn... đã tỏ thái độ chống đối, thách thức lực lượng chức năng làm cho việc xử phạt mất rất nhiều thời gian. Đối với những trường hợp như vậy, chúng tôi vẫn phải kiên trì giải thích cho người vi phạm hiểu rõ cái sai nhưng sẽ có biện pháp cứng rắn nếu cần thiết”, Đại uý Hoàng cho biết thêm.

Trao đổi với phóng viên, Trung tá Nguyễn Quang Vịnh, Trưởng Phòng CSGT Công an Đắk Lắk cho biết, nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi vi phạm của người điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy, nồng độ cồn và các hành vi vi phạm khác, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông… Vừa qua, Công an tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch số 139/KH-CAT-PC08 về công tác tuần tra kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn.

Theo đó, từ ngày 20-5 đến 20-12-2019, lực lượng CSGT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan mở đợt tuyên truyền rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, nội dung của kế hoạch này đến mọi tầng lớp nhân dân, lên án hành vi sử dụng chất ma túy, tác hại của việc sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện; vận động các đơn vị kinh doanh vận tải và nhân dân phát hiện những lái xe có liên quan đến sử dụng chất ma túy cung cấp cho Công an để kiểm tra, xử lý kịp thời. “Về công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng CSGT sẽ huy động tổ công tác đủ mạnh, trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật đầy đủ để thực hiện kế hoạch này. Các trường hợp vi phạm về sử dụng chất ma túy, nồng độ cồn có hành vi chống đối sẽ được thống kê, lập danh sách gửi về cơ quan, tổ chức, UBND cấp xã để có biện pháp quản lý, xử lý, theo dõi…”, Trung tá Vịnh nhấn mạnh.


Văn Thành
.
.
.