Các tổ chức xã hội tích cực tham gia thực hiện quyền trẻ em
Theo bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em – Bình đẳng giới thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, cán bộ ở cơ sở chủ yếu kiêm nhiệm công tác bảo vệ quyền trẻ em, trong khi đó còn phải thực hiện rất nhiều việc khác nên mới chủ yếu quan tâm phòng ngừa tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước ở trẻ em. Do đó, để làm tốt công tác bảo vệ quyền trẻ em, không cần Nhà nước ban hành thêm văn bản, vì đã có nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện quyền trẻ em rồi, mà bây giờ chỉ cần cán bộ thực hiện, cán bộ chuyên trách có tâm làm tốt những văn bản chỉ đạo đang có.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội bảo vệ Quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh cho rằng, cơ quan Nhà nước nên tập trung vào công tác quản lý mà hãy tạo điều kiện để những tổ chức xã hội tự nguyện làm công tác chăm lo những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nếu cơ sở nào vi phạm thì xử lý.
Trẻ em được chăm sóc và học tập ở một mái ấm tại quận Tân Phú. |
Việc bảo vệ và chăm sóc trẻ em, nhất là trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, dễ bị tổn thương cần phải có được sự quan tâm đặc biệt với phương châm “đầu tư và quan tâm tới trẻ em là đầu tư và quan tâm tới thế hệ tương lai mai sau của đất nước”.
Xã hội hoá công tác thực hiện quyền trẻ em có thể được hiểu là sự vận động và kêu gọi sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân, của toàn xã hội nhằm thực hiện quyền của trẻ em; mở rộng sự tham gia của các chủ thể xã hội với nhiều phương thức để vừa phát huy tiềm năng trí tuệ, vật chất của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cho trẻ em, tạo điều kiện mở rộng đối tượng thụ hưởng dịch vụ, đặc biệt là trẻ em nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Tại TP Hồ Chí Minh, mặc dù chưa có thống kê đầy đủ có bao nhiêu tổ chức xã hội ngoài công lập đã và đang tham gia vào các hoạt động bảo vệ quyền trẻ em, nhưng có thể không khó để nhận thấy trên thực tế, cấp nào cũng có sự tham gia và hỗ trợ của các tổ chức xã hội ngoài công lập. Từ bảo trợ, nuôi dưỡng trẻ em; tư vấn, tham vấn, kết nối cung cấp dịch vụ trợ giúp trẻ em; giáo dục kỹ năng sống; các lớp học tình thương; các dự án, chương trình đồng hành; các điểm tư vấn cộng đồng, trường học; các mô hình công tác xã hội trong bệnh viện, trong trường học… Trong các mô hình đó, có sự tham gia trực tiếp của các cá nhân, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước với quy mô và tính chất hoạt động hết sức đa dạng và phong phú, hoàn toàn theo hình thức xã hội hóa.
Hoạt động của các tổ chức xã hội, trong thời gian qua, nổi lên vai trò cung cấp dịch vụ hỗ trợ đối với các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, thông qua việc kết nối, vận động nguồn lực để cùng với thành phố triển khai các mô hình như: Quản lý ca, quản lý trường hợp; hỗ trợ tâm lý xã hội cho các nhóm trẻ em dễ bị tổn thương; hỗ trợ và cung cấp các dịch vụ như bảo hiểm y tế, học bổng, dinh dưỡng, phương tiện và dụng cụ học tập... đã và đang được thể hiện khá rõ nét.
Tuy nhiên, một thực tế hiện nay không thể phủ nhận là mặc dù hệ thống bảo vệ trẻ em và các dịch vụ khác từng bước nâng cao chất lượng, tăng cường về số lượng và đa dạng về loại hình nhưng hệ thống dịch vụ còn chưa đầy đủ, cấu trúc hệ thống dịch vụ còn thiếu tính đồng bộ, thiếu thống nhất, chưa có sự quản lý và giám sát chặt chẽ; việc củng cố hệ thống cung cấp dịch vụ ở cơ sở chưa thực sự có nhiều sự đổi mới, dẫn đến việc cung cấp các dịch vụ bảo vệ trẻ em chưa đến được gia đình, cộng đồng dân cư, trường học và chưa liên tục; đặc biệt là việc cung cấp các dịch vụ mang tính chất phòng ngừa để tạo dựng một môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em.
Theo PGS. TS. Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Viện SocialLife), qua khảo sát vai trò và tiềm năng của các tổ chức xã hội trong hoạt động thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em, trong 43 cơ sở dân lập được khảo sát, có 21 cơ sở thâm niên trên 20 năm (chiến 48,8%) hoạt động dịch vụ chăm sóc và bảo vệ trẻ em; các tổ chức có số năm hoạt động từ 10 năm trở lên chiếm 69,7%. Tuy nhiên, có hai khó khăn chủ yếu mà 74% cơ sở ngoài công lập gặp phải là nguồn tài chính hoạt động và cơ sở vật chất để phục vụ công tác chăm sóc trẻ em, đây cũng là những khó khăn mà các cơ sở của Nhà nước gặp phải. Tuy nhiên, nhiều cơ sở ngoài công lập vẫn tồn tại và phát triển trên 20 năm, điều này cho thấy khả năng sinh tồn và thích ứng, phát triển rất tốt của các cơ sở.
“Qua khảo sát tại các tổ chức xã hội tham gia chăm sóc và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, chúng tôi thấy có những người họ xác định làm công tác chăm sóc trẻ em là việc làm mà họ sẽ dành cả đời để làm, họ coi đây là bổn phận, trách nhiệm phải làm. Do đó, họ toàn tâm toàn ý để chăm sóc, bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất”, PGS. TS. Nguyễn Đức Lộc cho biết.
Bà Lesley, Phó Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (Unicef) tại Việt Nam cho rằng chương trình hành động quốc gia vì trẻ em của TP Hồ Chí Minh là một phần rất quan trọng trong chương trình hợp tác với Unicef và chính quyền thành phố với tên gọi “Sáng kiến thành phố thân thiện với trẻ em”. Trong đó, chúng ta làm sao có thể huy động tham gia của toàn xã hội lắng nghe tiếng nói của trẻ em để hiểu rõ hơn các vấn đề các em gặp phải. Vì vậy, vai trò của các tổ chức xã hội là rất quan trọng trong việc triển khai thực hiện chính sách đối với quyền trẻ em.