Mô hình một cửa về bảo vệ quyền trẻ em

Thứ Ba, 21/07/2020, 19:42
Ngày 21/7, tại TP Hồ Chí Minh, Tổ chức cứu trợ trẻ em phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố cùng các đơn vị chức năng tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả đánh giá cuối kỳ và nhân rộng mô hình dự án “Trường học thân thiện và bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương” tại TP Hồ Chí Minh.

Dự án trường học thân thiện và bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương giai đoạn 2 tại TP Hồ Chí Minh do IKEA tài trợ  và Tổ chức cứu trợ trẻ em  (SC)  hợp tác cùng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh thực hiện từ tháng 9/2016 đến hết tháng 9/2020.

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo

Dự án nhằm bảo đảm trẻ em nhập cư vào các nhóm trẻ dễ bị tổn thương tiếp cận được bảo vệ và được tiếp cận với nền giáo dục có chất lượng thông qua việc xây dựng năng lực cho nhà trường và cộng đồng để có thể cung cấp cho các em môi trường học chất lượng an toàn phi bạo lực; đồng thời tăng cường hiệu quả hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng cũng như trong nhà trường.

Đại diện đơn vị chức năng của Công an TP Hồ Chí Minh dự  hội thảo

Dự án được thực hiện tại 50 trường Tiểu học và Trung học cơ sở thuộc 24 xã ở 4 quận, huyện của TP Hồ Chí Minh: Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp và Củ Chi.

Kết quả, các can thiệp của dự án đã giúp cải thiện chất lượng môi trường trường học, tăng khả năng tiếp cận giáo dục có chất lượng của trẻ nhập cư và trẻ dễ bị tổn thương khác; có sự cải thiện rõ rệt về thái độ và hành vi của giáo viên trong việc đảm bảo môi trường học tập có chất lượng, học sinh đóng vai trò tích cực hơn trong các hoạt động học tập và quá trình ra quyết định tại trường học; tình trạng trừng phạt thân thể và tinh thần học sinh đã giảm đáng kể. Tại các trường học tham gia dự án, học sinh tích cực tham gia thúc đẩy thực hiện quyền của các em; mạng lưới bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng tại địa bàn có dự án đã hiệu quả hơn trong vai trò giám sát và thúc đẩy quyền trẻ em nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng giữa các bên. Việc hợp tác giữa nhà trường và cộng đồng được tăng cường thông qua các cuộc họp định kỳ để cập nhật tình hình và trao đổi kế hoạch tiếp theo. Các nhóm học sinh nòng cốt hoạt động rất hiệu quả trong nhà trường và đóng vai trò cầu nối giữa học sinh và ban giám hiệu; đồng thời tổ chức các hoạt động tham vấn hoặc giám sát các khía cạnh khác nhau, bao gồm việc xây dựng, sửa đổi nội quy của trường, việc tổ chức hoạt động ngoại khóa... Nhiều giáo viên cũng đã thay đổi phương pháp dạy học sinh từ nghiêm khắc trừng phạt chuyển sang giáo dục thân thiện, phát huy khả năng, thế mạnh của mỗi học sinh.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng giáo dục cần phát huy những tiềm năng sẵn có của các em

Tại hội thảo, một số đại biểu cho rằng, nhiều phụ huynh vẫn còn bạo lực đối với con cái nên dẫn đến việc có học sinh tự tử hoặc bị trầm cảm… Do đó, các đại biểu đề nghị dự án cần mở rộng để góp phần làm thay đổi cách giáo dục của phụ huynh đối với con cái và giáo viên đối với học sinh một cách thân thiện, khích lệ tinh thần để trẻ phát huy khả năng không để xảy ra điều đáng tiếc.

Đội học sinh nòng cốt của trường học tham gia tuyên truyền quyền trẻ em

Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc Trẻ em – Bình đẳng giới thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho rằng dự án đã đem lại kết quả cao, góp phần rất lớn trong việc thay đổi nhận thức về mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh và giữa cha mẹ với con cái tại những địa bàn mà dự án thực hiện. Bà Thanh cũng cho biết, trên địa bàn thành phố có nhiều trung tâm tâm pháp lý hỗ trợ trẻ em, nhưng mạnh ai người nấy làm, chưa kết nối được các trung tâm này lại với nhau để cùng hỗ trợ trẻ em. Thành phố mong muốn xây dựng mô hình một cửa để khi phụ huynh cần sự hỗ trợ về bảo vệ quyền trẻ em thì chỉ cần đến một nơi để phản ánh sự việc và nơi này sẽ thực hiện các vấn đề còn lại. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có gắng đề xuất thành phố xây dựng mô hình này tập trung về một mối để vấn đề bảo vệ quyền trẻ em được thực hiện tốt nhất”, bà Thanh chia sẻ.

Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc Trẻ em – Bình đẳng giới mong muốn xây dựng được Mô hình một cửa về bảo vệ quyền trẻ em

Phát biểu tại hổi thảo, ông Đặng Hoàng Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết Luật Trẻ em được coi là luật tiến bộ nhưng hiện nay để trẻ có quyền tham gia các quyết định thì chưa có. Hầu như trẻ em chưa được tham gia các quyết định chính đáng của các em, chính vì vậy Luật cũng cần phải thông qua các dự án, các hoạt động xã hội để làm thay đổi nhận thức về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa học sinh và thầy cô giáo, về các quyền của trẻ em để làm sao sao phát huy mặt tích cực, tạo ra một môi trường không có bạo lực trẻ em. Ông Nam cũng cho rằng cần xây dựng một nền giáo dục phát huy những tiềm năng sẵn có của các em, cha mẹ không nên quyết định tất cả mọi việc của trẻ. Chẳng hạn, trẻ có thể mạnh về óng đá mà che mẹ bắt đi học nghề khác thì không phát huy được sở trường của các em và có thể mất đi một nhân tài trong lĩnh vực đó.

Đội học sinh nòng cốt của trường học rất tích cực tuyên tuyền về quyền trẻ em

Cô Lâm Minh Trang, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi (quận Gò Vấp) phát biểu, từ khi là giáo viên cho đến khi làm quản lý, cô rất nghiêm khắc với học sinh. Nhưng đây là thất bại của cô, chính vì vậy, từ khi dự án được thực hiện tại trường, cô đã có sự thay đổi về nhận thức bằng cách xây dựng môi trường thân thiện giữa giáo viên và học sinh, hiệu quả đã cho thấy rất rõ. “Người lớn tổn thương sẽ làm trẻ tổn thương, do đó cần thay đổi suy nghĩ và hành vi của người lớn một cách tích cực thì mới tốt cho trẻ. Nếu không làm tận gốc thì khi xảy ra vụ xâm hại hay bạo lực trẻ mới nhốn nháo lên”, cô Trang chia sẻ.

Cô Lâm Minh Trang, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi cho rằng cách giáo dục "trừng phạt" học sinh là sai lầm mà cần thân thiện với các em

Đại diện Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế - bà Dragana Strinic cho rằng dự án sẽ hữu ích cho nhiều trường hợp của cộng đồng khác trên địa bàn thành phố trong nỗ lực xây dựng một môi trường học không có bạo lực và một hệ thống bảo vệ trẻ em toàn diện tại các cấp.

Đại diện Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế - bà Dragana Strinic phát biểu

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết dự án đã góp phần xây dựng thành công môi trường giáo dục thân thiện, bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực, lạm dụng và phân biệt đối xử; đồng thời gia tăng cơ hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nhập cư được tiếp cận với các dịch vụ an sinh xã hội cơ bản; đã đem đến một cách tiếp cận mới làm thay đổi quan điểm áp đặt của cha mẹ và giáo viên đối với trẻ em bằng phương pháp đối thoại công bằng, cởi mở, thân thiện và khách quan trong mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên, học sinh và học sinh, cha mẹ của con cái. Điều quan trọng, sự thay đổi đáng ghi nhận của những giáo viên trước đây chỉ áp dụng hình thức kỷ luật “tuân lệnh” mang tính bạo hành với học sinh, nay tham gia dự án đã tự thấy phương pháp giáo dục chưa chuẩn nên tự nguyện áp dụng theo phương pháp mới, đem lại niềm vui cho bản thân, giáo viên và học sinh.

Học sinh xúc động khi tham gia hoạt động gửi thư khen đến một trẻ em ấn tượng nhất để động viên
“Nhìn thấy hiệu quả và ý nghĩa nhân văn từ mô hình dự án đem lại, ngay trong quá trình thực hiện dự án, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND thành phố nhân rộng mô hình dự án trên địa bàn quận 1 và quận 10 trong khuôn khổ chương trình “Thành phố an toàn thân thiện với phụ nữ và trẻ em”, ông Sơn chia sẻ.
Dự án “Trường học thân thiện và bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương” tiếp tục được nhân rộng

Nguyễn Cảnh
.
.
.