Thiếu cơ chế giám sát thực thi quyền trẻ em

Chủ Nhật, 18/10/2015, 07:36
Bảo mẫu trói chân, tay, nhét giẻ vào miệng trẻ ở Quảng Bình; trẻ nhặt đồ ăn trong thùng rác khi bị nhốt bên ngoài lớp học ở Lạng Sơn; trẻ bị đánh đập, nhốt trong chùa ở Hưng Yên và ngày 15/10 lại thêm một cháu bé 13 tháng tuổi ở Cần Thơ bị hôn mê, liệt nửa người do chấn thương sọ não tại cơ sở trông giữ tư nhân… là những thông tin gây bất bình trong dư luận xã hội.


Bạo hành trẻ em ở các cơ sở mầm non diễn ra liên tục trên phạm vi cả nước và chỉ được phát hiện bởi báo chí, người dân tố cáo. Phóng viên Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Ths.Bs Nguyễn Trọng An, chuyên gia cao cấp về bảo vệ chăm sóc trẻ em (BVCSTE), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng xung quanh vấn đề này:     

Phóng viên (PV): Thưa ông, dư luận đau xót khi liên tiếp chứng kiến các vụ bạo hành trẻ em xảy ra ở cơ sở mầm non trên cả nước, mới đây nhất là một cháu bé 13 tháng tuổi ở Cần Thơ đã bị hôn mê sâu, liệt nửa người khi gửi tại cơ sở giữ trẻ tư nhân. Vậy, chúng ta cần phải có giải pháp gì để ngăn chặn hành vi bạo lực đối với trẻ?

Ông Nguyễn Trọng An: Chúng ta đã nói đến rất nhiều giải pháp cho vấn đề này rồi. Nhưng theo tôi, trước hết là tuyên tuyền giáo dục ý thức cho bảo mẫu, cha mẹ về tình yêu thương đối với trẻ. Thật đáng lên án khi hiện nay vẫn có những bảo mẫu dẫm lên người trẻ, dùng chổi để làm vệ sinh cho trẻ, trói tay, chân trẻ… một cách không có tình người. Trẻ em có quyền được bảo vệ, được sống. Chúng ta phải tuyên truyền giáo dục về tình yêu thương ngay từ trong gia đình, nhà trường rồi mới lan rộng ra cộng đồng.

Thứ hai là vấn đề thực thi pháp luật. Pháp luật phải được quy định rõ để toàn dân noi theo và phải xử lý nghiêm minh. Tôi nghĩ, trong tình hình hiện nay, phải tăng cường công tác phòng ngừa, dự phòng, nhưng quan trọng nhất là chúng ta tuyên truyền để phòng ngừa chứ đừng để nó xảy ra. Bởi xảy ra rồi mới đi kiểm tra, xử lý là rất sai lầm.

Ths.Bs Nguyễn Trọng An.

PV: Vậy cơ chế giám sát chống bạo hành của chúng ta hiện nay đối với các cơ sở này ra sao?

Ông Nguyễn Trọng An: Hiện nay chúng ta thiếu hẳn một đội ngũ cộng tác viên (CTV) giám sát việc BVCSTE. Phải có đội ngũ CTV thì mới có “tai, mắt” để lắng nghe, để biết được nhà này, cơ sở kia đang hoặc chuẩn bị có nguy cơ gì xảy ra với trẻ em mà ngăn chặn. Nhưng chúng ta đã giải tán 162.000 CTV BVCSTE ở cộng đồng vào tháng 8/2007. Đến giờ mới hồi phục lại, nhưng mới đào tạo được 60.000 CTV, chúng ta đang thiếu hụt đội ngũ này. Những vụ bạo hành vừa qua, nguyên nhân là do thiếu CTV, không có cơ chế giám sát thực thi quyền trẻ em nên mới xảy ra hàng nghìn vụ bạo hành. Nếu giải quyết được nguyên nhân này thì tôi tin là sẽ giảm được vấn đề bạo lực.

Trong dự thảo Luật BVCSTE sửa đổi năm 2015, nên bổ sung thêm điều khoản: “Có cơ chế giám sát khách quan bởi những chuyên gia độc lập để đảm bảo thực hiện quyền trẻ em”. Nếu có cơ chế này thì sẽ đảm bảo được tính khách quan, minh bạch trong giám sát thực hiện quyền trẻ em, tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như đã xảy ra trong suốt thời gian vừa qua; tránh được sự chỉ đạo của cấp trên làm sai lệch trong quá trình điều tra vi phạm quyền trẻ em; đảm bảo sự minh bạch giải trình của các cơ quan được giao nhiệm vụ BVCSTE.

PV: Hầu hết các vụ bạo hành trẻ em đều do báo chí, người dân phát hiện, chính quyền địa phương gần như “tê liệt”. Theo ông, công tác cấp phép, quản lý cơ sở mầm non hiện có lỗ hổng hay không? Là lãnh đạo chính quyền địa phương có chịu trách nhiệm về bạo hành trên địa bàn mình?

Ông Nguyễn Trọng An: Trong công tác cấp phép tôi nghĩ là không có lỗ hổng. Quy trình, văn bản cấp phép là không sai, nhưng khi thực thi là sai. Ai có quyền cho phép mở các trường mầm non tư thục? Đó là Chủ tịch phường. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 1458 về tăng cường công tác BVCSTE tháng 8-2011 đã quy định rõ, nếu để xảy ra vấn đề gì ở trong phường thì Chủ tịch phường phải chịu trách nhiệm. Nhưng từ đó đến nay xảy ra rất nhiều trường hợp trẻ em bị bạo hành nhưng chưa có Chủ tịch phường nào bị xử lý cả. Thật buồn là có vụ bạo hành trẻ em xảy ra ngay ở Hà Nội, nhưng cuối cùng người bị xử lý kỷ luật lại là ông tổ trưởng. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp phường, xã là rất quan trọng. Nhưng có rất nhiều nhóm trẻ gia đình, cơ sở mầm non tư thục đến lúc xảy ra chuyện mới lộ ra là hoạt động không phép. Đều đó cho thấy khâu giám sát rất yếu kém.

Hiện nay, toàn bộ hệ thống nhà trẻ, chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi đã phải giải tán, trong khi nhu cầu chăm sóc trẻ dưới 36 tháng rất cao, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, người dân không có điều kiện để thuê người giúp việc, cũng không phải nhà nào cũng có ông bà trông con cho và càng không thể cho con học ở những trường ngoài công lập đắt tiền. Cả nước chỉ có gần 20% nhà trẻ công lập thực hiện nhận trẻ 24 tháng tuổi trở lên. Do vậy, trẻ hầu hết học tại các nhóm trẻ gia đình, lớp học mầm non. Nhưng làm sao để bảo đảm quyền cho các cháu khi học ở những cơ sở này khi không có sự giám sát là xảy ra chuyện. Và ngày 15/10 lại thêm một cháu bé 13 tháng tuổi bị chấn thương sọ não, hôn mê khi trông giữ tại cơ sở mầm non ở phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP Cần Thơ.

Ở cơ sở này, việc tuyển giáo viên có đúng hay không, có trình độ sư phạm mầm non không, chăm sóc trẻ có tốt hay không cần phải được làm rõ. Bởi chăm sóc trẻ trong 1.000 ngày đầu đời rất quan trọng. Đây là giai đoạn phát triển toàn bộ thể chất, tinh thần, trí não của một con người. Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp còi, khuyết tật trong 3 năm đầu đời thì làm sao có người trưởng thành khỏe mạnh để xây dựng và bảo vệ đất nước.

PV: Xin cảm ơn ông!

Trần Hằng
.
.
.