Bên thềm xuân mới, nhắn gửi người hoàn lương
- Tạo vốn giúp nhiều người hoàn lương
- “Chắp cánh tương lai” giúp người hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng
“Tôi có thông điệp muốn được chia sẻ đến tất cả những người hoàn lương khi những ngày Xuân đang về rất gần với mọi người, mọi nhà trên khắp mảnh đất hình chữ S. Cuộc sống sẽ không thương hại bất kỳ ai nhưng cũng không chối bỏ ai bao giờ, chỉ có những người tự chối bỏ bản thân mình", ông bộc bạch với PV Báo CAND.
Báo CAND xin trân trọng giới thiệu đến độc giả bài viết của đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, viết riêng cho Báo CAND, nhắn gửi đến những người hoàn lương.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp chụp ảnh cùng Lê Thanh Huy, gương hoàn lương ngụ xã Tân Quới, huyện Thanh Bình. |
"Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng". Chỉ vì một phút sai lầm, vì "đường đời xô đẩy" nên sa chân lỡ bước; vì một phút nông nổi, một khoảnh khắc nóng giận, sự túng quẫn nhất thời, khi đã ân hận thì đã muộn màng với cái giá phải trả bằng sự trừng phạt của lương tâm và pháp luật, buộc phải cách ly khỏi đời sống xã hội, thậm chí là trả giá bằng chính mạng sống của mình. Đó cũng là lẽ công bằng.
Nhưng, "Dậy mà đi..., ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần", nhiều người đã biết đứng lên ngay tại nơi mình đã bị "xô ngã" hoặc tự mình "vấp ngã". Dẫu biết con đường đi lên từ "con số 0" đã khó, thì con đường hoàn lương bắt đầu từ "số âm" lại càng khó khăn biết nhường nào. Tay trắng, tự ti, mặc cảm, biết bao định kiến của xã hội, sự hẹp hòi của con người... là những rào cản vây quanh những người muốn trở lại là chính mình, sống đúng với hình ảnh một con người bình thường như bao người khác, như trước khi vấp ngã hoặc chưa từng vấp ngã.
Những đêm dài, thậm chí là "đêm trắng" để đối mặt với con đường đầy chông gai phía trước, và sau đó là khúc rẽ của cuộc đời. Thay vì gieo vào lòng họ sự mặc cảm, tự ti và sự mù mờ về một tương lai vô định, chúng ta hãy "dang rộng vòng tay", đón họ trở về với thái độ bao dung, gần gũi.
Đã có những người chứng minh rằng: "Không gì là không thể" nếu không bỏ cuộc! Họ hiểu rằng, thời gian còn đủ dài để làm lại cuộc đời, để chứng tỏ rằng mình cũng là con người, mà con người thì cũng có phút giây sai lầm, vấn đề mình có nhận ra sai lầm không! Họ nhận ra thì không bao giờ là quá muộn để thay đổi cuộc đời mình. Họ chấp nhận thách thức vì thách thức sẽ tôi luyện cho họ càng thêm ý chí, động lực. Họ thay đổi thái độ sống vì họ hiểu ra một điều rằng, chỉ có thay đổi thái độ sống mới có cơ hội thay đổi của cuộc đời họ.
UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị sơ kết, biểu dương các mô hình tiêu biểu về tài hòa nhập cộng đồng. |
Hãy vực dậy niềm tin rằng, họ có thể làm được, thậm chí là làm tốt, những gì có giá trị cho bản thân và cuộc đời này! Hãy giúp họ "nhìn về phía trước chứ đừng ngoảnh lại phía sau"! Hãy tạo cho họ một điểm tựa để giúp làm bật dậy những giá trị tiềm ẩn trong mỗi con người đù đó là bất kỳ ai!
"Nhân chi sơ tính bản thiện"! Vậy, ngay trong mỗi chúng ta cũng đều mang trong mình "dòng máu lương thiện". Hãy lấy "thiện" của mỗi người để làm điều "thiện" đối với những người đang cải hoá thành "người thiện". Sự khởi đầu cho cuộc sống mới của một con người là hết sức quan trọng, có tính chất quyết định con đường tiếp theo mà họ sẽ đi. Khi chúng ta đưa một người trở về với cuộc sống xã hội thì cần có trách nhiệm hỗ trợ họ về vật chất và tinh thần.
Phải bằng mọi giá giúp họ có được những điều kiện cần thiết để tự tồn tại và hoà mình vào trong cộng đồng, nhanh chóng tạo ra các mối quan hệ gần gũi trong cộng đồng xã hội. Đó là nguồn động viên mang tính định hướng rất lớn cho mỗi con người! Hãy mang đến cho họ sự quan tâm, sẻ chia đồng thời với "niềm hy vọng vào tương lai" sẽ giúp con người có niềm tin phấn đấu để trở nên hoàn thiện hơn, để trở thành một thành viên tích cực trong cộng đồng. Đó là những điều tối thiểu mà chúng ta có thể làm thay vì dè bỉu, chỉ trích!
Có thể những người hoàn lương thành công chưa thật sự nhiều, chưa lấn át được những trường hợp tái phạm, nhưng mỗi tấm gương những người như vậy càng cho thấy giá trị cần được nâng niu. Người hoàn lương cần nhiều thứ hơn là đồng vốn. Họ cần không gian để hoà mình vào đó mà không bị phân biệt đối xử, không bị những ánh mắt dò xét, thậm chí là miệt thị, rẻ khinh. Họ cần trợ giúp tâm lý để vượt qua "khoảng lặng" trong những ngày cách ly gia đình, người thân, bạn bè. Họ cần tư vấn để làm ăn "đường đường, chính chính" bằng đôi tay, khối óc của mình.
Vậy, mỗi người sao không "bắt" cho họ một "nhịp cầu" nối lại tình người với tình người, tình thương với tình thương?!? Đừng bỏ mặc họ trong sự chán chường và tuyệt vọng! Mỗi người hoàn lương thành công sẽ truyền cảm hứng, trở thành những tấm gương sáng cho cộng đồng. Hơn ai hết, họ là những người thấm thía nỗi đau khi mắc phải sai lầm của đời người. Tiếng nói của họ thực sự làm lay động lòng người để những người khác biết đâu là nẻo sáng, đâu là bóng tối, đâu là giá trị của tự do, giá trị to lớn của thành quả lao động chân chính từ đôi tay, khối óc của mình, là niềm an lành được sống tự do, hoà mình trong cộng đồng thân quen...
UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị sơ kết, biểu dương các mô hình tiêu biểu về tái hòa nhập cộng đồng. |
Nếu được tin tưởng, những người ấy sẽ còn làm được nhiều điều hơn thế để cộng đồng xã hội chúng ta ngày càng bớt đi những cái xấu, nuôi dưỡng và làm lan toả những điều tốt đẹp. Xã hội có được bình yên hay không một phần phụ thuộc vào cách chúng ta ứng xử với những người đã một thời lầm lỡ đang chật vật gầy dựng lại cuộc đời!
Dẫu biết rằng, mọi điều không bao giờ là hoàn hảo, còn nhiều khó khăn thách thức cho tương lai phía trước, nhưng có liệu khó khăn nào hơn những gì họ đã phải trải qua. Cuộc đời có dài hay ngắn, vui hay buồn, có ý nghĩa hay không phần lớn là do chính chúng ta cảm nhận và lựa chọn. Hãy tạo ra niềm tin để họ thoát khỏi những ám ảnh bởi quá khứ sai lầm, yên tâm và sống cuộc đời lương thiện, quên đi đoạn đời buồn đã qua!
"Cuộc sống sẽ không thương hại bất kỳ ai nhưng cũng không chối bỏ ai bao giờ, chỉ có những người tự chối bỏ bản thân mình".
Đó là thông điệp mà chúng ta cùng gửi đến tất cả những người hoàn lương khi những ngày Xuân đang về với mọi người, mọi nhà.
Tấm lòng nhân ái của chúng ta luôn rộng mở với những người có hoàn cảnh khó khăn, với những mảnh đời nghiệt ngã, lẽ nào, không có chỗ cho một chút vị tha, độ lượng với con người trong hoàn cảnh khó khăn này? Hãy nhìn vào ý chí, nỗ lực phục thiện, sự cam chịu của những con người trót một lần lầm lỡ để thấy những xúc cảm, sự cảm thông và yêu thương, để giúp họ sớm hoà nhập cộng đồng, giúp họ trở thành những con người hữu ích cho xã hội. Đó là một việc mà ai cũng có thể làm được và nên làm!
"Một khi cho đi, chính là lúc được nhận lại"! Đơn giản vậy thôi mà!
Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp