Bảo tồn cây dược liệu trước nguy cơ tuyệt chủng
- Trồng cây dược liệu xóa đói, giảm nghèo
- Chuyển giao công nghệ khí canh để nhân giống vô tính và sản xuất sinh khối cây dược liệu
- Tuần tra giữ rừng, bảo vệ cây dược liệu
Tuy nhiên, hiện việc trồng và khai thác dược liệu vẫn còn tự phát; trong khi đó, nguồn dược liệu tự nhiên đang có xu hướng cạn kiệt, nhiều loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng…
Bác sĩ Lê Thị Khánh, Trưởng Trạm Y tế xã Trung Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu, Tà Ôi, Vân Kiều, Pa Cô… sinh sống ở đất rừng A Lưới có nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc sử dụng cây cỏ tự nhiên làm thuốc để phòng và chữa bệnh. Từ đó, các nhân viện y tế xã đã hình thành tại Trạm y tế vườn thuốc nam, với hơn 40 loại cây thuốc phổ biến.
Nhiều năm qua, vườn thuốc nam này là “tủ thuốc” chăm sóc sức khỏe ban đầu hữu hiệu cho người dân, chủ yếu chữa các bệnh cảm cúm, sơ cứu vết thương ban đầu, viêm ruột, dạ dày, cơ xương khớp, bệnh phụ khoa, bí tiểu… Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số loài dược liệu quý hiếm trên địa bàn đang trước nguy cơ cạn kiệt.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thủy ở xã Hồng Kim cũng cho biết, vườn thuốc Nam Hồng Kim có khoảng 45 cây thuốc chữa các bệnh cảm mạo, cơ xương khớp, tiêu chảy, táo bón, tiểu tiện, phụ khoa… Hơn 30% bệnh nhân đến khám bệnh đều lựa chọn thuốc nam, đa phần là người lớn tuổi, nhiều bệnh nhân điều trị ngoại trú đã bốc thuốc nam uống kết hợp với châm cứu Đông y.
Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện A Lưới, mô hình vườn thuốc nam hiện đã nhân rộng trên địa bàn với hơn 30 vườn; trong đó 21 trạm y tế xã, thị trấn và Trung tâm Y tế huyện. Các vườn thuốc nam có rất nhiều loại nằm trong danh mục 9 nhóm thuốc chữa bệnh, như: Đường ruột, viêm gan và siêu vi trùng, sốt xuất huyết…
Cây tràm gió được trồng ở huyện Phong Điền. |
Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên-Huế trao đổi, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có 1.126 loài, 177 họ thuộc 4 ngành thực vật có giá trị dược liệu.
Về làm thuốc chữa bệnh, khảo cứu sơ bộ, có 197 loài theo kinh nghiệm của người Cơ Tu, 35 loài của người Vân Kiều, 11 loài của người Mường; nghiên cứu về cây thuốc thân gỗ ở TP Huế có khả năng chữa các bệnh thông thường với 49 loài; 120 loài thuộc 67 họ được người dân xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc sử dụng làm thuốc.
Tuy nhiên, nhiều loài cây dược liệu làm thuốc quý hiếm đang dần cạn kiệt và có nguy cơ bị tuyệt chủng, như giải thùy tơ, rầm hương, vàng đắng, cẩu tích, đỗ trọng tía…
Nhận rõ tầm quan trọng của việc sử dụng, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phê duyệt đề án “Phát triển vùng nguyên liệu và các sản phẩm dược liệu gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm”.
Ông Hồ Thắng cho rằng, trước xu thế phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, dược liệu chính là nguồn nguyên liệu của nền công nghiệp tân dược trong tương lai. Tuy nhiên, hiện người dân và doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đến phát triển vùng nguyên liệu dược liệu có quy mô lớn gắn với phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm dược.
Các đề tài, dự án nghiên cứu hoặc phát triển cây dược liệu có tính bản địa vẫn còn ít được quan tâm. Các nhà nghiên cứu trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng chưa thực sự chú trọng vào phát triển nguồn nguyên dược liệu đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đồng thời, chưa tạo được sản phẩm địa phương làm từ dược liệu tạo thành hàng hóa thương mại và xây dựng thương hiệu nhằm quảng bá, giới thiệu cho du khách đến tham quan Thừa Thiên-Huế…