Bẩn như... nước giải khát vỉa hè

Thứ Hai, 06/06/2016, 08:25
Hà Nội đang phải trải qua những ngày nắng nóng đỉnh điểm với nhiệt độ ngoài trời lên đến hơn 40 độ C. Đây cũng chính là cơ hội để các hàng quán kinh doanh nước giải khát như trà đá, mía đá, nước me, trà chanh, chè… mọc lên khắp các vỉa hè.


Mặc kệ bụi đường cuộn lên từng hồi với làn phương tiện tấp nập trên phố, rất nhiều người vẫn vô tư giải cơn khát với thứ nước uống chỉ nhìn bằng mắt thường cũng đã thấy nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trưa 3-6, ba bốn quán trà đá quanh cổng Bệnh viện Việt Đức, phố Phủ Doãn đông kín người. Gọi là quán nhưng thực tế, mỗi người bán hàng chỉ tận dụng khoảng 5m² vỉa hè - nơi tấp nập người đi lại cộng thêm khói bụi, xăng xe bủa vây để bày lên đó ấm trà đặc, hộp xốp đựng đá, chục cái cốc và những chiếc ghế nhựa. 

Thứ gì thứ ấy cũng bám một màu vàng két. Một toán khách 3 người vừa bước ra từ cổng bệnh viện đã ngồi một quán trà sát ngã tư Phủ Doãn - Tràng Thi gọi 3 cốc trà đá. Gương mặt nhớp nháp mồ hôi, chị chủ quán nhanh tay cầm thanh gỗ đen kịt đập mảng đá vỡ vụn ra rồi bốc vào cốc, rót trà đưa cho khách. 

Những chiếc cốc khách vừa uống xong chỉ được tráng qua trong xô nước chuyển màu rồi lại đặt lên chiếc khay nhựa. Dường như chưa thỏa cơn khát trong tiết trời oi bức lên đến 40 độ C, sau khi tu một hơi gần hết, 3 vị khách lại gọi thêm mỗi người một cốc trà đá.

Đồ uống vỉa hè giá rẻ, màu sắc bắt mắt tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nhiều quán chè giá bình dân chỉ từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/cốc cũng theo đó mà xuất hiện nhan nhản trên vỉa hè các tuyến phố. Vỉa hè phố Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, một quán chè bắt đầu mở cửa từ khoảng 15h chiều khi cái nắng nóng bắt đầu có dấu hiệu dịu đi. 

Với giá 12.000 đồng/cốc, thực khách đã có thể thưởng thức đủ loại chè khác nhau. Màu xanh của chè thái, màu vàng của chè bưởi, màu tím của chè khoai môn… tất cả đều hiện lên sặc sỡ trong cái nắng hè. Chị Huệ, chủ quán cho biết: Những ngày nắng nóng, chị có thể bán hàng chục cốc mỗi ngày.

Theo thông tin từ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, trong những ngày nắng nóng vừa qua, trung bình mỗi ngày, trung tâm tiếp nhận từ 3-5 bệnh nhân nhập viện. Đồ ăn thức uống đường phố là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm. Với thời tiết oi bức, lại được bày bán ngay tại vỉa hè với khói bụi mà không có các dụng cụ bảo quản nên những loại thực phẩm này rất dễ bị nhiễm khuẩn. 

Anh Nguyễn Duy Thanh, người đã từng phải nhập viện vì tiêu chảy sau khi uống trà đá tại Bến xe Mỹ Đình, Hà Nội kể: “Hôm đó, cốc trà tôi uống bị sủi bọt có mùi như đã bị thiu. Tuy nhiên, vì khát mà tôi vẫn nhắm mắt uống, bụng thì đói. Thế là mấy tiếng đồng hồ sau, bụng đau quằn quại, người vã mồ hôi, khó thở và đi ngoài liên tục”. 

Bên cạnh đó, những thức uống vỉa hè thường có giá rẻ, đặc biệt là màu sắc rất bắt mắt. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học - thực phẩm, Đại học Bách Khoa, Hà Nội, đối với những thức ăn có chứa phẩm màu trong danh mục được phép sử dụng làm phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế, nếu dưới mức giới hạn dư lượng cho phép thì không gây ảnh hưởng cho sức khỏe. 

Tuy nhiên hiện nay, vì giá thành các loại phẩm màu và hương liệu nguồn gốc tự nhiên khá cao nên nhiều người thường chạy theo lợi nhuận trong buôn bán kinh doanh dẫn đến việc lạm dụng quá mức các hóa chất tạo màu và tạo mùi hoặc sử dụng các phẩm màu ngoài danh mục cho phép để chế biến thực phẩm. 

Điều này sẽ rất nguy hại đối với sức khỏe con người. Độc tính có thể nhẹ như nôn ói, đau bụng, nhức đầu, hay có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe nếu sử dụng liên tục trong thời gian dài.

Thức uống vỉa hè đang hiện hữu những nguy cơ đe dọa sức khỏe người sử dụng. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh này dường như vẫn đang bị thả nổi mà chưa thấy đơn vị nào kiểm tra, xử lý. 

Đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm của những hàng quán nước giải khát vỉa hè, nhất là trong những ngày nắng nóng như hiện nay.

Đình Phương
.
.
.