Vụ sập hầm lò ở Hòa Bình: Sau mồ hôi và nước mắt là bài học đắng chát

Thứ Ba, 24/11/2015, 10:18
Vụ sập mỏ than ở Tân Lạc, Hòa Bình xảy ra ngày 18/11 lại một lần nữa gióng lên cảnh báo về tình trạng mất an toàn lao động (ATLĐ) trong khai thác than khi liên tiếp gần đây xảy ra nhiều vụ thợ mỏ bị thiệt mạng do tai nạn lao động.

Nguyên nhân của các vụ TNLĐ này là do công tác thiết kế, xây dựng, cấp phép hay của chính chủ đầu tư, công nhân phớt lờ các quy định, quy trình kỹ thuật trong khai thác?

Mọi hoạt động phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép

Vụ sập hầm lò tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đã kết thúc. Theo báo cáo của chủ lò trong cuộc họp của Ban chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tỉnh Hòa Bình với đồng chí Bí thư tỉnh ủy Bùi Văn Tỉnh thì khu vực lò xảy ra tai nạn trước đây là đường lò cũ, đã dừng khai thác 2 năm, giờ đang củng cố sửa chữa nhưng vì lò cũ đã bị hỏng và mỏng. Sự cố xảy ra là do bục túi nước từ trên cao xuống. 6 công nhân vào làm việc, anh em lên lò thượng để củng cố, sửa chữa sự cố tại đây. Khi phát hiện nguy hiểm thì gọi nhau xuống, 3 người chạy thoát ra ngoài, còn 3 người phía trong không kịp thoát đã bị đất đá vùi lấp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Kiên, Trưởng phòng An toàn mỏ và Dầu khí, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường, Bộ Công Thương cho biết: “Dù là thăm dò hay củng cố, sửa chữa cũng phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép mới được đưa người vào làm”. Ông Kiên cũng cho biết thêm, trong quá trình tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã gặp phải một số khó khăn như: hệ thống đường lò hẹp, hệ thống kỹ thuật có nhưng yếu. Hệ thống điện, không khí, khí nén có nhưng hầu hết không sử dụng được hết hiệu quả. Vị trí nạn nhân thứ 3 ở lò thượng có độ dốc 45 độ, lực lượng cứu hộ phải triển khai phương án vừa đưa thi thể nạn nhân ra khỏi tảng đá, vừa phải đảm bảo an toàn, chống tái sập ở khu vực lò thượng.

Đưa nạn nhân cuối cùng trong vụ sập lò than tại Tân Lạc, Hòa Bình ra ngoài.

Tai nạn do không tuân thủ quy trình an toàn

Theo ông Phạm Kiên, nguyên nhân dẫn tới sập lò trong những năm gần đây chủ yếu là do bục túi nước, nổ khí mêtan và hậu quả của nó đều khôn lường. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên ngoài lỗ hổng trong công tác cấp phép, thiết kế, xây dựng, còn là sự bớt xén quy định, quy trình kỹ thuật an toàn trong khai thác. Làm thế nào để phòng tránh tai nạn do sập lò đem lại? Ông Trần Sỹ Hòa, nguyên Phó quản đốc Công trường vận chuyển 28, Công ty Than Hà Lâm (Quảng Ninh), người có trên 30 năm kinh nghiệm khai thác hầm lò cho biết, đa số các vụ bục túi nước là do khai thác vào nơi lò cũ hoặc dưới lòng moong (dưới độ âm). Các gương lò này có nhiều nguy cơ chứa các túi nước (rốn chứa nước từ trên núi xuống). Khi trắc địa thông báo có khả năng gặp lò cũ thì phải nghĩ ngay đến việc sẽ xảy ra bục nước. Bằng kinh nghiệm của cán bộ kỹ thuật có thể dự phòng được. Đó là trước khi khai thác phải khoan thăm dò, thấy đảm bảo an toàn mới được khoan, bắn nổ mìn gương. Tương tự, đa số các vụ nổ khí mêtan trong lò thường xảy ra ở các lò gương độc đạo (lò chưa thông bị bí khí) hoặc thứ bảy, chủ nhật công nhân nghỉ, không chạy quạt cục bộ. Để phòng tránh nổ khí mêtan thì trước khi vào lò phải chạy quạt, đo khí để kiểm tra.

Theo ông Hòa thì quy định bắt buộc trong việc khai thác than hầm lò, đặc biệt là các lò giếng (có độ âm hàng trăm mét) rất nghiêm ngặt như: trước khi vào lò công nhân phải trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, khi làm việc phải tuân thủ theo đúng quy trình, quy phạm an toàn; không mang các chất cấm vào lò. Đội thông gió, cấp cứu phải kiểm tra lượng khí ôxy, cacbonic, khí nổ CH4 (dán trên bảng gỗ ở các đường vào lò trợ, lò cái) xem có đủ tiêu chuẩn an toàn không mới được tiến hành vào nơi làm việc. Trước khi nổ mìn khai thác phải kiểm tra hàm lượng khí đảm bảo an toàn mới được phép nổ. “Đặc biệt, trước khi vào làm việc, phải củng cố trước, sau nơi làm việc thật đảm bảo an toàn mới được tiến hành làm việc. Khi tiến hành làm việc, người công nhân phải tuân thủ đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn mà ngành đề ra. Nếu như không tuân thủ, bớt xén quy trình, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào”, ông Hòa cho biết.

Theo khuyến cáo của ông Kiên, để tránh những tai nạn đau lòng không muốn xảy ra, các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác mỏ, khoáng sản cần tuân thủ nghiêm ngặt Luật Khoáng sản, các quy định về an toàn lao động, quy chuẩn an toàn trong quá trình khai thác than, hầm lò. Nếu tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình này, tai nạn lao động sẽ khó xảy ra. Chủ doanh nghiệm cần kiểm soát chặt chẽ quá trình thi công, đào tạo công nhân; phải kiểm soát rủi ro trong quá trình thi công.

* Sau 6 ngày với sự cố gắng và nỗ lực cao độ, đến khoảng 16h ngày 23/11, lực lượng cứu hộ đã đưa thi thể nạn nhân Bùi Văn Quý ra ngoài. Trước đó, nạn nhân Quý được tìm thấy lúc 2h30 sáng 23/11 trong tình trạng bị mắc kẹt ở giữa hai tảng đá. 13 giờ sau khi được phát hiện, lực lượng cứu hộ mới đưa được nạn nhân ra ngoài. Đó là cả một quá trình cứu hộ căng thẳng và đầy nguy hiểm khi đất đá trên lò tiếp tục tụt xuống, trong khi vừa phải đảm bảo an toàn tính mạng cho lực lượng, vừa phải làm sao đưa được thi thể nạn nhân ra ngoài một cách nguyên vẹn nhất. Rất nhiều phương án được đưa ra. Cuối cùng, lực lượng cứu hộ chọn phương án vừa chống sạt, vừa dùng đệm hơi bơm khí để kích hai tảng đá ra thì mới đưa được thi thể nạn nhân ra ngoài nguyên vẹn. Nén đau thương, gia đình nạn nhân vô cùng cảm kích lực lượng cứu hộ đã vất vả suốt 6 ngày qua.  

Trần Huy - Trần Hằng
.
.
.