Vùng đất “chết” hồi sinh

Thứ Hai, 23/05/2016, 10:47
Cách đây gần chục năm, Ba Điền, Ba Tơ, Quảng Ngãi được ví như vùng đất “chết” khi hàng loạt bệnh nhân mắc bệnh lạ không rõ nguyên nhân. Nhiều người tử vong mà không có thuốc chữa. Không ai dám đến gần, thậm chí nhiều người còn tìm cách trốn chạy khỏi vùng đất “chết”. Thế nhưng gần đây, dù chưa tìm ra được nguyên nhân nhưng bệnh “lạ” đã được khống chế, bệnh nhân mắc bệnh đã được chữa khỏi. Không còn không khí u ám, xơ xác ngày nào, Ba Điền đang thay da, đổi thịt từng ngày.


Đường vào Ba Điền mùa này nắng chói chang. Những cánh đồng đang mùa lúa chín vàng ruộm, được nhuộm thêm màu vàng của nắng càng thêm ngút ngát. Đâu đó có tiếng cười tiếng nói hòa lẫn trong tiếng máy tuốt lúa sôi động. Không khí sản xuất nô nức trên khắp các nẻo đường quê. Ba Điền không còn không khí ảm đạm ngày nào, trái lại sức sống càng mãnh liệt hơn xưa. Những ngôi nhà được sơn sửa khang trang hơn. Những con suối nước trong veo lại tấp nập người ra gánh nước, giặt giũ.

Cách đây gần 5 năm, Ba Điền chẳng khác gì vùng đất “chết”. Năm 2011, căn bệnh “lạ” hay còn gọi là hội chứng viêm da dày sừng lòng bàn tay, bàn chân xuất hiện đầu tiên ở Ba Điền, sau đó nó lan nhanh như một “đại dịch”. Căn bệnh khiến người bệnh lở loét khắp chân, tay, mình mẩy. 

Mới đầu chỉ có một vài người mắc, sau lan dần, chục người rồi cả trăm người và cướp đi sinh mạng của biết bao nhiêu con người vô tội. Những đứa trẻ bỗng chốc trở thành mồ côi, không cha không mẹ. Những thanh niên đang khỏe mạnh bỗng dưng nằm một chỗ chờ đợi tử thần đón đi trong cơn hấp hối. Nhiều đứa trẻ đáng thương cũng đã vĩnh viễn nằm lại vùng đất “chết”… 

Khám chữa bệnh định kỳ ở Ba Điền.

Nỗi sợ bao trùm từng ngôi nhà, từng bản làng. Hoang mang, lo sợ tột đỉnh, người dân tìm đến thầy cúng để xua đuổi ma tà, quỷ ám, nhưng thầy cúng cũng phải hoảng hốt bỏ làng ra đi vì không thể nào cứu được bệnh nhân. Nhiều gia đình trốn tránh bệnh tật phải chui lủi vào tận rừng sâu sinh sống. 

Nhắc đến Ba Điền, người ta thấy ghê sợ. Không ai dám bước chân vào làng. Ngoại trừ các đoàn y tế, khoa học, phóng viên tìm đến, thì không một người dân nào dám bước vào Ba Điền. Nhưng cuối cùng bằng sự nỗ lực, cố gắng của các ban ngành, đoàn thể và sự tin tưởng, hợp tác hoàn toàn của bà con, bệnh “lạ” được đẩy lùi, đem lại niềm vui, hạnh phúc tột cùng cho những bệnh nhân nơi đây.

Giờ đây trở lại Ba Điền, người ta không còn thấy một không khí u ám, chết chóc như cách đây vài năm, thay vào đó Ba Điền đang thay da đổi thịt hằng ngày. Đường làng trở nên xanh mát, sạch sẽ hơn, không còn bề bộn rác, phân gia súc... như trước.

Đặc biệt là trên các nếp nhà sàn, đồng bào Hrê cũng đã làm vệ sinh nhà cửa tương đối sạch sẽ, quần áo, vật dụng gia đình được sắp xếp gọn gàng. Ngoài giờ đi làm, đi rẫy, họ lại tranh thủ gặp nhau chuyện trò. Trẻ con đã đi học đều trở lại. Tiếng ê a đọc bài, ca hát hòa lẫn giữa tiếng máy gặt lúa khiến Ba Điền hôm nay càng thêm rộn rã.

Anh Phạm Văn Nên vừa gặt lúa trở về, mồ hôi ướt đẫm lưng áo nhưng anh vẫn cười rất tươi. Anh hồ hởi khoe vừa xây lại ngôi nhà mới khang trang để chuẩn bị cưới vợ. Cách đây hơn 1 năm, anh cũng được chẩn đoán mắc bệnh lạ. Lúc đầu anh hoang mang, lo sợ lắm, anh nghĩ rằng mình đã cầm chắc cái chết trong tay nên chẳng buồn thuốc thang, chữa trị. 

Nhưng cuối cùng được sự động viên của các bác sĩ, anh đã đến bệnh viện điều trị. May mắn thay không những anh được chữa khỏi bệnh mà còn được bác sĩ, tình nguyện viên hướng dẫn cho cách giữ gìn vệ sinh, môi trường để phòng chống bệnh “lạ”. Về nhà, anh còn tuyên truyền, hướng dẫn mọi người trong gia đình làm theo. 

Hơn 1 năm qua anh cố gắng làm lụng, cày cuốc, tăng gia sản xuất để bù lại những tháng ngày sống trong đau đớn, tuyệt vọng vì bệnh tật. Và điều vui sướng, hạnh phúc hơn cả anh còn tìm được tình yêu đích thực khi chị cũng chính là một trong những bệnh nhân mắc bệnh “lạ” điều trị cùng đợt với anh. Sau vài lần gặp nhau trong đợt khám chữa bệnh của Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ, tình cảm của hai người càng thêm khăng khít và họ quyết định mùa thu này sẽ về chung một nhà. 

Còn với anh Phạm Văn Đếch, anh không muốn nhắc đến quá khứ đau buồn của gia đình. Vợ và con anh đều mất vì căn bệnh “lạ” cách đây 3 năm. May mắn một mình anh sống sót. Đám tang vợ con anh cũng chẳng thể về vì phải ở lại viện điều trị. Nhớ lại ngày ấy, anh bảo, anh chỉ muốn chết theo vợ con. Ông trời quá bất công để vợ con anh ra đi trong đau đớn, còn mình anh ở lại với nỗi cô đơn, chán chường. 

Nhưng rồi được sự động viên của bác sĩ và cả những bệnh nhân cùng điều trị với anh, anh quyết tâm làm lại cuộc đời. Xuất viện, anh chỉ biết lao vào làm việc cho quên đi nỗi nhớ vợ thương con. Chính trong thời gian đi làm công nhân, anh đã gặp được vợ anh bây giờ. Thương cảm cho số phận của anh, chị đã theo anh về làm dâu ở Ba Điền và hiện tại, vợ chồng anh đang rất hạnh phúc bên cậu con trai kháu khỉnh, đáng yêu.

Với anh Phạm Văn Chung, kỉ niệm ở Ba Điền với anh khá nhiều. Anh ở xã bên nhưng thường đánh xe tải sang bán hàng hoa quả rong ở Ba Điền. Khi Ba Điền xuất hiện dịch, anh sợ hãi lái xe lên tận thành phố Quảng Ngãi để buôn bán và nghĩ rằng sẽ không bao giờ mình bước chân trở lại Ba Điền nữa. Ngày ấy, cứ nghe đến bệnh “lạ” là người ta sợ hãi chạy trốn hơn cả bệnh hủi ngày xưa. Nhà có người quen ở Ba Điền nhưng anh chẳng bao giờ dám sang hỏi thăm, chỉ nghe tin tức qua báo, đài. 

Biết là có lỗi, cảm thấy áy náy, day dứt, nhưng anh chẳng còn cách nào khác bởi khi ấy, Ba Điền chẳng khác gì một vùng đất “chết”, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Đến khi có thông báo, bệnh “lạ” đã được chữa khỏi hoàn toàn, các bệnh nhân đã xuất viện và đều khỏe mạnh, anh là người đầu tiên tìm đến nhà người quen để thăm hỏi, động viên. Và ngay sau đó, người ta lại thấy bóng dáng chiếc xe tải bán hàng rong quen thuộc của anh rong ruổi khắp Ba Điền.

Dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh dịch.

Sau cơn “đại dịch ấy”, người dân Ba Điền nay đã sống khác hẳn ngày xưa. Họ không còn tin vào thầy cúng, vào ma quỷ. Thay vào đó, cứ hằng tháng khi Trạm Y tế huyện Ba Tơ cử đoàn công tác xuống khám chữa bệnh hay phun thuốc phòng dịch là họ lại hồ hởi đến trạm y tế xã để khám chữa bệnh. Khi có Đoàn Thanh niên tình nguyện về phát động phong trào dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, cống rãnh… người dân đều nhiệt tình tham gia. 

Bà Phạm Thị Ri đã ngoài 70 nhưng vẫn hồ hởi với phong trào giữ gìn vệ sinh chung lắm. Bà bảo: “Giờ chúng tôi đã biết cách phòng chống bệnh rồi. Ăn chín uống sôi, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Lúa gặt xong phơi thật khô mới cất đi thì không bị mốc, không bị bệnh. Giờ chỉ dùng nước sạch thôi, không dùng nước suối để ăn uống nữa”. Đặc biệt từ khi có công trình nước sạch, Ba Điền càng đổi thay rõ rệt hơn. Bà con yên tâm sản xuất, chăm lo đời sống của chính gia đình mình nên không chỉ sức khỏe được cải thiện mà ngay cả đời sống vật chất cũng được nâng cao.

Bà Đặng Thị Phượng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ cho biết: “Hội chứng viêm da sừng lòng bàn tay, bàn chân đã được đẩy lùi. Các bệnh nhân không bị tái phát, khi trở về cộng đồng đều phát triển khỏe mạnh. Cứ 1 tháng một lần chúng tôi lại phối hợp cùng các đơn vị như Trung tâm Y tế dự phòng, Bệnh viện Da liễu Trung ương Tuy Hòa tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho bệnh nhân ở Ba Điền. 2 tháng một lần thì tổ chức phun thuốc, phòng chống dịch bệnh ở các xã. Đồng thời tuyên truyền cho bà con nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, ăn chín, uống sôi, bảo vệ sức khỏe của chính mình”.
Minh Quân
.
.
.