"Cha đẻ" vũ khí và tên lửa hạt nhân của Triều Tiên qua đời
Một quan chức cấp cao CHDCND Triều Tiên đóng vai trò trong việc phát triển công nghệ hạt nhân và tên lửa cho nước này đã qua đời, truyền thông Triều Tiên đưa tin vào sáng 4-9.
Thông tấn Quốc gia CHDCND Triều Tiên (KCNA) đưa tin “học giả kiêm giáo sư” Ju Kyu Chang đã từ trần hôm 3-9, thọ 89 tuổi vì căn bệnh pancytopenia (hoại tử huyết: Giảm mức độ của tất cả các loại tế bào máu ngoại biên. Kết hợp với sự sụt giảm mạnh về số lượng các loại tế bào máu trong hình ảnh lâm sàng của bệnh bạch cầu, ba hội chứng: xuất huyết, nhiễm trùng và thiếu máu), một loại bệnh về máu nguy hiểm.
KCNA đưa tin cáo phó cấp quốc gia miêu tả ông Ju là “một vị lão thành các mạng đóng góp tích cực cho việc tăng cường khả năng phòng vệ của đất nước.”
“Sự ra đi của đồng chí Ju Kyu-chang, người đã thực hiện thành công các nhiệm vụ vĩ đại được Đảng giao phó trên mặt trận quốc phòng là một mất mát vô cùng lớn đối với Đảng và toàn thể nhân dân chúng ta,” KCNA dẫn cáo phó.
Di ảnh của GS.TS Ju Kyung-chang. Ảnh: KCNA |
Sau khi tốt nghiệp Đại học Công nghệ Kim Chaek danh tiếng của CHDCND Triều Tiên, ông Ju dành phần lớn thời gian cho sự nghiệp phát triển vũ khí hạt nhân.
Ông từng giữ chức vụ Cục trưởng Công nghiệp-Cơ khí vào năm 2010, cơ quan được giao nhiệm vụ phát triển vũ khí và tên lửa hạt nhân. Ông Ju là một cựu Bộ trưởng Quốc phòng CHDCND Triều Tiên, chịu trách nhiệm phát triển vũ khí và tên lửa hạt nhân của nước này.
Ông là một trong những quan chức cấp cao CHDCND Triều Tiên chịu sự trừng phạt theo từng giai đoạn từ năm 2013 của Bộ Tài chính Mỹ vì đóng vai trò trong chương trình hạt nhân.
Ông Ju từng giám sát vụ phóng tên lửa tầm xa Unha 2 vào năm 2009 cùng với nhà lãnh đạo lúc bây giờ-Kim Jong il, Thông tấn Quốc gia Hàn Quốc Yonhap đưa tin.
Giáo sư này cũng tham gia sâu vào việc phát triển 2 tên lửa Unha-3 được phóng vào năm 2012, trước khi nghỉ hưu vào năm 2015, Yonhap cho biết thêm.
Đất nước nghèo khó và cô lập, CHDCND Triều Tiên ưu tiên phát triển vũ khí hạt nhân đã giành được thành công đáng kể trong những năm gần đây. Nước này thực hiện vụ thử hạt nhân thành công đầu tiên vào năm 2006, sau đó là hơn 5 vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.